"5h đốt hết GDP của 1 quốc gia"
Hôm 14/4, Cựu chuẩn tướng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Reem Aminoach đã ước tính hơn 1,3 tỷ USD của Tel Aviv đã "bốc hơi" chỉ sau 5 giờ cuộc tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Iran.
Cụ thể vị tướng cho biết căn cứ vào giá thành mỗi tên lửa của các tổ hợp Arrow là 3,5 triệu USD, của David's Sling là 1 triệu USD và chi phí cho mỗi tiêm kích đánh chặn xuất kích cũng tương đương như vậy nên tổng chi phí mà Israel vừa phải chi ra là từ 1 đến 1,3 tỷ USD.
Ngược lại, ông Aminoach ước tính số tiền mà Tehran phải bỏ ra cho đợt tập kích tên lửa này chỉ bằng khoảng 1/10 đối phương. Hiện cả IDF lẫn phía Iran vẫn chưa đưa ra bình luận về ước tính này.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng số "chiến phí" có thể sẽ lớn hơn nhiều vì Mỹ, Anh và Jordan cũng đã triển khai các tiêm kích đánh chặn, các tổ hợp phòng không trên bộ và trên tàu chiến để chặn đánh tên lửa và UAV của Iran.
Cần lưu ý rằng 1,3 tỷ USD tương đương GDP cả năm của một số quốc đảo ở Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Đại Dương như Grenada, Comoros...
Nhiều chuyên gia Phương Tây đã nhận định rằng bất kể cuộc tập kích thành công hay không thì ý đồ của Tehran rất lộ liễu - đó là sử dụng tên lửa và UAV "rẻ tiền" để làm cạn kiệt khả năng phòng không của Israel nhằm chuẩn bị cho các kịch bản leo thang xung đột tiếp theo.
Họ cũng cho rằng tỷ lệ đánh chặn 99% mà Israel vừa đạt được phải trả bằng một cái giá "cắt cổ".
Chuyên gia Nga chỉ ra chỗ nhược?
Trong bài bình luận về cuộc tập kích vừa qua trên Dzen.ru, chuyên gia Nga Vyacheslav Osipov đã vạch rõ các chi tiết trong chiến thuật nói trên của người Iran:
"Press TV của Iran đưa tin Tên lửa siêu thanh "Kẻ chinh phạt" của Iran (Fateh trong tiếng Ba Tư ) đã đục thủng Vòm Sắt của Israel và đánh trúng tất cả các mục tiêu đã định...
Iran cũng đã làm rõ rằng cuộc tập kích nhằm cụ thể vào 2 căn cứ quân sự mà IDF đã sử dụng trong cuộc tấn công Đại sứ quán Iran ở Damascus Syria - nằm cách xa khu vực đông dân cư của Israel.
Cần lưu ý rằng việc xuyên thủng năng lực phòng không của không chỉ Israel mà còn là Mỹ, Anh, Pháp và Jordan trong khu vực vào thời điểm đó là cực kỳ khó. Hệ thống phòng không đa cấp bảo vệ Israel bao phủ từ không phận Iraq tới Jordan và thậm chí cả một phần Syria.
Ngoài các tổ hợp Patriot do Mỹ sản xuất, Israel cũng sở hữu các tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm xa Arrow, tên lửa đánh chặn tầm trung David's Sling và không thể không kể đến Iron Dome (Vòm Sắt) được họ quảng cáo rầm rộ về khả năng chống lại đạn không điều khiển.
Israel cũng sử dụng các tiêm kích F-15, F-16 và F-35 cùng khả năng trinh sát vượt trội...
Và người Iran đã chứng minh rằng họ đã lên một kịch bản rất kỹ lưỡng - liên quan tới 2 đợt xuất kích của UAV tốc độ thấp với số lượng lên tới 200 chiếc và được tiếp nối bởi đợt phóng tên lửa đạn đạo và hành trình trong thời gian ngắn.
Có thể thấy những chiếc UAV đã làm tốt nhiệm vụ của chúng, đó là khiến tất cả các năng lực phòng không của Israel và các đối tác phát lộ - giúp Tehran ghi lại các đặc điểm của chúng để tiếp tục nghiên cứu.
Và cuối cùng các tên lửa siêu thanh của Iran đã được phóng thẳng vào các căn cứ IDF - và về nguyên tắc, Tehran đã có đủ bằng chứng để tuyên bố chiến thắng.
Có thể thấy "con át chủ bài" là các tên lửa siêu thanh Fateh mới nhất - có vẻ như tất cả đều không bị bắn rơi và đến được mục tiêu đã định.
Cần lưu ý rằng biến thể Fattah 2 với đầu đạn lướt siêu thanh (siêu vượt âm) và động cơ ramjet (động cơ phản lực dòng thẳng) đã được người Iran giới thiệu vào tháng 11/2023 sau hơn 1 năm biến thể Fateh ban đầu với tầm bắn 1.400 km được phát triển thành công.
Vũ khí này biến Iran trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới sở hữu vũ khí siêu thanh sau Nga, Trung Quốc và Mỹ (vẫn đang trong quá trình thử nghiệm) vào năm 2022".
Vào thời điểm Fatteh-2 được ra mắt vào cuối năm 2023, tờ Jerusalem Post của Israel từng đăng tải một bài viết của chuyên gia Seth J Frantzman trong đó vị chuyên gia từng nhấn mạnh:
"Nhiều tên lửa có thể bay ngoài bầu khí quyển - ví dụ như tên lửa đạn đạo - có thể đạt tốc độ cao đến mức "siêu thanh".
Tuy nhiên điều quan trọng là tên lửa có khả năng cơ động hay không, như tên lửa đạn đạo có thể bị đánh chặn vì chúng bay theo quỹ đạo có thể đoán trước. Ngược lại một tên lửa cơ động ở tốc độ cao rất khó bị đánh chặn.
Với Fattah-2, người Iran tuyên bố họ có một tên lửa cơ động và có thể bắn trúng mục tiêu mà không bị đánh chặn... tuy nhiên điều này chưa được chứng minh".
Viết về hiệu quả của Iron Dome trong cuộc tập kích vừa qua, vị chuyên gia Nga lưu ý:
"Chúng ta cần quay trở lại thời điểm 7 năm trước - khi giới chuyên gia Mỹ vẫn còn chỉ trích Vòm Sắt.
Theo họ, hiệu quả của Iron Dome chỉ là 5%, không những vậy nó chỉ bao phủ một khu vực hình quạt rộng 17 km, cao 10 km và xa 4 km - tức là chống lại các mục tiêu bay trên một quỹ đạo cao như tên lửa đạn đạo thông thường.
Hiểu đơn giản là Iron Dome khó có khả năng đánh chặn các mục tiêu tầm thấp và cơ động.
Tốc độ của tên lửa Tamir của Iron Dome là 700 m/s (Pantsir-S1 của Nga là 1.300 m/s) . Tốc độ này không cho phép chúng đón lõng mà chỉ có thể vô hiệu hóa mục tiêu bằng cách truy đuổi.
Và cuối cùng các bệ phóng được đặt cố định ở góc 60 độ và để đảm bảo khả năng phòng thủ toàn diện, cần tới không chỉ một mà là ba bệ phóng, điều không những không kinh tế mà còn không hiệu quả.
Và sau cuộc tập kích vừa qua của người Iran, người ta đang đặt cho tổ hợp này một cái tên mới là Leaky Dome (Vòm Thủng) và có thể so sánh với một thất bại hoàn toàn về mặt hình ảnh".