Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay đã kết thúc một cách khá trọn vẹn. Ở mỗi điểm thi, không chỉ có thí sinh chiến đấu với áp lực thi cử, mà ở ngoài cổng trường, cha mẹ cũng như "ngồi trên đống lửa", ngóng từng phút giây con thông báo tình hình.
Phần lớn nhiều người cho rằng những ông bố, bà mẹ vất vả 18 năm nuôi con ăn học, ít nhiều cũng ôm kỳ vọng con đạt điểm cao, đỗ trường "xịn", kiếm nhiều tiền để ổn định cuộc sống sau này. Tuy nhiên, trong những giờ phút thi cử khốc liệt, khi chúng tôi đặt câu hỏi: "Cô/ chú kì vọng gì vào con trong ngày thi?" với các bậc phụ huynh đợi con bên ngoài cổng trường thi thì câu trả lời nhận được đều vô cùng xúc động: Không ai trong số họ cố tình tạo áp lực cho con cái, mà chỉ mong sau này con được sống như ý nguyện của riêng mình.
Lời tâm sự của phụ huynh có con đi thi Đại học: Các con ơi! có bố mẹ ngoài này chờ, luôn bên cạnh con
Cha mẹ kỳ vọng gì ngày con đi thi?
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, chúng tôi đã có dịp đi đến nhiều điểm trường ở cả 3 miền, được lắng nghe, chứng kiến biết bao tâm tư, nguyện vọng hay lời chia sẻ đầy xúc động của các bậc phụ huynh. Quả thật, nếu ai đó muốn thấu hiểu tình cảm cha mẹ bao la, hãy cứ đến cổng trường những ngày thi, để nhìn thấy tận mắt, được lắng nghe tận tai những cái ôm thật chặt, những lời nhắc nhở đầy yêu thương của cha mẹ sát giờ con chuẩn bị "vượt vũ môn".
Áp lực thi cử năm nào cũng tăng cao, thế nhưng dường như cha mẹ nào thời nay cũng tâm lý hơn rất nhiều. Họ hiểu rằng trường đại học cũng chỉ là một con đường, miễn sao con cái thấy hạnh phúc và toàn tâm đạt điều con mong muốn là họ thấy vui lòng.
Khoảnh khắc xúc động: Cha mẹ đứng đợi con hàng giờ trước cổng trường thi Đại học
Ngồi đợi con trước cổng trường thi THCS Trần Văn Ơn (quận 1), cô Lê Thị Hiệp (quận 4, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ thời tiết Sài Gòn mấy ngày thi có phần oi bức, khó chịu. Thế nhưng vì con trai, cô vẫn cố gắng nán lại trước cổng trường để đợi con, chỉ mong tiếp thêm chút sức mạnh để đứa trẻ tự tin hoàn thành tốt các môn thi của mình.
Cô tâm sự: "Thời tiết nắng nóng có sao đâu, chờ đợi con là hạnh phúc mà. Mình ngồi đây đợi con ra cho bé nó mừng. Ở nhà mới hồi hộp chứ lên đây rồi chỉ mong đợi con ra để hỏi thăm thôi".
Cũng như bao bà mẹ khác, trước kỳ thi chuyển cấp quan trọng của con, cô Hiệp dành hết mọi tâm tư cho những ngày thi cử của đứa trẻ. Dưới bóng râm vỉa hè trường THCS Trần Văn Ơn, cô thủ thỉ chỉ mong con "chân cứng đá mềm", thi đạt được kết quả tốt nhất, chứ không nghĩ đặt áp lực nặng nề gì hết lên cho con.
"Mình lúc nào cũng động viên bé, nói là con cứ an tâm đi thi, có mẹ ở ngoài này để tiếp thêm sức mạnh cho con. Người mẹ nào cũng vậy, đều lo lắng và mong con luôn có được kết quả tốt nhất. Còn cha mẹ chỉ ở sau lưng để ủng hộ con thôi", cô Hiệp nói.
Cũng giống như cô Hiệp, suốt vài tiếng đồng hồ đợi con thi, cô Mỹ Dung (quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) không hề tỏ ra mệt mỏi, ngược lại còn rất vui vẻ. Bởi sau khi trải qua 12 năm năm đèn sách, con của cô cũng như bao bạn thí sinh 2004 khác, sẽ bước vào một cuộc chiến mới để viết tiếp ước mơ của mình vào giảng đường đại học.
Để thuận lợi đưa đón con, cô đã xin nghỉ phép 3 ngày. Nhà cách điểm trường 12 km, thế nên mặc kệ thời tiết nắng mưa ẩm ương của Sài Gòn những ngày này, cô quyết định ngồi một góc cổng trường, đợi con đi vào tận phòng thi cho đến khi con bước ra khỏi cổng trường thì mới yên lòng.
"Kết thúc 12 năm học, con sẽ bước vào một chặng đường mới. Thú thật, cô chỉ mong sao con có sức khoẻ, đi thật an toàn để vượt qua kỳ thi khó khăn này. Ngày hôm nay nắng nóng thật, nhưng cô không thấy mệt gì cả đâu. Miễn con làm bài tốt, đạt được điểm cao là mừng rồi".
Một phụ huynh có con đi thi tại điểm trường THPT Chu Văn An - chú Nguyễn Chí Thành (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) cũng tâm sự: "Nguyện vọng một của bạn là vào một trường kinh tế. Là cha mẹ, chú tất nhiên phải tham khảo thêm các trường khác. Nhưng quan trọng hơn cả, nguyện vọng vẫn là do con tự quyết định. Sau kỳ thi này, chú không có đặt áp lực gì đâu, chỉ mong bạn đủ tự lập, có thể tự bước đi trên chính đôi chân của mình".
Cha mẹ ngồi bệt dưới đất, ngóng trông con thi hàng tiếng đồng hồ: "Sợ nó ra, không thấy mình thì tủi thân lắm!"
Hai ngày thi tốt nghiệp THPT cuối cùng cũng khép lại sau những ngày tháng chờ đợi, lo âu của cả sĩ tử và phụ huynh. Bên trong cánh cửa của từng điểm thi, chắn hẳn các sĩ tử chẳng thể nào chứng kiến được hình ảnh cha mẹ ngồi đợi con giữa cái nắng 40 độ, hay nhìn thấy họ chạy vội tìm chỗ trú mưa khi tiết trời đột ngột chuyển thành cơn bão.
Có người ngồi xổm, người nằm trên yên xe máy bóng rát, có người lại đứng đợi con hàng tiếng đồng hồ giữa trời mưa bão. Hàng chục ánh mắt lo âu nhìn qua một khoảng trống bé xíu nơi cổng trường, để tự vững lòng rằng con mình đang làm bài tốt, không gặp sự cố gì.
Với một số người, họ có thể buông lời chê bai vì cho rằng hành động chờ đợi đó là không cần thiết. Thế nhưng, phải nuôi con mới biết tấm lòng cha mẹ. Việc đưa con đến trường, chờ đợi đến khi con ra về đối với cha mẹ không phải nghĩa vụ hay trách nhiệm. Họ sẵn lòng đội nắng, đội mưa, ăn vội cái bánh mỳ khô khốc, để không phải ngồi nhà, không thể làm được việc gì với suy nghĩ "Lỡ nó ra, không thấy mình tủi thân lắm".
Với các sĩ tử thi tham gia "vượt vũ môn" năm nay, áp lực tâm lý của các bạn là điều dễ hiểu bởi kỳ thi này là kết quả của 12 năm đèn sách. Khi tiếng trống môn thi cuối cùng vang lên, bạn sẽ không còn là những cô cậu học trò cấp 3 vô lo, vô nghĩ mà sẽ là một người trưởng thành, phải học cách bắt đầu tự quyết định lấy cuộc đời của mình mà không còn cha mẹ kề bên.
Kỳ thi Đại học của con luôn là cột mốc lớn trong cuộc đời của cha mẹ
Và nếu con cái xem kỳ thi này quan trọng một, thì nỗi niềm lo lắng con thi cử của cha mẹ là gấp mười. Mang tâm lý "mình thì có thể ra sao cũng được, nhưng nhất định đời con mình phải được học hành thật tử tế", kỳ thi Đại học của đã cũng trở thành cột mốc lớn trong cuộc đời cha mẹ.
Nhiều ông bố, bà mẹ dù bận trăm công nghìn việc cũng xin nghỉ phép trước cả tháng để đúng ngày đưa con đi thi. Nhiều đêm thức trắng vì câu chuyện cá chép hoá rồng, nên trong lúc đợi con, bậc phụ huynh lại vô tư tìm một góc bờ tường, ngồi bệt lên một chiếc dép ngủ ngon lành. Giấc ngủ của họ vì thế cũng chập chờn, phần vì nắng nóng, phần vì lo lắng không biết con đang làm bài như thế nào.
Chú Sỹ Hoàng (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội), một phụ huynh có con tham gia thi Đại học năm nay đã chiếm trọn sự chú ý khi xuất hiên với một bó hoa hồng trắng trước cổng trường thi THPT Chuyên Amsterdam. Chú hào hứng cho biết, bản thân đã phải đi 3 chợ khắp địa bàn thủ đô để mua đủ 18 bông hồng tặng con. "18 bông hồng trắng là số tuổi, cũng là cột mốc trưởng thành của con gái. Kỳ thi Đại học là sự kiện trọng đại cả đời, đánh dấu bước ngoặt thay đổi hoàn toàn cuộc đời đứa trẻ”.
Sau cùng, cứ mỗi mùa thi Đại học kết thúc, những khoảng khắc cha mẹ mòn mỏi chờ đợi con nơi cổng trường vẫn sẽ là những hình ảnh đẹp, khiến bao người thổn thức vì tình cảm gia đình bao la. Dù kết quả có thế nào, thì kỳ thi cũng đã đi qua, bạn có quãng thời gian dài học tập vất vả, cha mẹ cũng đầy âu lo như thế. Và giờ đây là lúc bạn vứt hết mọi lo lắng, trở về nhà và đón lấy vòng tay yêu thương của cha mẹ, thưởng thức bữa cơm gia đình từng bỏ dở, hỏi thăm với cha mẹ với từng lời thân quen: "Ngày hôm nay của cha mẹ như thế nào?"
Sau ngày thi Đại học, phía trước sĩ tử sẽ là những chân trời mới, với những người bạn và hành trình đầy hứa hẹn. Sẽ có những lúc, bạn mải mê theo những sự nghiệp, mối quan hệ bên ngoài, mà quên dành đi vài cuộc hẹn dành cho gia đình. Thế nhưng, bạn nhớ rằng, nếu có lỡ mệt mỏi và chùn bước, hãy luôn tin rằng, ở nơi gọi là nhà, vẫn có cha mẹ luôn ở đó và chờ đợi bạn quay về!
Ảnh minh hoạ: Tổng hợp