“Chuyện tình với Mỹ tan vỡ”, châu Âu nên theo đuổi Nga?

Hoàng Lê |

Không thể thuyết phục đồng minh Mỹ để giữ lấy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, châu Âu có thể tính đến nước láng giềng phía Đông là Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một phát biểu mới đây tại Paris về chính sách ngoại giao của châu Âu đã nói rằng: “Châu Âu không thể phụ thuộc thêm nữa vào Mỹ trong vấn đề đảm bảo an ninh”.

Tuyên bố này của nhà lãnh đạo Pháp đi cùng hàng loạt tín hiệu cho thấy những rạn nứt trong mối quan hệ giữa Brussels và Washington, với sức ép và các lệnh trừng phạt gia tăng, trong khi những liên hệ với Moscow lại đang được nối lại.

“Chuyện tình với Mỹ tan vỡ”, châu Âu nên theo đuổi Nga? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ-Pháp tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra ở Quebec, Canada tháng 6/2018. Ảnh: Reuters

Pháp-Mỹ: Ví dụ điển hình của “câu chuyện tình yêu tan vỡ”

Pháp-Mỹ khởi đầu năm 2018 đầy hứa hẹn. Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những cái bắt tay thật chặt và cùng nhau trồng cây bên ngoài Nhà Trắng trong cuộc gặp Thượng đỉnh hồi tháng 4. Với những hình ảnh “thắm thiết” này không ai nghĩ rằng hai đồng minh Pháp-Mỹ lại nhanh chóng quay lưng chỉ một tháng sau đó.

Vết rạn lớn đầu tiên xuất hiện khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 5/2018 tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt với nước Cộng hòa Hồi giáo.

Những biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng ảnh hưởng không ít tới các công ty của châu Âu đang làm ăn với Iran, trong khi châu Âu không từ bỏ nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân lịch sử này. Thời điểm này, Bộ trưởng Kinh tế Pháp đã thúc giục châu Âu chấm dứt hành động như là “chư hầu của Mỹ” và tiếp tục làm ăn với Tehran.

Đến tháng 6, Tổng thống Trump tiếp tục tuyên bố áp thuế nhôm thép với châu Âu, hành động mà Tổng thống Pháp Macron gọi là “bất hợp pháp” và cảnh báo “chủ nghĩa kinh tế dân tộc sẽ dẫn đến chiến tranh”, đúng với những gì đã từng xảy ra những năm 1930. Về phần mình, Châu Âu cũng có những biện pháp đáp trả đồng minh Mỹ.

“Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời Tổng thống Trump đã biến chuyển và đi quá xa. Và Washington là bên khởi xướng sự chia rẽ này”, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu về Pháp, thuộc Học viện Khoa học Nga Yury Rubinsky nhận định.

Hãng tin Nga RT dẫn lời nhà báo độc lập Luc Rivet với một cái nhìn khác về tình hình EU-Mỹ cho rằng: “Chuyện tình yêu giữa EU và Mỹ đã tan vỡ với những cãi vã ầm ĩ. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đơn giản là bắt đầu quá trình thay đổi không thể tránh khỏi".

Kẻ thù của kẻ thù là bạn

Đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, thỏa thuận khí hậu Paris và áp thuế nhôm thép với châu Âu, chính sách cứng rắn của ông chủ Nhà Trắng đã khiến châu Âu ngày càng rời xa đồng minh Mỹ.

Thực tế, ông Trump đã dựng sẵn “vách ngăn” giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) ngay từ chiến dịch vận động tranh cử của mình. Thời điểm còn là ứng cử viên Tổng thống Mỹ, ông Trump đã từng gọi EU là một “khối lộn xộn”.

Vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ còn tuyên bố rằng, Washington có rất nhiều kẻ thù, trong đó có Liên minh châu Âu.

“Tôi cho rằng, chúng ta có rất nhiều kẻ thù. Theo tôi, Liên minh châu Âu là một kẻ thù của Mỹ với những gì họ làm trong quan hệ thương mại với chúng ta”, ông Trump trả lời phỏng vấn trong chương trình “Face the Nation” của CBS News lên sóng ngày 15/7, ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh G7 và một ngày trước cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin tại Helsinki (Phần Lan).

Bị chính đồng minh lớn của mình quay lưng, nên không có gì là khó hiểu khi Tổng thống Pháp Macron trong bài phát biểu về an ninh châu Âu lại muốn khối này cân nhắc lại một cách thấu đáo các đối tác an ninh của mình, mà trong đó có thể bao gồm Nga.

Trong một cuộc họp báo nhân chuyến thăm tới Helsinki tuần trước, ông Macron khẳng định rằng lợi ích của EU là "phải có mối quan hệ chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như với Nga để mang lại ổn định, sức mạnh và sự thống nhất về lâu dài".

Phản ứng từ Moscow trước phát biểu của nhà lãnh đạo Pháp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, lập trường của ông Macron không phải là điều được đúc kết chỉ trong một ngày.

"Tất nhiên, hành động của Mỹ trên trường quốc tế khiến cho tất cả mọi người phải suy nghĩ. Không một quốc gia nào có lòng tự tôn lại có thể chấp nhận rằng các chính sách của mình đang bị điều khiển", nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nhấn mạnh.

Hiện không chỉ Pháp, nhiều nước châu Âu cũng mong muốn EU giữ một vai trò lớn trên trường quốc tế. Áo và Hungary cũng như nhiều đảng phái chính trị, trong đó có đảng cực hữu Con đường khác cho nước Đức (AfD) hay đảng Tập hợp Dân tộc (trước đây là Mặt trận Dân tộc) tại Pháp, đã kêu gọi thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Nga và kêu gọi hủy bỏ các lệnh trừng phạt hiện nay của EU nhằm vào Moscow.

Sau nhiều năm cùng với Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine và chịu các trừng phạt đáp trả từ Moscow, châu Âu đã hiểu rằng những lệnh trừng phạt của họ không có tác dụng với Nga, thậm chí là phản tác dụng với chính nền kinh tế của mình.

"Các doanh nghiệp và những nhà sản xuất nông nghiệp tại châu Âu đã vận động trong suốt thời gian dài để thuyết phục các nhà chính trị hủy bỏ các lệnh trừng phạt, vốn gây tổn thất nặng nề cho chính lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp của châu Âu", RT dẫn ý kiến của giới phân tích.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các công ty của châu Âu thậm chí không dám đối đầu với chính phủ Mỹ, nhất là khi Washington công bố áp đặt trở lại các trừng phạt với Iran. "Châu Âu sẽ không muốn đối đầu với Mỹ vì Iran, bởi họ sẽ thua trong cuộc chiến này.

Song châu Âu lại có một lựa chọn khác là người hàng xóm phía Đông là Nga, thay vì cố níu lấy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Mỹ", giới phân tích nhìn nhận.

Nhìn vào bức tranh lớn hiện nay có thể thấy, các đồng minh châu Âu của Mỹ không chấp nhận việc nước này từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran hay thỏa thuận khí hậu Paris, song các nước không thể làm gì nhiều trong việc thuyết phục Mỹ.

Đó là chưa tính đến, nguy cơ chiến tranh thương mại đang treo lơ lửng giữa các đồng minh hai bên bờ Đại Tây Dương. Khi thuế nhôm thép vẫn chưa được Mỹ gỡ bỏ, thì việc đạt một thỏa thuận để tạm thời để tránh leo thang căng thẳng thương mại chưa thể coi là thành công toàn hoàn với châu Âu. Vậy tại sao họ không mở lại cánh cửa hợp tác với Nga?./.

EU muốn tạo dựng "một cấu trúc an ninh mới" với Nga? VOV.VN - Thực tế cả Nga và Liên minh châu Âu cũng không thể phủ nhận là hai bên có những lợi ích chung không thể tách rời.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại