CIA và Chiến dịch “Lá chắn Đen” - Dự án máy bay do thám tối mật trên chiến trường Việt Nam

Trung Phạm |

Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ không chỉ thiết kế máy bay do thám A-12 phục vụ cho chiến trường Việt Nam nhưng Việt Nam lại là cuộc chiến dẫn tới sự ra đời của nó.

Chiến dịch "Lá chắn Đen"

Ken Collins, năm nay 88 tuổi, Đại tá Không quân nghỉ hưu là một trong số 6 phi công lái máy bay chiến đấu được lựa chọn để tham gia sứ mệnh trinh sát hình ảnh tầm cao cho Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tiến hành tại chiến trường Việt Nam.

Đây là một chương trình do thám hình ảnh bằng máy bay siêu âm, bí mật tới mức CIA phải giữ kín nó cho tới nhiều thập kỷ về sau.

Dự án tối mật mà Collins tham gia có mật danh Chiến dịch "Lá chắn Đen" (Operation Black Shield) đặt trụ sở tại sa mạc Nevada. Trung tâm của chiến dịch này là chiếc máy bay siêu âm A-12 do Lockheed Martin chế tạo nhưng để ngụy trang, Collins và các phi công đồng nghiệp phải gọi nó là "Oxcart" (Xe bò).

A-12 thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 1962. Kỹ sư Kelly Johnson của Lockheed Martin không thiết kế A-12 cho chiến trường Việt Nam nhưng Việt Nam lại là cuộc chiến dẫn tới sự ra đời của nó.

Johnson chế tạo A-12 theo yêu cầu của CIA vì cơ quan tình báo này cần một loại máy bay nào đó có thể bay nhanh hơn và cao hơn chiếc U-2 cận âm, cũng là một phi cơ trinh thám do Johnson thiết kế.

U-2 là chiếc máy bay do thám CIA từng sử dụng từ giữa những năm 1950 cho các sứ mệnh chụp ảnh tầm cao. Nhưng khi Francis Gary Powers, phi công lái U2 bị Liên Xô bắn rơi và bắt sống ngày 1/5/1960 thì Mỹ không còn muốn tiếp tục sử dụng nữa vì những điểm yếu chết người mà nó đã bộc lộ.

Các máy bay A-12 của CIA được bố trí tại một căn cứ không quân cách Las Vegas 83 dặm về phía Tây Bắc - Groom Lake, vẫn được biết đến với tên gọi "Vùng 51". Chỉ khi các phi công và nhân viên hậu cần được chuyển tới đây cuối năm 1962 họ mới được giới thiệu về A-12.

CIA và Chiến dịch “Lá chắn Đen” - Dự án máy bay do thám tối mật trên chiến trường Việt Nam - Ảnh 1.

Ken Collins gia nhập CIA với tư cách là phi công thử nghiệm trước khi lái A-12 thực hiện các sứ mệnh do thám trên chiến trường Việt Nam. Ảnh: Ken Collins cung cấp cho Air & Space

Mùa Hè năm 1965 khi cuộc chiến tranh Việt Nam bị đẩy lên cao độ, giới phân tích tình báo Mỹ lo ngại miền Bắc Việt Nam sẽ triển khai tên lửa đất đối không SAM-2 của Nga.

Các tài liệu giải mật sau này cho thấy, ngày 3/6/1965, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert McNamara đã đề nghị CIA cân nhắc thay thế A-12 cho U-2. Bởi những điểm yếu dễ bị bắn hạ nên U2 đã được điều chuyển chỉ chụp ảnh do thám từ ngoài khơi bờ biển Việt Nam.

Khi William F. Raborn, Giám đốc CIA chấp thuận đề nghị trên của Robert McNamara, Chiến dịch "Lá Chắn Đen" bắt đầu khai cuộc.

Theo kế hoạch, các máy bay A-12 và 225 thành viên của Phi đội đặc nhiệm số 1129 của Không quân Mỹ được điều động tới đóng quân tại Kadena, căn cứ không quân của Mỹ trên đảo Okinawa, Nhật Bản.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi 3,7 triệu USD để xây dựng các cơ sở hậu cần hỗ trợ, gồm cả các nhà chứa máy bay và hệ thống thông tin thời gian thực kết nối trực tiếp giữa Okinawa và Tổng hành dinh CIA ở Langley, Virginia.

Ngày 31/5/1967, theo mệnh lệnh trực tiếp từ Tổng thống Lyndon B. Johnson, Chiến dịch "Lá chắn Đen" bắt đầu thực thi sứ mệnh tham chiến đầu tiên.

Lái chiếc A-12 là phi công Mele Vojvodich Jr. của CIA đã bay với vận tốc Mach 3,1 và ở độ cao 24.384 m. Vojvodich bay lượn qua miền Bắc Việt Nam một lần, rồi trở lại một lần nữa, chụp hình 70/190 vị trí mà Quân đội Mỹ tin rằng Việt Nam đã bố trí các tên lửa phòng không.

3 giờ 39 phút sau, chiếc A-12 quay trở lại Okinawa. Theo hồ sơ lưu trữ của Mỹ, trong phi vụ này, A-12 đã không bị phía miền Bắc Việt Nam phát hiện. Tuy nhiên, danh tính của những phi vụ do thám sau đó đã không thể che giấu trước hệ thống radar phòng không của Việt Nam.

Khi trở lại Okinawa, những thước phim được camera của A-12 ghi lại nhanh chóng được tháo ra và chuyển cho các máy bay vận tải đặc biệt của không quân Mỹ tới tổng hành dinh của hãng Eastman Kodak ở Rochester, New York.

Về sau, khi các chỉ huy chiến trường Mỹ ở miền Nam Việt Nam phàn nàn về độ trễ thời gian nhận được hình ảnh do thám phục vụ chiến đấu thì các thước phim đó được chuyển cho một phòng Lab của Không quân Mỹ tại Nhật Bản xử lý trong 24 giờ.

Ngoài Việt Nam, A-12 còn tham gia một sứ mệnh khá nổi tiếng tại Triều Tiên, đó là khi Bình Nhưỡng bắt giữ chiếc tàu thu thập thông tin tình báo USS Pueblo của Hải quân Mỹ.

Cuối tháng 1/1968, các máy bay A-12 tham gia Chiến dịch "Lá chắn Đen" đã được giao nhiệm vụ xâm nhập xác định vị trí chiếc tàu USS Pueblo và quy mô quân sự của Triều Tiên xung quanh nó.

Phi công Jack Weeks chỉ mất một chuyến bay là đã phát hiện ra tàu Pueblo khi đó đang neo đậu tại cảng Wonsan. Chuyến bay do thám thứ 2 do phi công Frank Murray thực hiện chỉ 2 tuần sau đó, bay qua Triều Tiên 2 lần. Cả Murray và Weeks đều không bị ngắm bắn.

CIA và Chiến dịch “Lá chắn Đen” - Dự án máy bay do thám tối mật trên chiến trường Việt Nam - Ảnh 2.

Sau khi lái A-12 cho CIA, Frank Murray quay trở lại phục vụ Không quân Mỹ. Ảnh: Frank Murray cung cấp cho Air & Space

A-12 bị xóa sổ: Nạn nhân của đấu đá nội bộ?

Đến tháng 6/1968, sau tổng cộng 29 sứ mệnh, Chiến dịch "Lá chắn Đen" bất ngờ bị hủy bỏ và A-12 cũng phải dừng bay. CIA cho rằng "Oxcart" thiếu khả năng phản ứng nhanh của chiếc U-2 mà họ muốn thay thế. U-2 có thể thực hiện các sứ mệnh tình báo chiến lược với ít hỗ trợ hậu cần hơn và nhân sự phục vụ cũng chỉ bằng 1/3.

Thế nhưng, phi công Collins lại tin rằng A-12 là nạn nhân của cuộc đấu đá nội bộ giữa Không quân Mỹ và CIA: "Điều mà tôi được nghe khi đó là: không quân lái máy bay chứ không phải CIA và A-12 là máy bay của CIA".

Tuy nhiên, vì bất cứ lý do gì, chương trình "Lá chắn Đen" cũng đã phải chứng kiến một thảm kịch vào đúng tháng mà nó nhận được quyết định hủy bỏ khi một chiếc A-12 do phi công Jack Weeks lái đã biến mất ở đâu đó gần Philippines. Cho đến nay, chưa có dấu vết nào của phi công hay chiếc máy bay được tìm thấy.

Thực tế, sự tồn tại của A-12 và Chiến dịch Lá chắn Đen không hẳn đã chấm dứt. Trên nền tảng của A-12, Lockheed Martin sau này đã chế tạo ra chiếc SR-71, loại máy bay trinh sát chiến lược tiên tiến tầm xa, tốc độ Mach 3 với biệt danh "Blackbird".

A-12 một ghế ngồi có thể bay cao hơn và nhanh hơn một chút so với SR-71 hai ghế ngồi nhưng Blackbird lại có tầm bay xa hơn, cảm biến linh hoạt hơn và các hệ thống chống tác chiến điện tử tốt hơn.

Chuyến bay đầu tiên của chiếc A-12 ngày 30/4/1962

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại