Chuyên gia Phong thủy Tam Nguyên sẽ giải thích những điều cần biết trong tháng 7 Âm lịch, bởi lễ Vu lan và lễ Xá tội vong nhân dù ý nghĩa là giống nhau nhưng bản chất lại khác nhau bởi nguồn gốc xuất xứ của phong tục, nghi lễ.
Lễ Vu lan (còn gọi là lễ báo hiếu): Có nguồn gốc từ Đạo Phật Bắc Tông (Đại thừa), liên quan đến sự tích về ngài Mục Kiền Liên – một đệ tử của đức Phật Thích Ca với lòng đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.
Từ đó Vu lan báo hiếu trở thành ngày hội tri ân, báo hiếu trong Phật giáo hằng năm. Lễ Vu lan nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên, cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước. Cũng để nhắc nhở con cháu "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", là dịp con cháu bày tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn và đền đáp công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ.
Nghi thức "bông hồng cài áo" tưởng nhớ bố mẹ đã tạ thế, tôn vinh những cha mẹ đang sống. Ảnh minh họa.
Nghi thức "bông hồng cài áo": Nhằm để tưởng nhớ những bố mẹ đã tạ thế, tôn vinh những cha mẹ đang sống. Hoa hồng là biểu tượng cho sự cao quý, một tình yêu bất diệt. Với những người không còn cha mẹ thì cài hoa hồng màu trắng, người nào còn cha mẹ sẽ cài hoa hồng màu đỏ. Ai chỉ còn cha, hoặc mẹ sẽ cài hoa hồng nhạt màu hơn.
Cúng Vu lan:là cách bày tỏ tình cảm, sự quan tâm tới cha mẹ, bởi con cái càng trưởng thành thì thời gian càng hiếm hoi dành cho cha mẹ, khiến khoảng cách giữa các thế hệ mất kết nối. Lễ Vu lan con cái hãy quan tâm dành ngày Vu lan để quan tâm tới cha mẹ, ở bên những người thân yêu nhiều hơn để tình cảm kết nối gần gũi, tăng tình đoàn kết giữa các thành viên trong nhà.
Về lễ cúng Vu lan năm nay hầu hết không lên chùa, mà cúng tại gia. Gia chủ có thể cúng chay, hay cúng mặn tùy tín ngưỡng và điều kiện của gia đình. Khi cúng gia chủ nên đọc Kinh Vu Lan, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu thoát.
Mâm cúng chúng sinh: Có muối, gạo, cháo trắng, tiền vàng, hàng mã... nhằm giúp những linh hồn khốn khổ không nơi nương tựa, cũng để tránh những cô hồn quấy phá công việc và gia đình.
Lễ Xá tội vong nhân là một trong những tiết lễ quan trọng. Ảnh minh họa.
Lễ Xá tội vong nhân: Vào ngày Rằm tháng 7 (15 âm lịch) theo dân gian là ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ tự do trở về dương thế. Theo tục lệ xưa, người trần gian sẽ cúng cháo, gạo, muối, tiền vàng và quần áo cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày.
Ngày lễ Xá tội vong nhân được coi là một trong những tiết lễ quan trọng trong văn hóa truyền thống của dân tộc.
Cả hai lễ Vu lan và Xá tội vong nhân đều có ý nghĩa thể hiện lòng kính trọng, biết ơn với các bậc sinh thành, đề cao việc báo hiếu và làm phúc bố thí - thể hiện tính nhân văn của người Việt là luôn hướng về tổ tiên, với đạo hiếu "uống nước nhớ nguồn" nhằm tưởng nhớ công ơn đấng sinh thành.
Tháng 7 Âm lịch là tháng đẹp nhất trong năm
Tháng 7 Âm lịch được coi là Tháng Công đức bởi:
- Người người, nhà nhà chủ động bố thí, cúng đường, phóng sinh, làm rất nhiều việc công đức để hồi hướng cho ông bà, cha mẹ hiện thời được phúc thọ dài lâu.
Theo quan điểm của Phật giáo thì tháng 7 Âm lịch là tháng đẹp nhất của năm – đó là mùa xuân của Phật giáo, bởi sau 3 tháng an cư kiết hạ chư tăng ni tịnh hóa thân tâm, quay trở về hợp sức phục vụ chúng sinh để làm đẹp cho đời. Theo kinh Phật thì đây là tháng mà mười phương chư Phật đều hoan hỉ.
Tích Vu lan báo hiếu cũng cho thấy sự tốt đẹp của tháng 7 Âm lịch - đó là đức Mục Kiền Liên cầu khẩn Đức Phật cứu mẹ đang chịu tội ở địa ngục, Phật cho biết cần phải đợi đến rằm tháng 7, khi chư tăng kết thúc 3 tháng an cư tu tập, công năng, công hạnh đều tăng lên, nhờ họ hồi hướng cầu siêu.
Nhờ vậy mà mẹ của đức Mục Kiền Liên mới được cứu thoát khổ cảnh địa ngục.
Tháng 7 Âm lịch với nhân gian còn là dịp báo hiếu, tu tâm, tích đức...
Tháng 7 Âm lịch còn có ngày xá tội vong nhân - các vong nhân đều được xá tội về thăm dương trần, con cháu hoan hỉ làm lễ. Các vong hồn không nơi nương tựa cũng được về thăm dương gian, được cúng cô hồn.
Tuy tháng 7 Âm lịch có những điều nên kiêng kỵ nhưng cũng không nên quá lo lắng. Mọi người hãy chọn cách nghĩ tháng 7 Âm lịch là tháng buông xả, bỏ qua mọi thù hận, oán ghét cho nhau, là tháng chỉ còn lại những điều may mắn và tốt đẹp cho cuộc sống.
Tháng 7 Âm lịch với nhân gian còn là dịp báo hiếu, tu tâm, tích đức, phóng sinh, làm phúc... nên còn được gọi là tháng công đức, tháng làm việc thiện..., là những điều may mắn và tốt đẹp trong cuộc sống.
Tuy tháng 7 Âm lịch theo dân gian có nhiều kiêng kị, nhưng ngày nay có rất nhiều vật phẩm phong thủy trợ mệnh, kỵ tà... giúp người dân an tâm hơn mỗi mùa Vu lan.
Chuyên gia Phong thủy Tam Nguyên (Viện nghiên cứu & Phát triển Văn hóa Phương Đông)