Có một người lái buôn thường xuyên phải vào thành phố để mua đồ, sau đó ông sẽ chất toàn bộ đồ đạc đã mua được lên vai lừa để trở về nhà.
Con lừa của người lái buôn nghĩ rằng mình rất thông minh, lúc nào cũng thích động não, nghĩ mọi cách để có thể khiến cho đồ mình phải chở càng nhẹ càng tốt.
Một lần, người lái buôn mua một tải muối. Ông ta buộc tải thật chặt, chất lên lưng lừa, rồi đi đằng sau thúc lừa đi thật nhanh.
Đi được một lúc, người lái buôn và lừa đến một con sông nhỏ, người lái buôn thúc lừa lội xuống nước.
Lừa không cẩn thận đã bị trượt chân ngã xuống nước. Nước sông ngấm vào tải muối khiến cho muối bị tan ra rất nhiều.
Khi lừa ta đứng dậy thì phát hiện ra tải muối mà mình chở đã nhẹ hơn rất nhiều, trong lòng cảm thấy thích chí lắm.
Có được kinh nghiệm lần này, mỗi lần qua sông, lừa đều giả vờ trượt chân ngã để cho bớt một ít đồ trên lưng xuống sông. Người lái buôn biết vậy, định bụng sẽ cho lừa một bài học nhớ đời.
Một hôm, người lái buôn vào trong thành mua một tải bông, và chất lên lưng lừa. Lại một lần nữa đi qua con sông nhỏ, nhìn thấy sông, lừa ta vui mừng thầm reo lên, không ngần ngừ bước xuống sông.
Khi đến giữa sông, nó lại giả vờ trượt chân ngã. Vừa ngã lừa vừa sung sướng nghĩ: “Khi mình đứng lên chắc chắn đồ trên lưng mình sẽ nhẹ hơn rất nhiều đây”.
Nhưng khi lừa vừa mới đứng dậy, đột nhiên nó thấy đồ trên lưng mình nặng hơn trước rất nhiều. Thì ra, tải bông sau khi hút nước đã trở nên nặng hơn. Lừa không ngờ đã bị “gậy ông đập lưng ông”, đành cúi đầu ngậm ngùi đi tiếp mà không dám than vãn gì.
Có thể nói, câu chuyện về chú lừa đã dạy cho chúng ta một bài học ý nghĩa trong cuộc sống: Khi làm bất cứ chuyện gì, không thể cứ cứng nhắc áp dụng mãi những kinh nghiệm đã có mà cần phải xem tình hình thực tế như thế nào, tùy cơ ứng biến cho phù hợp.
Nếu cứ “cậy” vào kinh nghiệm sẵn có mà không chịu thay đổi, sẽ có lúc bạn thất bại cay đắng mà không thể vực dậy nổi.
Một ví dụ điển hình về khả năng “tùy cơ ứng biến” trong giới kinh doanh không thể không nhắc đến “huyền thoại Samsung” – cha đẻ của nền công nghiệp Hàn Quốc Lee Byung Chull.
Sau khi dở dang con đường học vấn tại Đại học Waseda (Tokyo), Lee Byung Chull bắt tay vào công việc kinh doanh trong ngành xay xát gạo, nhưng ngay năm đầu tiên đã thua lỗ mất đến nửa số vốn của mình.
Không cam chịu, ông phân tích nguyên nhân và xoay xở để làm xưởng xay xát và bắt đầu làm ăn có lãi. Tuy nhiên, sau đó ông lại thất bại thê thảm đến mức phá sản khi đầu cơ vào đất đai.
Mùa thu năm 1937, trong tâm trạng tuyệt vọng, Lee Byung Chull đi du lịch một chuyến dài hai tháng khắp Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trong chuyến đi, ông đã tập trung tìm hiểu giá cả hàng hóa và quá trình lưu thông phân phối ở những nơi mình đã qua. Với những trải nghiệm có được, ông quyết định chuyển sang hoạt động trong ngành thương mại.
Năm 1938, khi đã 30 tuổi, Lee Byung Chull thành lập Samsung thương hội (tiền thân của tập đoàn Samsung ngày nay) ở Daegu với số vốn là 30.000 won.
Xuất phát chỉ là một doanh nghiệp vận tải, sau đó kiêm thêm buôn bán nhỏ lẻ với các mặt hàng do chính công ty sản xuất, Samsung có được khởi đầu thuận lợi khi nhanh chóng làm ăn phát đạt.
Sau đó, Lee Byung Chull đã lần lượt thành công trong việc sản xuất đường, dệt len, vải - những mặt hàng mang nhãn “Made in Korea” và trở thành người giàu nhất Hàn Quốc vào thập niên 1960, đóng góp cho ngân sách nhà nước 4% tổng số thuế trên cả nước.
Sang những năm 1970, công nghiệp nặng ở Hàn Quốc bắt đầu phát triển mạnh, Lee Byung Chull lại cùng đồng nghiệp quyết định chuyển sang kinh doanh đóng tàu.
Đến những năm 1980, cách mạng khoa học kỹ thuật mới nổ ra và công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông phát triển mạnh trên thế giới, ông Lee Byung Chull cùng đồng nghiệp quyết định lấy phát triển công nghiệp điện tử làm hướng kinh doanh chủ đạo và Samsung trở thành tập đoàn lớn của thế giới trong lĩnh vực công nghiệp điện tử.
Cuộc đời nhiều thành công nhưng cũng không ít lần thất bại của Lee Byung Chull để lại cho chúng ta nhiều bài học vô cùng đắt giá.
Trước hết, ông là một doanh nhân nhạy bén luôn biết điều mà thời đại cần nhất là gì. Rất tâm đắc với tư tưởng “tùy cơ ứng biến, linh hoạt dụng binh” của Binh pháp Tôn Tử, Lee Byung Chull cho rằng giống như chiến trường, thương trường đòi hỏi phải ứng biến kịp thời, chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Trên thương trường, chủ doanh nghiệp không phải đối phó với một địch thủ như trên chiến trường mà đối phó với nhiều địch thủ khác nhau, có thế và lực khác nhau từ nhiều nước trên thế giới. Bởi vậy, nếu không ứng biến kịp thời thì chủ doanh nghiệp sẽ thất bại.
“Tôi luôn nói với các đồng nghiệp rằng trên thế gian này, sự vật luôn biến đổi. Hơn nữa trong kinh doanh hiện đại, thương trường còn phức tạp và biến hóa hơn chiến trường.
Nắm chắc phương châm này và biết cách thay đổi, tiến cùng thời đại, bạn sẽ thắng. Nếu không, bạn sẽ chết” – “huyền thoại Samsung” đúc kết.