CNBC: Dù là di sản của ông Obama nhưng TPP khó lòng được Chính quyền Biden theo đuổi

Linh Anh |

Theo một chuyên gia phân tích của công ty tư vấn rủi ro Control Risks, kỷ nguyên tự do hóa thương mại đã qua đi và rất khó để Chính quyền sắp tới của ông Biden tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

TPP là một thỏa thuận thương mại lớn được ưu tiên đàm phán bởi Chính quyền Tổng thống Barack Obama và 11 quốc gia khác không có Trung Quốc. Ban đầu, TPP được ký kết năm 2016 sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, bao gồm gần 40% kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, TPP không được sự ủng hộ ở Mỹ và chưa bao giờ được Quốc hội nước này thông qua. Sau khi đắc cử, Tổng thống Donadl Trump đã rút nước Mỹ khỏi hiệp định này trong năm 2017.

Theo Dane Chamorro, một đối tác tại Control Risks, mong muốn Chính quyền Biden tái gia nhập thỏa thuận này là có. Tuy nhiên, vị cựu quan chức ngoại giao của chính phủ Mỹ nói rằng: "Xét về mặt chính trị, ở cả 2 phía, ý tưởng tự do hóa thương mại bây giờ đã không còn phổ biến lắm".

"Tôi cho rằng kỷ nguyên đó đã qua đi, trên bình diện đa phương, tôi nghĩ rằng nó đã qua ở nước Mỹ được một khoảng thời gian. Tôi nghĩ là khó, dù đối với nghị sĩ Dân chủ hay Cộng hòa. Tôi nghĩ nó sẽ không nằm trong danh sách ưu tiên", Chamorro chia sẻ.

Ông Trump đã kêu gọi khôi phục hoạt động sản xuất ở Mỹ, phản ánh cảm giác ngày càng tăng ở nước Mỹ rằng các hiệp định thương mại quốc tế làm tổn hại tới việc làm của người Mỹ.

Sau khi Mỹ rút lui, 11 thành viên còn lại của TPP vẫn tiếp tục đàm phán và đi đến ký kết một hiệp định có tên CPTPP vào năm 2018. Nó có tên chính thức là Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Dẫu vậy, cựu Thượng nghị sĩ Bob Corker đã nói tại một Hội nghị Thượng đỉnh châu Á do Viện Miken tổ chức hồi tháng 12 rằng TPP là "cơ hội bị bỏ lỡ" để Mỹ vây nhiều áp lực hơn lên Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump thường xuyên chĩa mũi dùi về phía Trung Quốc và chỉ trích nền kinh tế thứ 2 thế giới trợ cấp cho các công ty nhà nước nhưng lại thiếu đi việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nước ngoài.

"Sẽ là một bước tiến quan trọng nếu chính quyền Biden có thể tìm ra cách để xây dựng lại một liên minh như TPP", Corker, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Tennessee từ năm 2007-2019 cho biết.

Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc và 14 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương khác đã ký hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các nhà phân tích cho biết động thái này có thể gia tăng các ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, qua đó làm suy giảm tới vai trò của người Mỹ.

Khi ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, nhiều người kỳ vọng rằng Chính quyền của vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ quay lại đàm phán. Thực tế, ông Biden từng là Phó Tổng thống dưới thời ông Obama và nhiều người cho rằng người tiền nhiệm có những ảnh hưởng tới chính sách của ông Biden.

Dẫu vậy, đảng Dân chủ dường như sẽ khó lòng đàm phán một thỏa thuận thương mại nào như TPP, ít nhất trong năm đầu tiên ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Đây cũng không nằm trong nhóm ưu tiên hàng đầu của ông Biden sau khi tuyên thệ nhậm chức. Có lẽ, cần thời gian để xem nước Mỹ có quay lại với TPP hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại