Mỗi một nhà tuyển dụng luôn có một cách thức riêng để chọn ra những ứng viên tài năng cho công ty của mình, chẳng hạn, có những nhà tuyển dụng sẽ hỏi những câu hỏi lạ lùng như "Làm thế nào để nhét một con voi vào một cái tủ?", cũng có người sẽ hỏi "1 con chó có 4 chân, vậy 50 con chó có bao nhiêu chân?" hoặc lại như "Vì sao nắp cống hình tròn?" …
Bạn sẽ chẳng bao giờ dự đoán được các nhà tuyển dụng sẽ hỏi mình những câu hỏi "không liên quan" lắm nào, tuy nhiên, có một câu hỏi mà mọi ứng viên nên giả định sẽ luôn xuất hiện trong hầu hết các cuộc phỏng vấn, đó là: "Hãy giới thiệu về bản thân bạn".
Đây không chỉ là một trong những câu hỏi phỏng vấn thường gặp nhất mà còn là câu hỏi cơ bản nhất. Quan trọng hơn đó là câu trả lời cho câu hỏi tưởng chừng đơn giản này lại có thể quyết định việc bạn sẽ nắm được hay bỏ lỡ mất cơ hội trúng tuyển của mình.
"Hãy giới thiệu về bản thân bạn"’: Một ví dụ về câu trả lời hoàn hảo
Theo các cố vấn tại Văn phòng Chiến lược Nghề nghiệp (Office of Career Strategy) của Đại học Yale, những câu trả lời hay nhất cho câu hỏi "Hãy giới thiệu về bản thân bạn" luôn bao hàm một "câu chuyện tạo động lực" bên trong đó. (Hãy coi nó như một câu chuyện ngắn minh họa cách thức và lý do tại sao bạn lại quan tâm đến lĩnh vực công việc của mình như vậy.)
Không có quy tắc tiêu chuẩn nào về thời lượng dành cho câu trả lời của bạn, mặc dù nguyên tắc chung là giữ nó dưới hai phút. Theo nghiên cứu từ các chuyên gia nghề nghiệp của Yale, một phiên bản của một câu trả lời hoàn hảo sẽ giống như câu trả lời sau:
"Tôi tốt nghiệp Đại học Yale vào năm ngoái, chuyên ngành Khoa học Dữ liệu và Kỹ thuật Môi trường, với mối quan tâm cụ thể về thời trang và tính bền vững.
Lĩnh vực này phù hợp với mọi thứ tôi yêu thích khi còn nhỏ: Làm tình nguyện viên tại các sự kiện hướng tới những người vô gia cư, tham gia vào vườn cộng đồng, mua sắm tại các cửa hàng Thriftshop (hệ thống các cửa hàng sử dụng việc bán đồ cũ để quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện và phi lợi nhuận) và tự may quần áo.
Tôi luôn quan tâm đến tính bền vững vì tôi muốn làm việc với một công ty có sứ mệnh thúc đẩy một nền kinh tế dệt may mới - một nền kinh tế sẽ bảo vệ tương lai của hành tinh chúng ta. Khi biết được rằng ngành công nghiệp thời trang sẽ tiêu thụ một phần tư ngân sách carbon hàng năm của thế giới vào năm 2050, tôi đã quyết định tổ chức một sự kiện gây quỹ trong khuôn viên trường để giúp chống lại chất thải dệt may.
Chúng tôi đã quyên góp được hơn 10.000 đô la và quyên góp toàn bộ một xe tải quần áo cũ cho những người vô gia cư ở địa phương. Đó là một trong những thành tích đáng tự hào nhất của tôi. Trong công việc gần đây nhất của mình, tôi đã giúp phát triển một công nghệ mới có thể biến chất thải bông thành vật liệu mới có thể được sử dụng cho nhiều mục đích công nghiệp.
Tôi rất vui khi có thể ứng tuyển vào vị trí mà công ty đang tuyển dụng bởi nó sẽ cho phép tôi sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình để giáo dục mọi người về cách mà hành động của họ - như thói quen mua sắm và những thương hiệu mà họ ủng hộ - có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường của chúng ta như thế nào."
Điều gì khiến câu trả lời như này trở nên ấn tượng?
Câu trả lời ở trên bao gồm tất cả các yếu tố mà các chuyên gia nghề nghiệp của Yale đồng ý rằng nó là một câu trả lời rất hoàn hảo:
Phần mở đầu: Ngắn gọn và đủ thông tin cần thiết, không quá một câu.
Câu chuyện động lực: Kể một cách ngắn gọn câu chuyện về một thử thách (hoặc tình huống mới) bạn phải đối mặt, những lựa chọn bạn đã thực hiện và cách mà những kết quả của những lựa chọn đó ảnh hưởng đến sự quan tâm của bạn đối với lĩnh vực này.
Công việc học tập và kinh nghiệm bổ trợ: Các môn học liên quan, nghiên cứu, dự án yêu thích, thực tập hoặc công việc trước đây đã giúp bạn xây dựng kiến thức và kỹ năng hữu ích cho công việc.
Kết bài: Giải thích câu chuyện và bối cảnh của bạn khiến bạn phù hợp với công việc ra sao, hoặc điều gì đó về công ty mà bạn đặc biệt hứng thú và tại sao.
Trở nên thoải mái và chân thật
Tôi đã thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn trong vài năm qua và những ứng viên có thể thu hút sự quan tâm của tôi đều có một điểm chung: Họ là những người đem lại cho đối phương cảm giác dễ chịu.
Tôi không nói rằng bạn phải sôi nổi, quyến rũ, tốt bụng, năng nổ và hào phóng cùng một lúc. Chỉ cần cởi mở và dễ chịu. Ví dụ: nếu bạn là ứng viên đưa ra câu trả lời ở trên, hãy suy nghĩ tới việc cho người phỏng vấn xem ảnh của sự kiện gây quỹ trong điện thoại của bạn (đừng quên cất điện thoại đi ngay sau khi hoàn thành).
Thể hiện sự chân thật cũng rất quan trọng, đừng cố tình thể hiện hoàn toàn khác với con người thật của bạn.
Chẳng hạn, nếu bạn là người thích ở nhà, thích thời gian một mình, đừng cố gắng trở thành một người thích cảm giác mạnh, tràn đầy năng lượng. Các giá trị, tham vọng và thành tích mà bạn nói trong câu trả lời của mình phải có tác động mạnh mẽ và phản ánh chính con người của bạn hiện tại.
Bắt đầu tạo nên câu chuyện của bạn
Để bắt đầu, hãy xem lại sơ yếu lý lịch của mình và xác định những phần nền mà bạn muốn làm nổi bật. Các chuyên gia nghề nghiệp tại Yale cũng khuyên bạn nên sử dụng các câu hỏi dưới đây làm gợi ý để lên một cái khung cho câu trả lời của bạn:
Điều gì khiến bạn quan tâm đến lĩnh vực này?
Một số kinh nghiệm hỗ trợ đã giúp bạn phát triển thêm các kỹ năng hữu ích cho công việc này là gì?
Bạn biết gì về lĩnh vực này và bạn hy vọng sẽ học được gì từ cơ hội này?
Những hoạt động hoặc nhóm mà bạn tham gia? Bạn có được những kinh nghiệm gì những hoạt động đó?
Điều gì về công ty này bạn thấy đặc biệt thú vị?
Đừng quên luyện tập trình bày câu chuyện của bạn
Cuối cùng, ngoài cấu trúc và lên khung cho câu chuyện, điều quan trọng không kém là thực hành trình bày nó. Như các chuyên gia nghề nghiệp tại Yale đã nói, "những thứ trong suy nghĩ bạn thường không phải là những thứ thực sự được truyền đạt tại thời điểm hiện tại."
Ngoài ra, tránh viết ra từng từ và ghi nhớ nó. Các chuyên gia lưu ý: "Điều này sẽ khiến câu chuyện của bạn nghe không tự nhiên, cảm giác như bị diễn tập. Ấn tượng đầu tiên được tạo ra một cách rất nhanh chóng, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn thể hiện mình là một người tự tin, và vô cùng hiểu rõ bản thân mình".
Tác giả của bài viết là Debby Carreau, người sáng lập Inspired HR. Cô đã được công nhận là một trong 25 Chuyên gia Nhân sự Hàng đầu của Canada và là cộng tác viên thường xuyên trên nhiều chương trình truyền hình, Tạp chí Doanh nhân (Entrepreneur Magazine) cũng như nhiều ấn phẩm in và trực tuyến khác. Cô là thành viên hội đồng quản trị của Tổ chức các vị chủ tịch trẻ tuổi (Young Presidents Organization) và là thành viên trong Ban cố vấn cho FinDev Canada.