Trong ấn tượng của nhiều người, học sinh tiểu học là lứa tuổi hồn nhiên, sôi nổi và cực kì dễ thương. Những đứa trẻ ở tuổi này thường vô ưu vô lo, có thể tìm thấy niềm vui từ những thứ nhỏ nhất.
Thế nhưng, mới đây, một cô giáo ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) đã "đập tan" suy nghĩ này bằng một hoạt động nhỏ được tổ chức tại lớp. Theo đó, cô giáo này đã làm một chiếc hộp nhỏ và đặt tên là "hộp phiền não". Cô yêu cầu các học sinh trong lớp viết ra những rắc rối, tâm tư trong lòng mình nhưng không cần viết tên rồi bỏ vào hộp. Những tưởng "phiền não" của tụi trẻ đơn giản chỉ là bị điểm kém, cãi nhau với bạn thân hay bố mẹ không mua cho món đồ yêu thích, tuy nhiên khi mở những tờ giấy do học sinh viết ra, cô giáo không khỏi xót xa bởi loạt cảm xúc rất trưởng thành được gửi gắm trong đó.
"Hộp phiền não": "Muốn bố và mẹ mình không cãi nhau nữa, muốn gia đình mình trở nên hạnh phúc hơn"
"Phiền não của mình là bố mẹ suốt ngày đi làm xa, chẳng mấy khi về nhà. Mình thật cẩu thả... Mình rất không hài lòng với bản thân. Hoàn cảnh gia đình không tốt. Mình rất sợ làm sai điều gì đó"
"Bố mẹ mình ly hôn rồi, mẹ đưa chị mình đi cùng, còn mình ở với bố"
"Mình với bố mẹ suốt ngày cãi nhau vì bất đồng ý kiến. Rõ ràng mình làm đúng, vậy mà vẫn bị mắng. Chú toàn chê việc học của mình, còn thích lấy con gái chú ra so sánh với mình"
"Phiền não của mình: Dạo trước bố mẹ mình cãi nhau, cả hai còn nhắc đến chuyện ly hôn rồi. Nhưng mà mình còn một đứa em trai mới 3 tuổi, mẹ với bố đều giành em trai. Cuối cùng, bố mình mang em trai đi, mẹ mình vì thế mà ngày nào cũng khóc. Mình mấy ngày nay cũng nghĩ mãi, tại sao bố không để mẹ nuôi em trai? Em trai tại sao không chọn theo mẹ?"
"Hai hôm nay mẹ mình ốm, mình lo lắm"
"Bố mẹ toàn so sánh mình với người khác!"
"Tại sao bố mẹ sinh mình ra rồi lại ly hôn?"
"Phiền não của mình là bố với mẹ cứ cãi nhau suốt thôi"
Kết
Có vẻ như vì được "ẩn danh" nên học sinh đều thoải mái bày tỏ hết tâm tư trong lòng mình cùng những lời các em muốn nói với cha mẹ mà không thể cất lên thành lời. Dù chữ viết còn nguệch ngoạc, sai chính tả tùm lum nhưng tất cả các tờ giấy đều truyền tải một thông điệp chung, đó chính là: trẻ em cũng có rất nhiều phiền não.
Đáng chú ý, hầu hết những tâm sự buồn bã của tụi trẻ đều bắt nguồn từ mâu thuẫn gia đình. Điều này chắc chắn là một hồi chuông cảnh tỉnh gửi tới các bậc phụ huynh rằng một bầu không khí gia đình hòa thuận, ấm áp quan trọng như thế nào đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Lời khuyên ở đây là dù bận rộn công việc đến đâu, bậc làm cha làm mẹ cũng nên cố gắng dành thời gian để giao tiếp với con cái mình nhiều hơn. Đặc biệt, đừng cãi nhau trước mặt con cái, bởi lẽ điều này rất dễ tác động xấu đến tâm lý của đứa trẻ.