Chuyển giao quyền lực ở Malaysia: Cuộc đấu ở hậu trường

Trung Hiếu |

Sự bất định về chuyển giao quyền lực ở Malaysia được cho là đang làm đất nước này xao nhãng trước các vấn đề quốc gia cấp bách hơn, bao gồm kinh tế.

Chính trị mông lung

Vấn đề chuyển giao quyền lực ở Malaysia là một chủ đề nóng bỏng trong nhiều tháng qua. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cam kết chuyển giao quyền lực cho Anwar Ibrahim nhưng ông Mahathir vẫn chưa công bố lịch trình cụ thể.

Thủ tướng Mahathir cho rằng một khung thời gian chính xác sẽ gây khó cho công tác hiện nay của ông.

Tuy nhiên nếu ông công bố một kế hoạch chuyển giao cụ thể thì điều này sẽ có những ích lợi rõ ràng đối với ông.

Chẳng hạn, nếu làm thế, ông sẽ dẹp tan những bất định chính trị hiện nay ở Malaysia, và từ đó giúp quốc gia này tập trong vào vấn đề kinh tế và những vấn đề sát sườn khác của đất nước.

Malaysia thực hiện nền dân chủ nghị viện, trong đó nghị sĩ nào giành được sự ủng hộ đa số của hạ viện sẽ giành được vị trí thủ tướng và hình thành chính phủ.

Sau cuộc tổng tuyển cử lịch sử vào năm 2018, liên minh chính đảng Pakatan Harapan giành được đa số tại nghị viện, Liên minh này gồm cả đảng Bersatu của Mahathir và đảng Parti Keadilan Rakyat của Anwar Ibrahim.

Thời gian chính thức của chuyển giao quyền lực hiện vẫn nằm trong đồn đoán, có thể là chung chung “nửa nhiệm kỳ” của ông Mahathir hoặc là chính xác hơn - 2 năm.

Cuộc đấu sau hậu trường

Do không có lịch trình cụ thể nên một số người tin rằng đang có cuộc đấu đá sau hậu trường.

Ông Mahathir đang trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ 2 của mình và có thể đây là nhiệm kỳ cuối cùng của ông. Mahathir mong muốn các di sản và thành tựu của mình sẽ còn kéo dài sau thời điểm ông rời khỏi quyền lực. Như vậy ông sẽ cần phải lựa chọn ít nhất một người kế vị để thực hiện một cách trung thành tầm nhìn của ông về đất nước này.

Hai ứng viên mà ông lựa chọn trước đó, là Abdullah Badawi và Najib Razak, thực sự khiến ông thất vọng. Có vẻ ông cũng không muốn trao quyền cho Anwar mà ông đánh giá là quá tham vọng, chỉ muốn thế chỗ của mình.

Trong khi đó, trong 2 thập kỷ qua, Anwar đã xây dựng được một vị thế chính trị đáng kể do ông cổ xúy cho công lý và cải cách.

Anwar nhiều khả năng sẽ không để cho Mahathir loại bỏ các thành quả của Reformasi – một phong trào chính trị xã hội rộng lớn mà ông ít nhất đã dẫn dắt về mặt tinh thần.

Trong bối cảnh đó, Mahathir dường như cố tình không nói rõ về quá trình chuyển giao quyền lực cho Anwar, tung ra những thông tin nhỏ giọt từ việc không có thỏa thuận chính thức về việc chuyển giao cho đến xem xét từ chức sau cuộc họp APEC sắp tới vào tháng 11/2020, và nhiều dạng thông tin trung gian khác, nhiều khi ông thay đổi quan điểm theo hướng tiến hoặc lùi.

Chuyển giao quyền lực ở Malaysia: Cuộc đấu ở hậu trường - Ảnh 1.

Các chính trị gia Anwar Ibrahim (trái) và Azmin Ali. Ảnh: Reuters.

Mahathir có vẻ cũng đang tạo ấn tượng rằng ông có vẻ ủng hộ Azmin Ali, người phó của Anwar, làm người kế vị mình. Ông đã thăng tiến Azmin lên vị trí phụ trách các vấn đề kinh tế, giám sát nhiều công ty khác nhau có liên quan đến chính phủ. Đây là một vai trò góp phần gia tăng nền tảng chính trị của Azmin.

Có lẽ những điều trên đã giúp Azmin công khai thách thức người thầy chính trị kỳ cựu Anwar trong đảng của họ. Azmin thậm chí đã công khai lên án Anwar và từ chối dự các cuộc họp của ban lãnh đạo đảng.

Nhu cầu tái tập trung vào kinh tế

Trong lúc Malaysia đang bận tâm với chính trị quyền lực như thế này, có một nguy cơ là nền kinh tế của họ ít được chú ý do cả các nhà chính trị và xã hội nước này bị xao nhãng.

Trong lĩnh vực kinh tế, Malaysia có thể gặp nhiều khó khăn ở phía trước dù cho nước này được dự đoán đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế là 4,7% trong năm nay.

Kinh tế thế giới đã gặp khó khăn trong thập kỷ qua, và Malaysia – một nền kinh tế mở và hướng ra xuất khẩu, không thoát khỏi việc bị ảnh hưởng.

Các chỉ dấu hàng đầu cho thấy các quyết định đầu tư vào nền kinh tế Malaysia cũng chậm lại.

Do vậy, nhà nghiên cứu Oh Ei Sun thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế Singapore cho rằng đã đến lúc Thủ tướng Mahathir ấn định thời điểm chuyển giao quyền lực cho Anwar hoặc một người kế nhiệm nào đó khác. 

Theo Oh Ei Sun, điều này sẽ giúp khôi phục lại ổn định chính trị ở Malaysia sau những thay đổi lớn lao về đảng cầm quyền chỉ cách đây một năm rưỡi, từ đó quốc gia Đông Nam Á này sẽ có điều kiện tập trung nhanh chóng vào khắc phục các vấn đề kinh tế quốc dân./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại