"Tuyệt vọng"
Cụ thể trong bài viết có tiêu đề "Sự tuyệt vọng ở tiền tuyến: Người Ukraine tháo dỡ xe tăng để tìm áo giáp" được tờ Geek Week (Ba Lan) đăng tải ít giờ trước, ông Jablonski đã miêu tả một thực tế đang diễn ra như sau:
"Những người lính Ukraine ở tuyến đầu đang phải vật lộn với việc thiếu thốn đạn dược và chất nổ.
Rõ ràng điều này khiến hiệu quả chiến đấu của họ bị giảm sút và cũng là lý do họ đang không ngừng tìm kiếm các giải pháp thay thế - bao gồm cả việc thu thập bất kỳ vật liệu nổ nào sót lại trên chiến trường.
Mặc dù có thể gọi đây là "đồng nát chiến tranh", nhưng nỗ lực này có thể cứu sống nhiều binh sĩ Ukraine.
Ít giờ trước, một cảnh quay ở tuyến đầu Ukraine cho thấy một trong những nguồn cung vật liệu nổ quan trọng đến từ những chiếc xe tăng đã bị phá hủy.
Đoạn video được phía Ukraine đăng tải lên TikTok trước khi được vị chuyên gia Ba Lan chú ý.
Cảnh quay này cho thấy những người lính đang "chiết xuất" chất nổ từ những khối ERA giáp phải ứng nổ) - thậm chí một người còn cho biết thêm rằng chúng sẽ được tận dụng để lắp ráp thành chất nổ mà FPV Drone (máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất) có thể mang theo.
Thực tiễn này cho thấy hiện binh lính Ukraine phải dùng mọi biện pháp có thể để duy trì hỏa lực ở mặt trận và việc họ trang bị chất nổ "tái chế" lên FPV Drone không mấy bất ngờ vì việc sử dụng số lượng lớn loại vũ khí này đòi hỏi nguồn cung thuốc nổ lớn.
Và đối với nhiều người lính Ukraine, "nguồn cung" ngay trong tầm mắt của họ - các khối ERA.
Trong trường hợp độc giả chưa rõ ERA là gì, đây là một biện pháp phòng thủ bị động chống lại đạn chống tăng vác vai (RPG) và tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) với đầu đạn lõm.
Nó có dạng hình hộp với vỏ bằng kim loại và khối chất nổ. Khi đầu đạn chống tăng đối phương va chạm với ERA, nó sẽ kích nổ để vô hiệu hóa hoặc làm giảm thiểu nguy cơ bằng cách làm tiêu tán năng lượng của viên đạn trước khi nó tác động vào lớp giáp chính của xe tăng.
ERA sẽ bị phá hủy sau quá trình này nhưng cả cỗ máy lẫn kíp lái xe tăng sẽ được cứu sống.
Người Ukraine quá quen thuộc với những khối ERA nên họ cũng đã lắp đặt chúng trên nhiều loại khí tài được Phương Tây viện trợ".
Mới chỉ là "phần nổi"?
Cần lưu ý rằng bài viết của ông Jablonski mới chỉ là phần nổi của tảng băng - thực tế là chỉ ít ngày trước tạp chí Defense Express (Ukraine) đã dẫn một bình luận của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, ông Yury Dzhigyr về việc tái chế bom mìn và vật liệu chưa nổ khác.
Vị quan chức Ukraine cho rằng công việc "đồng nát chiến tranh" này có thể xảy ra ở quy mô lớn hơn - cụ thể là Bộ Quốc phòng Ukraine sẽ nghiên cứu giải pháp này.
Tuy điều kiện "cần" là các loại bom mìn và vật liệu chưa nổ trong các khu vực do lực lượng Ukraine kiểm soát có vẻ đã được thỏa mãn nhưng vị quan chức cho rằng vẫn sẽ cần thêm 1 số thứ khác để thỏa mãn điều kiện "đủ" và đó là "các tổ hợp rà phá bom mìn hiện đại".
Không giống những khí tài phá mìn trang bị trong cả 2 phía tham chiến ở Ukraine, các tổ hợp này vừa phải đảm bảo dọn dẹp các khu vực bị ô nhiễm bởi bom mìn và vật liệu nổ, vừa phải đảm bảo an toàn cho chính những vật liệu này để tái sử dụng.
Đó có thể là các khí tài được gọi là AEV (Xe công binh bọc thép) có hoặc không người lái được trang bị nhiều phụ kiện dạng module bao gồm lưỡi cày mìn, lưỡi ủi, các loại gầu đặc biệt và thậm chí là cần cẩu...
Vấn đề là một thiết bị đa năng như vậy thường là không có sẵn ở Ukraine - thậm chí việc sản xuất nhanh chóng chúng ở Phương Tây cũng là vấn đề khá lớn - và Kiev chỉ có thể tận dụng những công cụ mình đang có như các bộ kit lưỡi cày mìn và các xe ủi công nghiệp.
Thứ hai rõ ràng là bom, mìn và vật liệu chưa nổ đang gây ô nhiễm trên đất Ukraine không đồng nhất về chủng loại. Điều này gây khó khăn đáng kể trong việc dọn dẹp ở quy mô lớn để "lấy nguyên liệu".
Và vấn đề thứ ba và cũng là cuối cùng đó là chưa chắc những gì mà người Ukraine vất vả thu được sẽ được sử dụng theo cách nào khác ngoài đưa chúng lên các FPV Drone (máy bay không người lái cảm tử góc nhìn thứ nhất) và UGV (phương tiện mặt đất không người lái).
Đây cũng là nhận định của chuyên gia Nga Andrey Mitrofanov đề cập trong 1 bài viết được Topwar.ru đăng tải vào cuối tháng 12/2023 về câu hỏi tại sao nước này không tận dụng mà phải chi nhiều tiền để vô hiệu hóa bom đạn hết hạn.
Lý do là vì các loại chất nổ càng sản xuất lâu hoặc không được bảo quản tốt thì càng có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng khi được tái chế như nhiên liệu rắn của MLRS (pháo phản lực phóng loạt) hoặc liều phóng của đạn pháo cối.
Cảnh quay từ camera trên người của 1 thành viên kíp điều khiển Drone Nga khi họ trở thành mục tiêu của FPV Drone Ukraine.