"Có ai dám tự phê bình, nhận kỷ luật, khuyết điểm đâu?"

Hoàng Đan |

"Có ý kiến cho rằng chống nội xâm khó, bởi tự ta đánh vào ta, ai dám tự phê bình, nhận kỷ luật, nhận khuyết điểm đâu? Kiểm điểm rất nghiêm túc nhưng xin rút kinh nghiệm".

Cử tri muốn không có "dòng họ làm quan"

Sáng nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội tại tổ bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri tại phường Thành Công (Ba Đình, Hà Nội).

Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri Trương Đức Ngãi (Cống Vị, Ba Đình) cho rằng, Đảng viên, nhân dân quan tâm theo dõi Hội nghị Trung ương 4 và phát biểu của Tổng Bí thư.

"Ý kiến dân là đề nghị, nói rất hay nhưng chóng biến lời nói thành hiện thực, làm thế nào cho giữa nói và làm thật ngắn lại, đường từ dạ dày đến nghĩa địa thật dài ra, dân mong như thế", ông Ngãi nói.

Cử tri này cũng bày tỏ, Luật ban hành phải sát thực tiễn, nhưng quan trọng phải ổn định, không nên để nay làm mai sửa.

Ông cũng đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát hệ thống chính quyền từ TƯ đến địa phương, phục vụ kiến tạo liêm chính hành động, của dân, do dân, vì dân, đừng làm việc mất lòng dân, làm dân không tin vì chính quyền quan liêu, xa dân

"Với công tác tổ chức cán bộ dân ta quen "hậu duệ, ngoại tệ, quan hệ, trí tuệ, ngoại lệ", phải làm sao có cách mạng về công tác tổ chức, chọn được người tài đúng người đúng việc, đừng để dòng họ làm quan như một số địa phương và tôi đề nghị Quốc hội cần giám sát việc này", ông Ngãi nói thêm.

Cử tri Trần Công Dân (P. Thành Công, Ba Đình) dù đồng tình với việc nâng tuổi hưu nhưng ông đề nghị chỉ nên nâng tuổi hưu đối với những người làm chuyên môn khoa học cao.

"Không nên nâng tuổi hưu cho những người ở vị trí lãnh đạo quản lý, để tạo điều kiện cho tuổi trẻ phát huy trí tuệ, còn lý do nâng tuổi hưu để bảo đảm không vỡ quỹ BHXH là chưa thật thuyết phục", ông Dân bày tỏ.

Có ai dám tự phê bình, nhận kỷ luật, khuyết điểm đâu? - Ảnh 1.

Tổng Bí thư bắt tay, thăm hỏi các cử tri. Ảnh: Hoàng Đan.

Ông cũng nêu ý kiến, về công tác phòng chống tham nhũng, việc các vụ xét xử tham nhũng kinh tế đã khó khăn, nhưng nhìn sang tham nhũng quyền lực thì còn khó nhiều lần.

"Rút dây thì sợ động rừng, thậm chí cả cây gỗ qúy. Nhưng phải tiếp tục, vì đây là ý dân. Tôi đồng tình với 6 vụ án tiếp theo sẽ được đưa ra xét xử và đề nghị cần làm quyết liệt", ông Dân nhấn mạnh.

"Kiểm điểm rất nghiêm túc nhưng xin rút kinh nghiệm"

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảm ơn những ý kiến, kiến nghị rất sâu sắc, tâm huyết của cử tri, đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng mà Quốc hội cũng như cả đất nước đang quan tâm xử lý, bàn bạc.

Về Luật Hội, Luật tín ngưỡng tôn giáo, theo Tổng Bí thư là lần đầu tiên trình ra Quốc hội, thể hiện quyền công dân.

"Đây là các dự luật rất lớn, rất quan trọng. Hiện chưa có luật nhưng cả nước có khoảng 650.000 Hội các loại từ trung ương đến địa phương, hoạt động rất phong phú, đây là các Hội có đăng ký hoạt động chứ chưa kể các Hội không đăng ký mà chỉ báo chính quyền hoạt động.

Làm thế nào để các hội hoạt động đúng hướng, đúng mục đích và quản lý được các hội để tránh tiêu cực, sai phạm, giữ vững an ninh trật tự, an ninh chính trị là vấn đề cần phải xem xét.

Nhất là có lo ngại việc người nước ngoài tham gia vào các Hội thì chúng ta quản lý thế nào, hoạt động tích cực thì không sao nhưng tiêu cực thì cần xem xét rất kỹ", Tổng Bí thư nói.

Hay Luật tín ngưỡng tôn giáo, Tổng Bí thư cho rằng đại đa số là hoạt động đúng pháp luật nhưng cũng có những trường hợp lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Vấn đề là có cho các tổ chức tôn giáo mở trường hay không?, chủ trương là đồng ý cho mở trường nhưng phải đúng mục đích.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, trước chúng ta cứ làm ào ào cốt là để hút dự án, địa phương nào còn nghèo mà không có dự án vào thì sốt ruột, trong khi các nơi có dự án vào thì đời sống nhân dân khác hẳn.

"Thế nên nảy ra tình trạng đua nhau đi chạy dự án trong khi trình độ cán bộ của ta chưa đáp ứng yêu cầu, hạ tầng cơ sở còn thấp kém và chưa chú trọng tới vấn đề môi trường. Không chỉ có Formosa mà còn rất nhiều dự án, vấn đề khác liên quan đến môi trường", Tổng Bí thư chỉ rõ.

Về Nghị quyết trung ương 4 về xây dựng Đảng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa…, người đứng đầu Đảng cho hay, từ năm 1994 chúng ta đã nói diễn biến hòa bình là một trong 4 nguy cơ làm mất chế độ ta.

"Đây là vấn đề lớn, đang quan tâm, nay lại tiếp tục lưu ý nói phải đi đôi với làm. Chúng tôi tha thiết muốn thế, muốn làm, nói mà không đi đôi với làm là mất uy tín không của cá nhân ai mà của Đảng, Nhà nước. Chúng ta đang làm quyết liệt nhưng mọi thứ còn rất khó khăn.

Đối ngoại đã khó, chống ngoại xâm đã khó nay có ý kiến cho rằng chống nội xâm cũng khó, bởi tự ta đánh vào ta, ai dám tự phê bình, ai nhận kỷ luật, nhận khuyết điểm không? Kiểm điểm rất nghiêm túc nhưng xin rút kinh nghiệm.

Trung ương đã nói là kiên trì kiên quyết, kiên quyết kiên trì. TƯ 4 khóa 11 không phải làm một lần mà như đánh răng, rửa mặt hàng ngày, rửa mặt xong mai nó lại có gỉ...", Tổng Bí thư khẳng định.

Liên quan đến chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, người đứng đầu Đảng tiếp tục nêu rõ, chúng ta đang quyết tâm làm.

"Từ đầu năm đến nay đã làm quyết liệt, chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện. Thà nói ít thôi nhưng đạt hiệu quả còn hơn nói nhiều mà không được bao nhiêu.

Hiện đã có Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương do Đảng lập ra, có đại diện Chính phủ, Quốc hội, công an, Ban Nội chính...

Vấn đề là các Bộ ngành, các địa phương phải cùng tham gia thực hiện. Việc thực hiện giám sát của Quốc hội là cần thiết...", Tổng Bí thư nói thêm.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh thêm, chưa bao giờ chúng ta nói bỏ HĐND và HĐND là cơ quan đại diện cho người dân nên phải có cơ quan quyền lực đại diện cho người dân, song vấn đề là cơ quan này phải hoạt động hiệu quả theo luật pháp.

"Thực tế thời gian qua có nhiều cấp HĐND, nhất là ở cấp xã phường hoạt động hình thức, không hiệu quả. Thế nên trung ương cho triển khai thí điểm. Tuy nhiên sau một thời gian thí điểm thấy không có HĐND là không đúng.

Thế nên ở những nơi nào HĐND đang hoạt động hình thức thiếu hiệu quả thì phải có giải pháp, cách tổ chức đặc thù nào đó để tăng hiệu quả, cái này lại phải nghiên cứu, phải có luật, chứ đâu phải bỏ cơ quan đại diện quyền lực của dân", ông trả lời ý kiến của cử tri nêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại