Theo Tiến sỹ Tang Siew Mun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS - Yusof Ishak, Singapore, hành vi của Trung Quốc là nguy hiểm và có thể tạo là một “tiền lệ” mới gây phương hại cho các quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông.
Tiến sỹ Tang Siew Mun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS- Yusof Ishak, Singapore.
PV: Thưa Tiến sỹ, trước tiên ông có bình luận gì về với hành vi của Trung Quốc điều tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 đến bãi Tư Chính, xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục dịa của Việt Nam? Theo ông, phía Trung Quốc đang nhắm tới mục tiêu gì?
Tiến sỹ Tang Siew Mun: Tôi cho rằng Trung Quốc luôn tìm cách khẳng định tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này tại Biển Đông và đây là một trong những hành động nhằm củng cố lập trường này của họ.
PV: Theo Tiến sỹ, hành động của Trung Quốc đang đặt khu vực trước những nguy cơ gì, thưa ông?
Tiến sỹ Tang Siew Mun: Theo tôi thì nguy cơ là khá cao vì hành động của Trung Quốc một lần nữa lại khiến Biển Đông “dậy sóng”. Đây không chỉ là câu chuyện giữa Việt Nam và Trung Quốc, không chỉ liên quan đến ASEAN mà còn cả các nước khác trong khu vực như Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu, Australia, New Zealand... Có vẻ như Trung Quốc đang chủ động khẳng định và củng cố lập trường của họ tại khu vực tranh chấp này.
PV: Trong các tuyên bố mới đây, nhiều quan chức cấp cao Mỹ đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ phản đối hành vi của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành vi “bắt nạt” gây nguy hiểm cho ổn định khu vực. Theo Tiến sỹ, các động thái từ phía Mỹ có đủ để kìm hãm các hành vi của Trung Quốc?
Tiến sỹ Tang Siew Mun: Đây có lẽ là một hành động phù hợp vì nếu cứ để mọi việc tiếp diễn như vậy thì tình hình sẽ leo thang, đẩy Việt Nam và Trung Quốc gần hơn tới xung đột, gây mất ổn định và an ninh khu vực. Quan trọng hơn cả là điều này sẽ khiến các nước lớn can dự mạnh mẽ hơn vào khu vực.
Các bên cần giảm bớt hoạt động, đưa Biển Đông trở lại hiện trạng như tháng 6, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động ngoại giao. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ duy trì những hoạt động như thế này. Bất chấp bị phản đối, Trung Quốc cho rằng những gì họ đang làm là chính đáng và do vậy họ có quyền thăm dò, khai thác thủy sản tại những khu vực mà họ tự cho là vùng đặc quyền kinh tế của mình. Điều này nguy hiểm ở chỗ là nếu cứ tiếp diễn như vậy, nó sẽ tạo ra một “thông lệ” mới, một hiện trạng mới, gây phương hại cho các nước khác có tuyên bố chủ quyền hợp pháp tại Biển Đông.
PV: Ông dự báo như thế nào về những kịch bản Trung Quốc có thể tiến hành tiếp theo?
Tiến sỹ Tang Siew Mun: Khái niệm “thông lệ” mới mà tôi nói ở trên có nghĩa là trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục khẳng định và củng cố tuyên bố chủ quyền cũng như xúc tiến những gì mà họ cho là quyền của họ trên Biển Đông thì hiện trạng sẽ bị thay đổi. Nếu quan điểm này của Trung Quốc không bị thách thức thì những yêu sách chủ quyền của họ sẽ được củng cố và sẽ dần được được coi là điều hiển nhiên, tạo ra sự đã rồi. Nếu không tuân thủ luật pháp thì xung đột sẽ leo thang và có thể dẫn đến xung đột vũ trang, điều mà không bên nào muốn. Cần có những phản ứng để ngăn cản Trung Quốc tạo ra sự đã rồi.
Tôi cho rằng tất cả các bên tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông cần thừa nhận là đang có tranh chấp tại đây. Thứ hai là cần làm rõ đâu là vùng có tranh chấp và đâu là vùng không có tranh chấp để qua đó đưa ra phương cách giải quyết tranh chấp.
PV: Thưa Tiến sỹ, với Việt Nam, bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam do đó hoàn toàn không nằm trong vùng biển tranh chấp. Với Trung Quốc, bãi này nằm trong “đường 9 đoạn”, một yêu sách của Trung Quốc đã bị Tòa Trọng tài trong vụ kiện của Philippines tuyên bố vô hiệu hóa, nhưng Trung Quốc vẫn phớt lờ. Theo Tiến sỹ, Việt Nam cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình và ngăn chặn những hành vi ngang ngược, coi thường luật pháp quốc tế như vậy?
Tiến sỹ Tang Siew Mun: Một trong những biện pháp Việt Nam có thể thực hiện là liên tục tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Tuy nhiên, đây là biện pháp tốn kếm cả về thời gian lẫn tiền bạc, tiêu tốn rất nhiều nguồn lực. Trong bối cảnh tiềm lực của các nước Đông Nam Á hiện nay thì khó có lực lượng hải quân hay cảnh sát biển của nước nào có thể thực hiện được chính sách trên. Về lâu dài thì tất cả chúng ta đều cần tăng cường nhận thức khu vực trên biển (MDA) hoặc tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước để ngăn ngừa hành động xâm phạm của các nước khác.
Tuy nhiên, cần phải có giải pháp dài hạn vì việc tuần tra trên biển sẽ thiếu hiệu quả nếu không được thực hiện liên tục. Một phương án nữa mà Việt Nam có thể tính đến là kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế như Philippines. Tranh chấp không thể được giải quyết bằng quân sự mà phải bằng biện pháp hòa bình, có thể là qua sự phán xử của một bên trung lập thứ ba. Tất cả các nước ASEAN cần tiếp tục khẳng định và bày tỏ mong muốn tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều quan trọng là chúng ta cần thống nhất khẳng định nguyên tắc thượng tôn luật pháp quốc tế, không chỉ trong các tranh chấp biển mà còn trong quan hệ giữa các nước.
PV: Tiến sỹ đánh giá như thế nào về vai trò của ASEAN nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung trong việc ngăn chặn những hành vi “bắt nạt” như vậy?
Tiến sỹ Tang Siew Mun: Trước hết, các nước ASEAN cần lên tiếng ở mọi cấp độ. Chúng ta không thể im lặng vì im lặng cũng đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận cách hành xử như vậy (của Trung Quốc). Tuy nhiên, lên tiếng không có nghĩa là chúng ta chống Trung Quốc mà là để thể hiện quan điểm, với hy vọng Trung Quốc hiểu được lập trường của chúng ta. Ngoại giao là giải pháp tốt nhất và cần phải thực hiện trước tiên.
Đối với ASEAN, trước hết chúng ta phải luôn duy trì dược sự thống nhất, phải xem xét những hành động gây ảnh hưởng tới an ninh và ổn định khu vực vì nếu những hành động này tiếp diễn, các nước lớn như Mỹ, Nhật, EU…sẽ quan ngại và can dự nhiều hơn vào khu vực, cũng như tìm cách bảo vệ lợi ích của họ tại Biển Đông. Sự can dự của nhiều nước lớn sẽ làm gia tăng nguy cơ leo thang căng thẳng, nguy cơ tính toán sai lầm, khiến khu vực thêm mất ổn định. Do vậy, ASEAN cần duy trì sự thống nhất, thể hiện quan ngại đối với Trung Quốc để tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC. Trung Quốc cũng cần chấm dứt việc thử thách ý chí của Việt Nam.
Việc các nước ASEAN có quan điểm khác nhau là điều dễ hiểu và có thể dự đoán được, nhưng tôi cho rằng sẽ không có nước nào phản đối nỗ lực củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực. Có thể các nước ASEAN không cùng chung quan điểm nhưng điều quan trọng là chúng ta cần lên tiếng, thể hiện sự quan ngại đối với Trung Quốc ở một mức độ đáng kể nào đó./.
Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ.