Cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu đồng, BHXH chính thức lên tiếng

Vũ Hạnh |

Tiền lương hưu phụ thuộc vào hai yếu tố là: Tiền lương tham gia BHXH và Thời gian tham gia đóng BHXH.

Chiều nay (31/10), tại buổi cung cấp thông tin báo chí, trả lời câu hỏi liên quan trường hợp cô giáo ở Hà Tĩnh, sau 37 năm cống hiến, nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng, ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thừa nhận:

Với mức lương hưu 1,3 triệu đồng cho 37 năm cống hiến thì thực sự là con số thấp. Chính vì thế, câu chuyện không dừng lại ở địa phương mà đã lên đến nghị trường, các đại biểu quốc hội đã lên tiếng.

BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH Hà Tĩnh báo cáo về trường hợp này.

Lý giải lý do vì sao giáo viên mầm non mức lương hưu thấp, bà Đinh Thu Hiền – Phó trưởng ban thu, BHXH Việt Nam cho rằng, phụ thuộc vào hai yếu tố là: Tiền lương tham gia BHXH; Thời gian tham gia đóng BHXH.

Căn cứ theo quy định của pháp luật, trước năm 1999, giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thuộc diện tham gia BHXH.

Từ năm 1999 trở lại đây, Nhà nước có chính sách quy định giáo viên mầm non ngoài công lập có ký hợp đồng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Tuy nhiên, trong thực tế, phải vài năm sau đó, giáo viên mầm non ngoài công lập mới chính thức đăng ký tham gia và đóng BHXH cho cơ quan BHXH.

Để tạo điều kiện cho những giáo viên mầm non nói trên có đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng Ngày 22/3/2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo, BHXH Việt Nam cũng đã có Công văn số 2150/GDĐT-BHXH về thực hiện BHXH, bảo hiểm y tế đối với người lao động thuộc các cơ sở giáo dục mầm non.

Những người lao động có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở mầm non từ trước hoặc sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP mà chưa tham gia đóng BHXH, thì có thể đóng BHXH cho thời gian từ tháng 1/1995 đến khi đã tham gia đóng BHXH.

Mức đóng bằng 15% mức tiền lương tính trên mức tiền lương do Nhà nước quy định tại thời điểm thu nộp.

“Do đó, những giáo viên mầm non hết tuổi lao động vào giai đoạn 2011-2014 thực tế chỉ đóng BHXH từ 10-15 năm nên chỉ đủ điều kiện hưởng BHXH một lần chứ không đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.

Nhiều người đã nghỉ hưu lại tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện”, bà Đinh Thu Hiền nhấn mạnh.

Với những giáo viên nghỉ hưu vào giai đoạn 2011-2014, sẽ có từ 16-20 năm đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ vẫn không đủ điều kiện để hưởng lương hưu hàng tháng.

Đến năm 2011, Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho giáo viên mầm non chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu háng tháng (theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 18/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ).

Trên cơ sở đó, giáo viên mầm non tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2011; đến hết năm 2014, họ có vừa đủ 20 năm đóng BHXH, đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.

Như vậy, với các chính sách và việc tạo nguồn hỗ trợ của Nhà nước cũng như quá trình tham gia đóng góp của bản thân người lao động, giáo viên mầm non ngoài công lập từ chỗ không thuộc đối tượng tham gia BHXH đã thuộc diện tham gia BHXH, từ chỗ chỉ đủ điều kiện hưởng BHXH một lần đã tích lũy đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.

Từ ngày 1/1/2018, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH sẽ gồm, mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Như vậy, với mức đóng BHXH cao hơn (không chỉ là đóng BHXH theo mức lương tối thiểu như hiện nay), người lao động trong các doanh nghiệp, đơn vị nghỉ hưu sẽ nhận được mức lương hưu cao hơn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại