Cỗ máy chính của kinh tế Trung Quốc mất đà: Xuất nhập khẩu lao dốc mạnh, không còn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ sau 15 năm đứng đầu

Mộc Thảo |

Mỹ đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng và ưa chuộng các nước ở gần biên giới hơn.

Cỗ máy chính của kinh tế Trung Quốc mất đà: Xuất nhập khẩu lao dốc mạnh, không còn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ sau 15 năm đứng đầu - Ảnh 1.

Hôm qua Trung Quốc vừa công bố số liệu xuất nhập khẩu tháng 7 đáng thất vọng. Nhập khẩu giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu giảm 14,5%. Nhập khẩu giảm mạnh nhất kể từ tháng 1, khi Covid vẫn khiến các nhà máy và cửa hiệu phải đóng cửa; trong khi xuất khẩu giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2020.

Đặc biệt, Mexico và Canada đã thay thế Trung Quốc trở thành nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Mỹ, trong bối cảnh Mỹ nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng và ưa chuộng các nước ở gần biên giới hơn.

Theo số liệu mới nhất được Bộ Thương mại Mỹ công bố, trong 6 tháng đầu năm, Mỹ nhập khẩu khoảng 203 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Những con số này chưa được điều chỉnh theo lạm phát.

Hiện Trung Quốc trở thành nhà cung ứng lớn thứ 3 của Mỹ, đứng sau Mexico và Canada. Tổng giá trị hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Mexico tăng 5,4% so với 6 tháng đầu năm 2022. Những nước còn lại trong top 5 là Đức và Nhật Bản.

Cỗ máy chính của kinh tế Trung Quốc mất đà: Xuất nhập khẩu lao dốc mạnh, không còn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ sau 15 năm đứng đầu - Ảnh 2.

Kim ngạch xuất khẩu của Mexico, Canada và Trung Quốc sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2023 và 2022. Nguồn: Bloomberg.

Tính theo năm, Trung Quốc đã liên tục đứng ở vị trí số 1 trong suốt hơn 1 thập kỷ, trong đó kim ngạch thương mại 2 chiều giữa 2 nước đạt đỉnh vào năm ngoái. Gần đây, thương mại song phương Mỹ - Trung gặp nhiều thách thức do Bắc Kinh và Washington có nhiều bất đồng trên nhiều vấn đề, đồng thời đang chạy đua gay gắt về công nghệ và thị trường.

Trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ chi tiêu dè dặt hơn, nhu cầu về các sản phẩm “made in China”, từ quần áo đến điện thoại, cũng giảm xuống. Cùng lúc đó, các vấn đề xuất hiện trên chuỗi cung ứng trong thời đại dịch cũng thúc đẩy nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Thay vì nhập khẩu từ bên kia bán cầu, Mỹ chuyển sang nhập khẩu nhiều hơn từ 2 nước láng giềng phía Bắc và phía Nam.

Sau khi đã điều chỉnh theo mùa vụ, trong tháng 6 Mỹ chỉ nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 33,5 tỷ USD từ Trung Quốc, mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch. Kéo theo là thâm hụt thương mại với Trung Quốc cũng co hẹp đáng kể.

Tham khảo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại