Nếu gõ cái tên Đoàn Ngọc Hải vào công cụ tìm kiếm Google, bạn sẽ thu được 5,76 triệu kết quả tìm kiếm. Chắc chắn không một lãnh đạo cấp Quận nào có được sự phủ sóng như ông Hải.
Thậm chí, nếu "google" thì nhiều Bộ trưởng cũng không thu được kết quả tìm kiếm "khủng" như ông Hải. Ví dụ như Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, Phùng Xuân Nhạ chỉ cho ra 691 nghìn kết quả tìm kiếm (chỉ hơn số lẻ của ông Hải).
Điều đó cho thấy sự quan tâm của dư luận đối với cuộc-chiến-vỉa-hè do ông Đoàn Ngọc Hải đang thực hiện là lớn như thế nào. Tên và hình ảnh của ông trong chiến dịch xử lý lấn chiếm vỉa hè tràn ngập trên các báo điện tử cũng như mạng xã hội.
Tôi gọi đấy là một cuộc chiến, bởi vì sự cam go của nó. Văn hóa "vỉa hè" đã ăn sâu vào tiềm thức, nhận thức của người Việt.
Đại bộ phận người dân đều dễ dàng chấp nhận một quán ăn, một quán nước vỉa hè; chẳng mảy may bận tâm đến việc để xe trên vỉa hè mà coi đấy là một điều đương nhiên…
Thậm chí, ẩm thực vỉa hè còn đã được coi là một đặc trưng của Việt Nam. Do đó, không dễ làm thay đổi nó trong một sớm một chiều.
Chưa kể, vỉa hè là nơi kinh doanh của một bộ phận lớn dân nghèo, lao động thuộc khu vực phi chính thức thành thị. Họ, vì cuộc sống mưu sinh của mình chắc chắn sẽ phải tìm mọi cách bám trụ ở đó.
Theo thống kê TP.HCM có hơn 4.800 tuyến đường ở 24 quận, huyện, trong đó có hơn 2.200 tuyến đường có vỉa hè. Trên nhiều tuyến đường vẫn còn rất nhiều hộ mặt tiền kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Phước Tuần/Zing.
Việc xử lý lấn chiếm vỉa hè ở nước ta lâu nay giống như bắt cóc bỏ đĩa. Trong quá khứ đã có không ít nỗ lực lập lại trật tự vỉa hè được tiến hành. Nhưng đoàn xử lý vừa đi hay chiến dịch vừa kết thúc thì đâu lại vào đó.
Tôi nhớ chúng ta đã từng rất mạnh tay, khi Nghị định 36-CP về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị được ban hành năm 1995.
Lúc ấy tuy còn khá nhỏ, nhưng tôi vẫn nhớ như in rằng đến nhà Phó Giám đốc Công an tỉnh ở cùng phố cũng bị đập bỏ bậc tam cấp, và bố tôi còn nói: "Không có cái 36-CP thì đố ai động vào đấy". Thế nhưng sau chiến dịch 36-CP ấy mọi thứ thế nào, thì bây giờ ai cũng biết.
Ông Hải có thể đã ghi dấu ấn bằng sự quyết liệt, không nể nang của mình. Nhưng câu hỏi đặt ra là ông Hải sẽ duy trì "xuống đường" được bao lâu?
Khi chiến dịch này chấm dứt thì mọi thứ liệu có đâu lại vào đó? Tôi biết thậm chí có những quán café vỉa hè nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh đã nói với khách chịu khó chờ vài hôm. Trên thực tế, báo chí cũng đã ghi lại được việc nhiều nơi ở Quận 1 việc lấn chiếm đã lại tái diễn.
Ở đây nỗ lực của cá nhân ông Hải là không đủ. Cho dù ông phần nào cũng tạo ra những hiệu ứng nhất định. Ví dụ như khiến các địa phương khác cũng phải vào cuộc. Nhưng cuộc chiến vỉa hè cần nhiều hơn thế, mà trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền cơ sở.
Sau những hành động quyết liệt của ông Hải nhằm giành lại vỉa hè, tại một số tuyến đường nhiều hộ kinh doanh, nhà dân đã tự phá bỏ những phần lấn chiếm. Ảnh: Viết Dũng.
Tôi cho rằng sự dai dẳng của cuộc chiến vỉa hè thể hiện sự bất lực của chính quyền cơ sở. Cụ thể ở đây là cấp Phường, cấp chính quyền gần dân nhất.
Tại sao ông Hải phải dẫn đầu đoàn xử lý của Quận? Đơn giản vì cấp dưới của ông, là cấp Phường đã không làm tốt, nếu không muốn nói là ngó lơ cho việc đó.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường chắc chắn sẽ không có đất sống nếu cấp cơ sở thực sự sâu sát, bám trụ địa bàn.
Ngược lại, cuộc chiến vỉa hè sẽ giống như một cuộc chiến tranh giữa quân chủ lực (đoàn xử lý) và quân du kích (người lấn chiếm vỉa hè) kéo dài trường kì đến mệt mỏi.
Chỉ cần lê la một quán vỉa hè, bạn sẽ dễ dàng được chủ quán chia sẻ phải mất bao nhiêu tiền hàng tháng để được ngồi đây.
Số tiền ấy tất nhiên là trái quy định và không chảy về ngân sách. Và nếu nhân lên với số hàng quán, cửa hàng có liên quan đến vỉa hè, ta sẽ thấy mối lợi ấy lớn thế nào.
Chưa kể kèm theo đó là lợi nhuận từ hoạt động tạo điều kiện, bảo kê cho người thân trực tiếp kinh doanh trái phép trên vỉa hè.
Phải chăng chính những mối lợi ấy mới là nguyên nhân cốt lõi khiến chính quyền cơ sở "bất lực", chứ không phải những vấn đề thuộc về năng lực?
Sự bất lực tại cấp Phường còn phản ánh sự mất kỷ cương trong quản lý hành chính. Cơ sở pháp lý cũng như chỉ đạo của cấp trên có đủ cả.
Nhưng việc thực hiện lại đầu voi, đuôi chuột. Chúng ta quyết tâm vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu, thì không có lí do gì cả hệ thống chính quyền bó tay trước bài toán "vỉa hè" hết năm này, qua năm khác.
Thế nên, thay vì chỉ mạnh tay với những hoạt động lấn chiếm vỉa hè. Có lẽ, đã đến lúc ông Hải cùng các cấp lãnh đạo cần mạnh tay với chính cấp dưới của mình!