Chuyện là vào một buổi sáng, khi chị Tiểu Bình đặt món chân gà thơm ngon trước mặt con và hỏi: "Mẹ có giỏi không?". Không ngờ, con trai chị bảo: "Mẹ lười, không đi làm, ngày nào cũng được ở nhà".
Vì điều kiện gia đình khá tốt, cộng thêm việc không có ai đưa đón con nên chị Tiểu Bình mới quyết định làm bà nội trợ toàn thời gian. Ai ngờ trong mắt con, công việc chăm lo cho gia đình của chị lại... vô giá trị.
Bà mẹ này chia sẻ, ngày nào cũng dậy từ rất sớm, chuẩn bị các bữa ăn sáng phong phú cho con. Đến cuối tuần, chị đưa con đi học các lớp năng khiếu. Để con ăn uống ngon miệng, Tiểu Bình thường xuyên tìm hiểu các kỹ thuật nấu nướng được chia sẻ trên mạng. Có thể nói, chị chăm sóc con trai từng li từng tí.
Chính vì vậy, câu nói của con khiến chị chết lặng, tủi thân vô cùng.
Sự nuông chiều quá mức của cha mẹ có thể gây nhiều hệ lụy. (Ảnh minh họa)
Virginia Satir, nhà trị liệu tâm lý người Mỹ, được công nhận nhờ phương pháp trị liệu gia đình cho biết: "Quan điểm sống, tính cách, thói quen sinh hoạt của một người đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của gia đình và cha mẹ, nhiều yếu tố thậm chí còn mang tính quyết định".
Mọi đứa trẻ sinh ra đều trong sáng và hoàn hảo. Khi một đứa trẻ ngày càng thiếu tôn trọng cha mẹ thì chính cha mẹ phải suy nghĩ lại về những sai lầm trong quá trình giáo dục của mình.
Khi con cái không kính trọng cha mẹ, thường là do 3 vấn đề này trong giáo dục gia đình:
1. Cha mẹ chiều con quá mức
Một cậu bé nổi giận, cắn vào tay, chân mẹ vì mẹ không chịu mua cho món đồ chơi yêu thích. Càng quát, cậu bé càng gào khóc ăn vạ, và cào, cắn mẹ nhiều hơn.
Vì sao con lại dám cắn cha mẹ? Chắc hẳn ai cũng hiểu chân lý này, đó là chính việc nuông chiều quá mức dẫn đến sự ương ngạnh, kiêu ngạo của con. Cha mẹ cần hiểu rằng, chiều chuộng quá mức là đang hại con. Cách nuôi dạy này nhìn bề ngoài thì là yêu thương nhưng thực chất rất bất lợi cho sự phát triển sau này của trẻ. Không hề nói quá khi cho rằng nó thậm chí sẽ phá hủy tương lai của trẻ.
Có một quan điểm nuôi dạy con từng được nhiều người đồng tình. Đó là khi con còn nhỏ, cha mẹ không được quá... coi trọng, không được để con có vị trí quá cao trong gia đình. Nếu không đến khi bạn về già, con sẽ không coi trọng bạn. Hiểu một cách đơn giản, cha mẹ đừng cho rằng con là nhất, mọi người, mọi việc trong nhà lúc nào cũng phải xoay quanh nhu cầu, sở thích của con.
Đừng đặt trẻ ở vị trí quá cao trong gia đình. (Ảnh minh họa)
Thời gian trước, tại Trung Quốc từng có một nhóm mạng xã hội tên là "Cha mẹ thật xấu xa". Tất cả thành viên trong nhóm đều cảm thấy mình bị cha mẹ làm tổn thương và có thái độ thù ghét cha mẹ.
Một số người phàn nàn cha mẹ không chu cấp đủ cho mình. Người lại uất ức vì cha mẹ quá nghèo, không thể cho mình cuộc sống của tầng lớp thượng lưu,... Rất nhiều ngôn từ tiêu cực, cay cú nhắm vào đáng sinh thành.
Có thể thấy, nhiều cha mẹ đã vô tình nuôi dạy nên những "con sói mắt trắng" (từ lóng chỉ người vong ơn bội nghĩa, tâm địa tàn bạo). Những đứa trẻ này coi thường công sức của cha mẹ, chỉ biết ra sức đòi hỏi. Khi những đòi hỏi không được đáp ứng, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, bực dọc với cha mẹ.
2. Cha mẹ thường xuyên bất hòa, không tôn trọng nhau
Một bà mẹ từng suy sụp vì cậu con trai học THCS thời gian gần đây có nhiều sự bất ổn về tâm lý, lại còn hay thái độ với mẹ. Hỏi ra mới biết, nguyên nhân sâu xa đến từ chính những người làm cha mẹ.
Người bố đi làm bận rộn, lương cao nhưng không biết tôn trọng vợ. Ngày nào về nhà, anh ta cũng chỉ ngồi trên ghế sopha nghịch điện thoại. Anh ta cũng hay chê bai vợ làm việc nhà không tốt, nấu ăn không hợp khẩu vị.
Về việc giáo dục con, mỗi khi muốn kỷ luật con, người bố này lần nào cũng đổ lỗi "con hư là tại mẹ".
Chứng kiến cảnh này thường xuyên, đứa trẻ dẫn nảy sinh cảm giác coi thường mẹ. Trong mắt cậu bé, mẹ là kẻ vô dụng. Bố thì kiếm tiền, mẹ ở nhà hưởng thụ nhưng việc gì cũng làm không xong.
Cha mẹ đối xử với nhau như thế nào, con cái đều nhìn thấy rõ và ghi nhớ trong lòng. Nói về điều này, một nhà giáo dục trẻ em nổi tiếng chia sẻ: "Đôi mắt của trẻ em là máy ảnh, và bộ não của chúng là máy ghi âm. Lời nói và việc làm của bạn sẽ khắc sâu vào trái tim chúng".
Những gì cha mẹ có thể cho con cái không chỉ là một gia đình hoàn chỉnh (có đầy đủ thành viên), mà còn phải là một gia đình trọn vẹn (nơi cha mẹ yêu thương, tôn trọng nhau và cùng góp ý để con cái phát triển lành mạnh).
Cha mẹ thường xuyên bất hòa ảnh hưởng nhiều đến tâm lý con. (Ảnh minh họa)
3. Cha mẹ không tôn trọng con cái
Một cô gái từng trải qua chuyện rất đau lòng khi còn nhỏ. Trong một chuyến thăm họ hàng, khi trở về, bố cô gái vì mệt nên chở mẹ và các em về trước. Còn cô gái ở tạm nhà dì, chờ bố mẹ đón sau.
Tối đó, cô không may đến kỳ kinh nguyệt đầu tiên và bị dây vết bẩn ra quần. Hôm sau, người dì đã kể lại với mẹ của cô gái. Thay vì được mẹ an ủi, cô lại bị mắng nhiều lời lẽ khó nghe. Cô không hiểu mình sai ở đâu, nhưng cũng không dám cãi vì cãi sẽ bị mẹ đánh. Sự tổn thương đến từ người thân thiết nhất khiến cô gái bị ám ảnh tâm lý.
Sau này trưởng thành, kết hôn, cô gặp được người chồng yêu thương mình hết mực. Nghĩ đến gia đình, cô lại chạnh lòng. Sự tồn tại của gia đình đối với cô không hề có cảm giác ấm áp, chỉ toàn là bạo lực và thờ ơ.
Thực tế, nhiều cha mẹ không hề tôn trọng con cái. Họ cho rằng, mình cho con cơm ăn, áo mặc, đi học tử tế thì đương nhiên con phải nghe lời. Còn những đứa trẻ, chúng thực sự rất đáng thương, không có nơi nào để trút nỗi đau và chỉ có thể giữ hết những cảm xúc tồi tệ trong lòng. Lâu dần, trẻ dần chán ghét gia đình, trái tim cũng khô cằn...