Chuyên gia quốc tế chỉ rõ bản chất của lực lượng dân quân biển Trung Quốc

Hồng Anh |

Trung Quốc đã mở rộng lực lượng dân quân biển tại Biển Đông một cách chủ ý và có hệ thống trong một thập kỷ qua như một phần của chiến lược nhằm khẳng định chủ quyền phi pháp đối với nhiều vùng biển trong khu vực.

Tàu cá Trung Quốc luôn ra khơi theo từng nhóm lớn. Ảnh chụp màn hình SCMP

Tàu cá Trung Quốc luôn ra khơi theo từng nhóm lớn. Ảnh chụp màn hình SCMP

Nỗ lực chuyên nghiệp hóa lực lượng dân quân biển

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington công bố ngày 18/11 cho biết, số lượng tàu dân quân biển được triển khai đến quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam – ND) ngày càng nhiều, với tần suất thường xuyên hơn, kể từ khi Trung Quốc xây dựng tiền đồn tại những đảo nhân tạo mà nước này tôn tạo hoặc bồi lấp trái phép ở Biển Đông.

Trung Quốc nhiều lần bị tố điều tàu dân quân biển hoặc tàu khảo sát, được tàu hải cảnh tháp tùng, quấy rối các hoạt động hàng hải và thăm dò dầu khí của các quốc gia khác trong khu vực.

Hôm 18/11, Philippines đã lên tiếng phản đối việc ba tàu hải cảnh Trung Quốc chặn và phun vòi rồng nhằm vào tàu hậu cần của Philippines đang trong hành trình tiếp tế lương thực cho lực lượng ở bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) ở Biển Đông.

Trước đó, đầu tháng 10, Malaysia cho biết đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối về sự hiện diện của tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Qua việc quan sát các hoạt động của lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc, báo cáo của CSIS cho biết, lực lượng này chủ yếu được cấu thành từ “những con tàu có vẻ ngoài giống như những tàu hoạt động trong lĩnh vực đánh bắt cá thương mại nhưng thực chất chúng phục vụ cho các mục tiêu về chính trị và quân sự của Trung Quốc”.

Ông Greg Poling - giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết:

“Những gì chúng tôi phát hiện được trong quá trình nghiên cứu là Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng và chuyên nghiệp hóa lực lượng dân quân biển trong 8 năm qua”.

Sự ngụy biện của Trung Quốc

Trung Quốc nhiều lần bác bỏ cáo buộc sử dụng tàu dân quân biển để gây sức ép cho các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, thay vì đó nói rằng, chúng chỉ là tàu đánh bắt cá thông thường.

Tuy vậy AMTI đã viện dẫn nhiều nguồn tin khác nhau để bác bỏ lập luận của Trung Quốc.

Tổ chức này trích dẫn một số báo cáo bằng tiếng Trung gọi những tàu thuyền này là lực lượng dân quân hàng hải, đồng thời đăng tải các hình ảnh vệ tinh và dữ liệu cho thấy tàu Trung Quốc qua lại trong khu vực tranh chấp mà không hề đánh bắt cá.

Chẳng hạn, ảnh chụp vệ tinh hồi tháng 3 năm nay cho thấy có nhiều tàu Trung Quốc neo đậu tại Đá Ba Đầu (thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa – ND) trong thời gian dài, nhưng những con tàu này không đánh bắt cá mà hầu như đứng yên.

Ngoài ra, còn có những con tàu thả lưới xuống biển nhưng lại không có động tác kéo lưới lên.

“Việc tàu thuyền xuất hiện tại một khu vực biển trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần mà không sử dụng lưới hoặc thiết bị đánh bắt cá là bằng chứng cực kỳ thuyết phục cho thấy họ không đánh bắt cá vì mục đích thương mại”, báo cáo nêu rõ.

Ngoài ra, còn một dấu hiệu khác cho thấy tàu Trung Quốc không thực sự đánh bắt cá là việc chúng được buộc sát cạnh nhau. Điều này làm tăng độ ổn định khi chúng neo đậu và giúp chúng dễ dàng liên lạc với nhau hơn.

“Không có lý do thương mại nào có thể biện minh cho hành vi như vậy của cả một đội tàu đánh cá. Các dữ liệu thăm dò cho thấy, các tàu dân quân biển của Trung Quốc tập trung thành từng cụm lớn như vậy trong nhiều tuần liền. Nếu là ngư dân, họ sẽ thất thu nghiêm trọng”.

Mặc dù Trung Quốc phủ nhận sự những lập luận trên, nhưng các chuyên gia cho rằng dân quân biển là một phần không thể thiếu trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông và hơn thế.

Đáng chú ý, lực lượng này giúp Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trái phép xung quanh các bãi đá ngầm và các đảo mà không khơi mào xung đột quân sự.

Báo cáo của CSIS cho biết, lực lượng dân quân biển thường được điều động từ 10 cảng ở tỉnh Quảng Đông và Hải Nam của Trung Quốc. Có khoảng 300 tàu dân quân hoạt động ở quần đảo Trường Sa mỗi ngày. Chúng được chia thành 2 loại: tàu dân quân chuyên nghiệp và tàu đánh cá thương mại được chính phủ trưng dụng cho các hoạt động của dân quân biển.

Báo cáo cũng nêu chi tiết cách thức Trung Quốc sử dụng chương trình trợ cấp để khuyến khích các chủ tàu cá hoạt động như tàu dân quân biển tại các vùng biển tranh chấp, vi phạm luật pháp quốc tế.

“Những chương trình này chứng minh rõ ràng rằng, phần lớn tàu cá của Trung Quốc ở những khu vực tranh chấp trên Biển Đông không hoạt động với tư cách là nhân tố thương mại độc lập, thay vì đó, có nghĩa vụ thực hiện các mục tiêu về chính trị và an ninh”.

Trong khuôn khổ chương trình trợ cấp, Trung Quốc hỗ trợ việc đóng tàu, cung cấp nhiên liệu, thiết bị định vị, thông tin liên lạc và trang thiết bị phòng hộ, khiến tàu cá thương mại trở thành một phần của lực lương dân quân biển.

“Họ ra khơi. Họ thả neo ở quần đảo Trường Sa 200 ngày mỗi năm để được nhận trợ cấp”, ông Poling lưu ý.

Bên cạnh đó, những con tàu này cũng đóng vai trò là phương tiện thu thập thông tin tình báo của Hải quân Trung Quốc, chuyên gia này nhấn mạnh.

“Khi có mặt tại vùng biển tranh chấp, những con tàu này muốn bình thường hóa ý tưởng về sự hiện diện của Trung Quốc, đồng thời ngăn các quốc gia ven biển khác tiếp cận với các ngư trường”.

Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Viện Quốc phòng và Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định, ranh giới giữa các hoạt động thương mại và quốc phòng của lực lượng dân quân Trung Quốc thường trở nên mờ nhạt vì nhiều tàu vẫn tham gia vào các hoạt động đánh bắt quy mô lớn trong khi vẫn làm việc cùng với các lực lượng tuần tra quân sự hoặc thực thi pháp luật.

“Dân quân biển Trung Quốc không chỉ đơn giản là hoàn thành tốt nhiệm vụ này toàn thời gian. Họ được cho là vừa câu cá lại vừa có thể chiến đấu”, ông Collin Koh lưu ý.

Các chuyên gia cho rằng, lực lượng dân quân biển là một ví dụ điển hình về chiến thuật vùng xám mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm từng bước “gặm nhấm” Biển Đông và khẳng định yêu sách chủ quyền một cách phi pháp mà không tham gia vào một cuộc chiến tranh truyền thống.

Báo cáo nhấn mạnh, với việc sử dụng dân quân biển, Trung Quốc tự cho mình quyền phớt lờ các công ước về vùng biển quốc tế, cũng như phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2016 bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý mà Bắc Kinh tự đưa ra.

Theo nhà nghiên cứu Collin Koh, việc sử dụng chiến thuật vùng xám đã tạo ra thách thức trực tiếp và nghiêm trọng đối với trật tự dựa trên luật lệ, vốn đưa ra những điều kiện để các quốc gia tương tác với nhau và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại