Ông cũng là lính Mỹ duy nhất được thủ đô Moscow và 3 thành phố khác thuộc Cộng hòa Liên bang Nga dựng nhà lưu niệm….
Từ một lính Mỹ…
Sinh năm 1923 tại thành phố Muskegon, bang Michigan, Mỹ; tốt nghiệp trung học, Beyrle được Đại học Notre Dame cấp học bổng nhưng ông từ chối để gia nhập quân đội vì lúc ấy là năm 1942, cuộc chiến tranh thế giới đang trong giai đoạn khốc liệt. Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng đã ban bố lệnh tổng động viên.
Sau khóa huấn luyện kéo dài 9 tháng, Beyrle chuyển về Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 506, Sư đoàn Dù 101. Thời điểm này, Tiểu đoàn 3 của Beyrle chịu trách nhiệm phá hoại các công trình quân sự phía sau phòng tuyến Đức Quốc xã, đồng thời phối hợp với Lực lượng kháng chiến Pháp Tự do, tiến hành các trận đánh bằng hình thức du kích, tiêu hao sinh lực địch.
Ngày 6-6-1944, quân Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy, Pháp, mở đầu cho chiến dịch Overlord, giải phóng châu Âu; nhưng trước đó, ngày 3-6, chiếc máy bay C-47 chở Beyrle cùng một trung đội lính dù đã cất cánh.
Theo kế hoạch, sau khi xuống đất, họ sẽ đặt mìn phá hoại trạm biến áp ở thành phố Saint Marie du Mont, phá tuyến đường sắt vận chuyển đạn dược đến những khẩu đại pháo của Đức Quốc xã làm nhiệm vụ phòng thủ bờ biển để dọn đường cho cuộc đổ bộ. Việc phá trạm biến áp sẽ khiến những khẩu pháo ấy trở nên vô dụng vì nếu không có điện, nó không vận hành được.
Tuy nhiên, khi còn cách điểm nhảy dù khoảng 6km, chiếc C-47 bị hai máy bay tiêm kích Đức tấn công. Chỉ trong vài phút, động cơ bên trái trúng đạn bốc cháy. Đối mặt với cái chết, Beyrle buộc phải nhảy dù ở độ cao chỉ khoảng 180m.
Lúc rơi xuống tháp chuông nhà thờ Saint Côme du Mont nằm trong một ngôi làng nhỏ, Beyrle chẳng nhìn thấy bất kỳ một đồng đội nào nhưng điều này không ngăn cản ông tiếp tục thi hành nhiệm vụ.
Cởi bỏ bộ quần áo lính dù cùng tất cả những thứ liên quan đến quân đội Mỹ rồi giấu vào một cái ngách trong tháp chuông, Beyrle ngụy trang bằng y phục dân sự đã chuẩn bị từ trước với sơ mi trắng, quần kaki đen, bên ngoài là chiếc áo khoác màu xám có phù hiệu Đoàn Thanh niên Hitler tại Pháp, vai khoác túi chứa chất nổ còn khẩu tiểu liên nòng ngắn, báng gấp, ông kẹp trong nách. Thả bộ được một đoạn, một nông dân Pháp đánh xe ngựa chở rơm cho Beyrle đi nhờ.
Theo tấm bản đồ mà Beyrle đã thuộc lòng thì lúc đến một ngã tư, ông cảm ơn người đánh xe rồi nhảy xuống. Đến tối, nương theo bóng đêm, Beyrle đột nhập vào trạm biến áp. Đặt xong 2kg thuốc nổ TNT, Beyrle thoát ra.
20 phút sau đó, máy biến thế chính của trạm biến áp nổ tung khiến hơn một nửa thành phố Saint Marie du Mont mất điện, trong đó có nhiều nhà máy, công xưởng, sản xuất thiết bị phục vụ chiến tranh cho Đức Quốc xã.
Ngày 5-6, một ngày trước cuộc đổ bộ Normandy, Beyrle đặt mìn phá hoại tuyến đường sắt huyết mạch của quân đội Đức, nối giữa thành phố Bayeux đến bờ biển Guno - là 1 trong 5 địa điểm sẽ diễn ra cuộc đổ bộ của quân Đồng minh nhưng lần này, số phận đã không mỉm cười với ông. Khi khối TNT nổ tung khiến đoàn tàu trật bánh, ông bị lính Đức bắt.
Được coi là nhân vật cực kỳ nguy hiểm vì ngoài tiếng Anh, Beyrle còn nói thạo tiếng Pháp, tiếng Đức.
Hơn nữa, một lính bắn tỉa Đức Quốc xã khi leo lên tháp chuông nhà thờ Saint Côme du Mont để chọn vị trí đặt súng, đã tìm thấy chiếc dù cùng giấy tờ tùy thân và những vật dụng Beyrle cất giấu nên Cơ quan Mật vụ Đức Quốc xã Gestapo không giam Beyrle chung với những tù binh chiến tranh, mà giam riêng ông một nơi.
Trong 7 tháng sau đó, ông bị chuyển đi 7 nhà tù khác nhau và cho dù ở nhà tù nào, Beyrle cũng đều bị Gestapo tra tấn hòng buộc ông phải khai ra những nhiệm vụ bí mật. Đã 2 lần ông tìm cách trốn nhưng lần nào cũng thất bại.
Tháng 3-1943, Gestapo chuyển Beyrle đến Berlin. Tại đây, sau hàng trăm cuộc hỏi cung nhưng không khai thác được gì, Beyrle bị đưa vào trại giam Stalag III-C, nằm gần thị trấn Kostrzyn nad Odra. Ở trại này, Beyrle vẫn bị biệt giam và thỉnh thoảng, các sĩ quan Gestapo vẫn lôi ông ra tra khảo mỗi khi họ tìm thêm được một manh mối nào đó.
Đầu tháng 1-1945, tù nhân trong trại Stalag III-C nghe tiếng đạn pháo binh của Hồng quân Liên Xô mỗi ngày một gần, và sự sợ hãi thể hiện rõ trên mặt nhiều lính Đức. Một lần nữa, Beyrle lại quyết định trốn và lần này, ông trốn thoát.
Trở thành Hồng quân Liên Xô
Sau vài tuần trà trộn trong dòng người dân Đức di tản khỏi thị trấn Kostrzyn nad Odra, Beyrle gặp một đơn vị xe tăng Liên Xô.
Bằng cách giơ ra cái vỏ bao thuốc lá Mỹ Lucky Strike mà ông vẫn còn giữ kể từ khi nhảy dù xuống thành phố Saint Marie du Mont, Beyrle lặp đi lặp lại cụm từ tiếng Nga duy nhất ông học được ở trại giam: "Amerikansky tovarishch - người Mỹ, đồng chí".
Ảnh của Beyrle lưu trữ trong hồ sơ trại giam Stalag III-C, Đức Quốc xã. |
Thoạt đầu, người Nga vẫn chưa tin Beyrle. Ông bị Cơ quan An ninh Hồng quân Liên Xô thẩm vấn. Thời điểm ấy, một số sĩ quan Mỹ làm nhiệm vụ giám sát việc vận chuyển xe tăng, xe tải, súng đại bác, xăng dầu… mà phía Đồng minh viện trợ cho Liên Xô để mở mặt trận phía Đông, được mời đến.
Qua nhiều kênh liên lạc với quân đội Mỹ, các sĩ quan này xác nhận Beyrle là biệt kích dù, mất tích trong chiến dịch chuẩn bị cho cuộc đổ bộ Normandy.
Khi nhân thân của Beyrle được xác lập, Hồng quân Liên Xô đồng ý để Beyrle sang Ba Lan gia nhập một đơn vị biệt kích Mỹ, lúc ấy đang yểm trợ cho phong trào kháng chiến Ba Lan Tự do nhưng ông xin ở lại vì theo ông, nơi nào cũng đều có mục đích là đánh đuổi phát xít Đức.
Cuối cùng, Beyrle được chấp thuận gia nhập một tiểu đoàn xe tăng Hồng quân do thiếu tá Aleksandra Samusenko chỉ huy, với vai trò là xạ thủ súng đại liên 12,8mm. Những người lính Hồng quân trong tiểu đoàn đã mô tả về Beyrle như sau:
"Can đảm, luôn ngồi trên pháo tháp cho dù đó là lúc bom đạn ác liệt nhất". Trong trận Kostrzyn nad Odra, khi chiếc xe tăng của Beyrle chạy lạc đội hình, một mình ông với khẩu 12,8mm, đã quét sạch gần 1 đại đội lính Đức khi chúng xông lên, định bắt sống cả người lẫn xe.
Thiếu úy Orlov, trưởng xe nói với phóng viên báo Pravda: "Khi ấy, khẩu đại bác trên xe tăng xem như vô tác dụng vì mục tiêu là những tên lính Đức luôn di động. Nhờ có Beyrle, anh ta bắn ngăn chặn từ xa nên lính Đức không thể tiếp cận chúng tôi để tiêu diệt chúng tôi bằng súng chống tăng. Lúc những xe tăng khác trong tiểu đoàn đến giải vây, chúng tôi đếm được 51 xác lính Đức".
Cuối tháng 1-1945, đơn vị của Beyrle giải phóng trại giam Stalag III-C, nơi ông đã trốn thoát trước đó. Đầu tháng 2, trong một trận ném bom của máy bay Đức vào tiểu đoàn xe tăng, Beyrle bị thương nặng. Được chuyển đến một bệnh viện ở Landsberg an der Warthe (nay là thành phố Gorzow Wielkopolski), Beyrle phải trải qua 3 cuộc phẫu thuật và may mắn là ông qua khỏi.
Chuyện về Beyrle đến tai Nguyên soái Zhukov, Tổng Tư lệnh Hồng quân Liên Xô. Đầu tháng 4, Nguyên soái Zhukov vào bệnh viện thăm Beyrle.
Trong cuộc trò chuyện và lúc biết Đức quốc xã sắp bại trận, Beyrle nhờ Nguyên soái Zhukov giúp cho ông được trở về Mỹ. Rất nhanh chóng, Zhukov chỉ thị cho Tư lệnh Sư đoàn xe tăng thuộc Tập đoàn quân số 6 cấp cho Beyrle một hồ sơ, chứng thực nhân thân của ông và những gì ông đã làm trong hàng ngũ Hồng quân.
Về nhà
Được cho đi nhờ một đoàn xe tải, Beyrle đến Moscow. Lúc tới nơi, việc đầu tiên của Beyrle là vào trình diện Đại sứ quán Mỹ. Ở đó, ông mới biết là ngày 10-6-1944, quân đội Mỹ đã chính thức ghi tên ông vào danh sách những người tử trận ở Normandy.
Tại thành phố Muskegon, quê nhà Beyrle, một buổi lễ cầu hồn cho ông đã được tổ chức, còn trên một tờ báo địa phương, tên ông cũng đã in trong bản cáo phó.
Beyrle (phải) nói về cuộc chiến đấu của mình trong ngày Lễ Chiến thắng, tháng 6-2004. |
Và mặc dù Beyrle có hồ sơ chứng thực của Hồng quân Liên Xô nhưng ông vẫn phải trải qua giai đoạn kiểm tra vì người Mỹ nghi ông là gián điệp Đức Quốc xã.
Khi mọi việc hoàn tất, tháng 9-1945, Beyrle trở về Mỹ. Tại Washington D.C, ông được Bộ Chiến tranh tặng thưởng Huân chương Trái Tim tím - là huân chương cao quý nhất trong quân đội Mỹ rồi 1 năm sau, ông lấy vợ.
Năm 1994, Beyrle được mời tham dự một buổi lễ long trọng kỷ niệm 50 năm ngày Hồng quân Liên Xô mở mặt trận thứ hai ở châu Âu, tổ chức tại Nhà Trắng, Washington D.C. Cả Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tổng thống Nga Boris Yeltsin đều có mặt. Tháng 6-2004, một lần nữa Beyrle lại được mời đến Moscow để tham gia lễ diễu binh mừng chiến thắng phát xít Đức.
Joseph Beyrle chết vì nhồi máu cơ tim ngày 12-12-2004. Ông có 3 người con, 7 đứa cháu và một trong 3 con ông là John Beyrle, đại sứ Mỹ tại Cộng hòa Liên bang Nga từ năm 2008 đến năm 2012.
Khi nhìn vào bức ảnh cha mình chụp trên chiếc máy bay C-47 trước lúc nhảy dù xuống nước Pháp, John Beyrle nói: "Tôi từng hỏi bố tôi nghĩ gì lúc chụp bức ảnh này thì ông ấy trả lời: "Bố chỉ nghĩ rằng bố đang cùng các đồng đội làm một điều gì đó cho đất nước…".
Tháng 9-2002, nhà báo Thomas Taylor xuất bản cuốn sách "The Simple Sounds of Freedom - Những âm thanh đơn giản của tự do", viết về cuộc đời của Beyrle. Năm 2005 trên bức tường nhà thờ Saint Côme du Mont, nơi Beyrle nhảy dù xuống năm 1944, một tấm bia tưởng niệm đã được dựng. Cùng năm đó, phía Nga phát hành bộ phim tài liệu bằng tiếng Nga "Người lính Mỹ trong quân đội Liên Xô" rồi đến năm 2007, phiên bản tiếng Anh được sửa lại tựa đề "Joseph and His Brothers in Arms - Josheph và những đồng đội trong chiến trận" cũng được phát hành.
Năm 2010, Moscow và ba thành phố khác của Nga đã dựng nhà lưu niệm, trưng bày những di vật của Beyrle trong cả 2 giai đoạn lính dù Mỹ và xạ thủ súng máy Hồng quân Liên Xô.
Năm 2011, ba nhà lưu niệm khác cũng được dựng ở thành phố New Orleans, bang Misissipi, Toccoa, bang Georgia và Muskegon, bang Michigan, quê hương của Beyrle. Đến năm 2012, người Pháp dựng thêm một nhà lưu niệm Beyrle tại bãi biển Omaha, Normandy, nơi đã diễn ra cuộc đổ bộ vào ngày 6-6-1944…