Theo truyền thống, mọi người sẽ tìm một công việc mà họ yêu thích (và công việc đó được trả lương xứng đáng) rồi dần dần thăng tiến. Người lao động cống hiến thời gian và đặt kỳ vọng sự nghiệp của mình vào một người chủ.
Nhưng khi chi phí sinh hoạt lạm phát, tiền lương bị đình trệ và tuổi về hưu kéo dài (khiến những người lao động trẻ tuổi khó thăng tiến hơn), Gen Z ngày nay đã quyết định ngừng chờ đợi ông chủ của họ thăng chức cho họ. Thay vào đó, họ đang tự giải quyết vấn đề. Sau nhiều năm nhảy việc và gần đây là sự bùng nổ của các công việc phụ, người lao động trẻ hiện đang chia thời gian của họ cho nhiều ông chủ cùng một lúc.
Xu hướng làm hai công việc trở lên được gọi là “polyworking” (làm nhiều việc) xuất hiện khi mọi người nắm bắt cơ hội làm nhiều việc, có nhiều nguồn thu nhập khi được làm việc tại nhà trong thời kỳ đại dịch. Nó tiếp tục được yêu thích và bùng nổ cho đến hiện tại. Polyworking có vẻ rất tiện lợi: Bạn không phải di chuyển mệt mỏi, việc chuyển từ công việc này sang công việc khác dễ dàng như đăng nhập vào máy tính. Và đó là lý do tại sao, theo một nghiên cứu mới, một phần ba số người lao động đang giữ ba công việc trở lên.
Cứ 2 Gen Z thì có 1 người đang làm 3 việc trở lên một lúc
Paychex đã khảo sát hơn 1.000 người lao động tại Mỹ để tìm ra ai có nhiều khả năng đảm nhận nhiều công việc nhất và tác động của nó đối với người lao động. Họ phát hiện ra rằng trong khi 40% người lao động được khảo sát hiện đang có nhiều công việc, thì con số này là gần một nửa đối với Thế hệ Z.
Thế hệ trẻ nhất này không chỉ có nhiều khả năng đảm nhận nhiều công việc nhất mà họ thậm chí còn có nhiều khả năng phân chia thời gian của mình nhất. 47% Gen Z ở Mỹ đang nhận lương từ ít nhất 3 ông chủ trở lên. Trong khi đó, con số này ở Gen Y là 33% và Gen X là 28%.
Những người làm việc tự do (freelancer) và làm việc từ xa (work from home, remote) có nhiều khả năng làm việc tại nhiều công ty nhất. Bên cạnh đó, có một số ngành thuận lợi hơn cho việc polyworking, ví dụ như IT, bán lẻ và giáo dục.
Ảnh: Pinterest
Khoảng một nửa số người được hỏi cho biết họ có kế hoạch tiếp tục làm nhiều công việc trong tương lai, dù điều đó có nghĩa là làm việc nhiều hơn, vất vả hơn. Động lực của mỗi người có thể khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là vì tiền. Không đa dạng hóa thu nhập, kiếm nhiều tiền hơn thì mọi người không thể theo kịp lạm phát.
Nhìn chung, tính linh hoạt, thu nhập tăng và tự do là những lợi ích lớn nhất của polyworking.
Polyworking đang gây thiệt hại cho người lao động
Mặc dù tự do tài chính hơn và được làm việc linh động hơn, những người làm việc cho nhiều công ty chưa chắc hạnh phúc hơn.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh những người làm nhiều công việc với những người làm một công việc và nhận thấy rằng những người polyworking có nhiều khả năng cảm thấy kiệt sức, căng thẳng và chán việc hơn. Mặc dù họ hài lòng hơn một chút về khía cạnh cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhưng những người làm nhiều việc cũng làm việc kém năng suất hơn đáng kể.
Và cho dù bạn có phải là một trong số 40% người lao động đang polyworking hay không, xu hướng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bạn. Xu hướng làm nhiều việc gây hại cho toàn bộ thị trường lao động, dù bạn là chủ hay là nhân viên, là người polyworking hay chỉ có một nguồn lương.
Ảnh: Pinterest
Nếu là đồng nghiệp cùng bộ phận hoặc có nhân viên đang polyworking, chúng ta sẽ phải chịu đựng và hợp tác với những người ít tận tâm hơn với công việc của mình. Ở nơi làm việc lại có một hiệu ứng dây chuyền. Một nghiên cứu cho biết nếu trên 40% đồng nghiệp của bạn làm việc không hiệu quả hoặc không tập trung, bạn cũng rất dễ bị ảnh hưởng và giảm năng suất làm việc.
200 nhà quản lý được khảo sát cũng báo cáo rằng nhân viên đang polyworking không gắn bó lâu dài, chịu học hỏi và phát triển kỹ năng chậm hơn, thể hiện tính tổ chức kém và khó hòa nhập với văn hóa công ty. Do đó, họ kết luận rằng những người làm việc kiểu này khó quản lý hơn những người có cách làm việc truyền thống.
Nguồn: Fortune