Phát biểu ngày 29/10, bà Merkel cho rằng Chính phủ Đức dưới sự lãnh đạo của bà đã đánh mất uy tín và bà sẽ không tiếp tục tranh cử sau khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2021.
Tuyên bố được bà đưa ra sau cuộc bỏ phiếu thăm dò ủng hộ ngày 28/10 ở bang Hesse, theo kết quả, tỷ lệ ủng hộ Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) giảm xuống còn 27%, ở mức thấp nhất của đảng này tại tiểu bang từ năm 1966 và giảm 11% so với năm 2013. Bên cạnh đó, bà cũng sẽ thôi giữ chức chủ tịch CDU trong vài ngày tới, vị trí bà đảm nhận từ năm 2000.
Giới quan sát nhận định rời khỏi chính trường của bà Merkel sẽ khiến liên minh châu Âu đang ngày càng "hướng nội" nảy sinh những bất ổn mới và gây khó khăn đối với Trung Quốc khi Bắc Kinh đang cố gắng tìm cách mở rộng liên minh chống chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ.
Ông Cui Hongjian, chuyên gia về về các vấn đề châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc tin rằng việc bà Merkel rút lui sẽ đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc và Đức có còn tiếp tục cách tiếp cận thực dụng để hợp tác với nhau nữa hay không.
"Điều Trung Quốc quan tâm nhất hiện nay là liệu lãnh đạo mới của Đức có duy trì các chính sách trong thời đại của bà Merkel hay không", ông Cui nói.
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2005, nữ Thủ tướng quyền lực của Đức đã tới thăm Trung Quốc 11 lần, tham gia thường xuyên vào các cuộc họp chính thức giữa 2 bên nhằm cũng cố quan hệ thương mại song phương và hợp tác về công nghệ.
Bắc Kinh nhiều năm qua đã cố gắng thúc đẩy quan hệ chặt chẽ với Đức như một cầu nối để thúc đẩy quan hệ với Liên minh châu Âu. Trung Quốc đang đổ rất nhiều tiền vào nhiều nước ở EU trong có Đức trong nỗ lực mua lại tài sản công nghệ cao phục vụ cho chiến lược thương mại đầy tham vọng của mình.
Tuy nhiên, bản thân Berlin cũng nhanh chóng "đánh hơi" được những hệ quả tiêu cực từ những tham vọng này và từng bày tỏ quan ngại về nạn chảy máu công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời chỉ trích thị trường Trung Quốc không cởi mở với đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia tin rằng những lo lắng này của Đức đã gây ra những ảnh hưởng nhất định tới các nước châu Âu khác và việc bà Merkel không tiếp tục lãnh đạo Chính phủ Đức cũng có thể sẽ là cơ hội giúp Bắc Kinh phát triển quan hệ với các nước khác.
Wang Yiwei, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc tin rằng Bắc Kinh nên xem xét một cách tiếp cận mới để điều chỉnh quan hệ với châu Âu, đồng thời cảnh báo quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước phương Tây có thể sẽ phải chịu những áp lực nhất định thời "hậu Merkel".
"Hệ thống thương mại đa phương và đa cực thế giới đang đối mặt với thách thức lớn. Điều quan trọng đối với Trung Quốc là phải nhận được sự hỗ trợ từ Liên minh châu Âu, đặc biệt là từ Đức, sau khi Anh rời khỏi khối”, ông Wang nói.
Klaus Larres, một chuyên gia về lịch sử và vấn đề quốc tế tại Đại học Bắc Carolina, Mỹ cho biết Đức đóng vài trò như một thủ lĩnh trong EU, tuy nhiên vị trí này có thể sẽ không còn khi bà Merkel rời đi.
"Sự bùng nổ kinh tế của Đức không thể kéo dài mãi mãi và có dấu hiệu cho thấy nó đang dần dần kết thúc, điều này sẽ khiến Berlin càng thêm bất ổn", ông Larres cảnh báo.
Chuyên gia Cui Hongjian cảnh báo Bắc Kinh cần phải chuẩn bị các phương án để tránh các tác động tiêu cực từ những thay đổi chính trị trong tương lai ở Berlin.
"Chúng ta đang mong đợi những thay đổi trong các khía cạnh chính trị và kinh tế trong quan hệ song phương sau khi bà Merkel rời nhiệm sở. Nhưng không có sự thay thế nào trong khu vực đối với quan hệ kinh tế Trung Quốc - Đức trong ngắn hạn", ông này cho hay.
Cùng quan điểm này, ông Wang cho rằng Bắc Kinh cần một chiến lược tiếp cận rộng rãi hơn ở châu Âu hơn thay vì chỉ tập trung vào Đức như hiện tại.