Người tung tin bịa đặt bắt thiếu uý công an vụ nữ sinh giao gà bị xử lý thế nào?

Hoàng Hải |

Theo quan điểm của luật sư nếu cố ý tung tin đồn thất thiệt nhằm gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm hoặc uy tín của cá nhân, tổ chức... có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống.

Ngày 8/5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên đã triệu tập Trần Thị Huyền Trang (27 tuổi, trú huyện Định Hóa) để làm rõ hành vi đăng tải bài viết có nội dung thất thiệt trên Facebook cá nhân về việc bắt giữ một thiếu uý công an có liên quan đến vụ án nữ sinh đi giao gà bị sát hại chiều 30 Tết gây xôn xao dư luận ở Điện Biên.

Sau khi Trang bị bắt, dư luận đã đặt ra câu hỏi với hành vi của mình cô gái trên sẽ phải đối diện với hình phạt nào của pháp luật?

Để giải đáp thắc mắc trên, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp đoàn Luật sư TP Hà Nội. 

Luật sư Cường cho biết: Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì nguồn tin rất đa dạng, việc cung cấp thông tin rất dễ dàng và những thông tin cũng rất dễ ảnh hưởng, tác động đến xã hội một cách tích cực hoặc tiêu cực. 

Bởi vậy, việc đưa thông tin trên mạng xã hội cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng của cá nhân, tổ chức cần hết sức thận trọng để tránh xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác. 

Ngoài ra các cơ quan chức năng cũng cần phải tích cực kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những thông tin xấu, đọc để tránh, giảm những hậu quả tiêu cực cho xã hội.

Thời gian gần đây liên tục xảy ra trường hợp những người bán hàng online trên Facebook đã đưa tin sai sự thật nhầm câu view, thu hút được người xem để thực hiện mục đích kinh doanh của mình. 

Tuy nhiên, họ không hiểu rằng việc đưa tin sai sự thật như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân gây hoang mang, quy hiểm cho xã hội, đồng thời những hành vi này có thể bị xem xét xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Đối với những trường hợp biết rõ hành vi của mình là tung tin sai sự thật nhưng nhằm xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phải xem xét áp dụng chế tài nghiêm khắc để xử lý đối với những hành vi này.

Bởi vậy,  hành vi loan tin, bịa chuyện nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác là hành vi vu khống. 

Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra thì hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Theo quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 66 của chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số, vô tuyến điện thì hành vi: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc..." mà chưa đến mức gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 10.000.000đ đến 20.000.000đ.

Nếu hành vi loan tin, bịa chuyện xảy ra của Huyền Trang mà có đơn thư tố cáo, tố giác của người bị xâm hại (có thể là danh dự nhân phẩm của cá nhân hoặc uy tín của tổ chức) thì cơ quan công an sẽ vào cuộc xem xét làm rõ hành vi, hậu quả và động cơ mục đích của hành vi vi phạm. 

Nếu Huyền Trang cố ý tung tin đồn thất thiệt nhằm gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm hoặc uy tín của cá nhân, tổ chức gây hoang mang trong công chúng hoặc gây ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội thì hành vi này có thể được đánh giá là nguy hiểm cho xã hội và bị xử lý hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại