Đoạn video lan truyền chóng mặt trên Telegram
Tờ New York Times (NYT) ngày 31/5 đưa tin, chỉ 1 ngày sau khi các quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Joe Biden đã quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ trong các cuộc tấn công hạn chế nhằm vào lãnh thổ Nga, trên internet đã xuất hiện đoạn video cho thấy một phát ngôn viên của chính phủ Mỹ thảo luận về chính sách này.
Trong đoạn video, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller "gợi ý rằng thành phố Belgorod của Nga - chỉ cách biên giới Ukraine 25 dặm về phía bắc, là mục tiêu hợp pháp cho các cuộc tấn công theo chính sách mới".
"Belgorod về cơ bản không còn dân thường nào", đoạn video chiếu cảnh ông Miller phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ khi trả lời câu hỏi của một phóng viên, "Thực tế tại thời điểm này, nơi đây đang tập trung rất nhiều mục tiêu quân sự, và chúng tôi cũng đang nhận thấy điều tương tự bắt đầu ở các khu vực xung quanh".
"Nga cần nhận được thông điệp rằng, điều mà họ đang làm không thể chấp nhận được" - Ông Miller nói tiếp trong đoạn video đang lan truyền chóng mặt trên các kênh Telegram được cư dân vùng Belgorod theo dõi rộng rãi, với quy mô đủ lớn để thu hút phản hồi từ các quan chức chính phủ Nga.
Những điểm bất thường hé lộ sự thật
Theo NYT, đoạn video dài 49 giây, "mang lại cảm giác rất chân thực", nhưng thực chất lại là đoạn video giả mạo, được cắt ghép từ các cảnh quay thực tế với mục đích thao túng.
"Đây là minh họa điển hình về mối đe dọa ngày càng gia tăng của thông tin sai lệch, đặc biệt là từ các video ứng dụng công nghệ deepfake được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo" - NYT nhận định.
Các quan chức Mỹ cho biết, họ không có thông tin về nguồn gốc của đoạn video nhưng "đặc biệt lo ngại" một số phía có thể sử dụng những kỹ thuật tương tự để thao túng dư luận xung quanh cuộc chiến ở Ukraine.
NYT nhấn mạnh, các tuyên bố trong đoạn video về Belgorod là "hoàn toàn sai sự thật".
Cuộc sống ở vùng Belgorod (Nga) đã khác xa so với mức bình thường trước đây: Các trường học chỉ hoạt động trực tuyến và còi báo động không kích được kích hoạt gần như liên tục. Người dân thường xuyên nghe thấy âm thanh từ các vụ nổ khiến nhiều tòa nhà bị hư hại và dân thường thiệt mạng.
Một loạt vụ nổ vào ngày 30/12/2023 đã khiến 25 người ở Belgorod thiệt mạng, ít nhất 100 người bị thương.
Một số khu vực gần biên giới với Ukraine đã được sơ tán, nhiều thị trấn và làng mạc nhỏ gần biên giới thường xuyên phải hứng chịu các đợt tấn công bằng máy bay không người lái và pháo binh từ Ukraine.
Vào cuối tháng 4 vừa qua, Thống đốc khu vực Belgorod, Vyacheslav Gladkov, cho biết ít nhất 120 dân thường, trong đó có 11 trẻ em, đã thiệt mạng do các cuộc tấn công của Ukraine.
Tuy nhiên, "340.000 cư dân ở đây chưa được sơ tán toàn bộ" - NYT viết.
Theo tờ báo Mỹ, những khẳng định sai sự thật rằng "dân thường ở Belgorod đã tháo chạy, và thành phố này chủ yếu tập trung mục tiêu quân sự (với hàm ý phương Tây sẵn sàng hỗ trợ các cuộc tấn công nhằm vào đó)" chính là điểm bất thường cho thấy mục đích thao túng của đoạn video.
Cũng trong đoạn video, ông Miller đã phản hồi lại luận điểm của một phóng viên rằng "các quốc gia khác đang cho phép Ukraine dùng vũ khí của họ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga".
"Vì vậy, chúng tôi sẽ hỗ trợ các đồng minh của mình trong bất cứ điều gì họ quyết định làm, và giúp một số người đang băn khoăn về việc này đưa ra lựa chọn đúng đắn" - Ông Miller nói trong đoạn video.
Theo NYT, thông tin này "không chính xác". Trên thực tế, một số nhà lãnh đạo phương Tây đã nói rằng, vũ khí của họ "có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu biên giới của Nga đang tạo ra mối đe dọa với Ukraine".
Tờ báo Mỹ lưu ý, một số phương tiện truyền thông và trang tin đã đề cập tới mức độ phổ biến của đoạn video này nhưng không đề cập tới việc áo sơ mi và cà vạt của ông Miller đổi màu giữa chừng, cũng như việc các câu nói không khớp với khẩu hình của ông Miller.
Trong chuyến công du cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken tới Moldova và Cộng hòa Séc tuần này, ông Miller đã lên án đoạn video giả mạo.
Tại cuộc họp ngà 31/5 ở Praha (thủ đô CH Czech), ông Blinken cùng những người đồng cấp đến từ các nước thành viên khác của NATO đã thảo luận về các hình thức "tấn công phức hợp" nhằm làm xói mòn hệ thống quản trị và dân chủ ở Mỹ, cũng như tại một số quốc gia đồng minh.
Theo AP, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủy quyền cho Ukraine tiến hành các cuộc tấn công hạn chế vào bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp. Quyết định ủy quyền này có hiệu lực ngay từ ngày 30/5.
Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh rằng, quyết định ủy quyền trên chỉ mở rộng tới phạm vi mà Mỹ xác định là "hành động tự vệ" để Kiev bảo vệ Kharkiv – thành phố lớn thứ hai của Ukraine, cũng như những khu vực xung quanh thành phố này trước các loại tên lửa, bom lượn và đạn pháo được Nga bắn qua biên giới.
Hãng thông tấn AP dẫn lời 3 quan chức Mỹ làm rõ rằng, chỉ thị của ông Biden là cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để phục vụ "mục đích phản công ở Kharkiv". Nói cách khác, Ukraine có thể dùng vũ khí Mỹ đánh trả các lực lượng Nga đang hoặc chuẩn bị tấn công họ ở Kharkiv.
Tuy nhiên, chính sách của Mỹ trong việc yêu cầu Ukraine không sử dụng tên lửa tầm xa, tên lửa ATACMS và các loại đạn dược khác do Mỹ cung cấp để tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga vẫn không thay đổi.