Đoạn clip được anh Susanta Nanda - nhân viên thuộc Cơ quan Quản lý Rừng Ấn Độ (IFS) đăng tải lên mạng xã hội Twitter cùng dòng trạng thái: "Bà ơi, đây không phải là cách xử lý một con rắn hổ mang".
Theo hình ảnh ghi lại được cho thấy, một cụ bà đang dùng tay không tóm chặt lấy đuôi con rắn đang ngoe nguẩy rồi lôi đi trên đường.
Cụ bà dùng tay không kéo lê con rắn hổ mang trên đường
Trong suốt quãng đường đi, cụ bà luôn để ý để đảm bảo khoảng cách an toàn giữa mình và con rắn. Đến một bãi đất trống không có nhà xung quanh, người phụ nữ lớn tuổi đã ném con vật ra khỏi khu dân cư. Theo anh Susanta thì con rắn trong clip là một con rắn hổ mang.
Sau khi đăng tải, đoạn clip đã nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý từ phía cộng đồng mạng. Đa số người xem đều tỏ vẻ kinh ngạc và khen ngợi sự gan dạ của cụ bà. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, hành động của người phụ nữ lớn tuổi này là vô cùng nguy hiểm, bởi nếu sơ sẩy bà có thể bị con rắn độc cắn bất cứ lúc nào.
The Livescience, rắn hổ mang to lớn, nhiều con dài đến hơn 7m. Chúng nổi bật với chiếc mũ trùm đầu, con ngươi tròn, vảy mịn và tư thế vươn cao, nhìn thẳng vào mắt người. Khi đối đầu, chúng nâng 1/3 cơ thể lên khỏi mặt đất.
Chúng có khứu giác và tầm nhìn ban đêm tốt. Loài vật này thường sống ở các khu rừng mưa và đồng bằng miền khí hậu nhiệt đới. Ngoài ra, rắn hổ mang được tìm thấy ở các thảo nguyên, đồng cỏ, bụi tre, bờ sông, suối…
Người bị rắn hổ mang cắn có thể ngừng thở chỉ sau 30 phút. Chất độc thần kinh của chúng có thể giết chết một con voi. Mặc dù rắn hổ mang có khả năng phun chất độc thần kinh nguy hiểm, chúng thường không chủ động tấn công con người.