Nhận định trên của cựu phi công máy bay tấn công Brian Boeding mới đây chia sẻ với tạp chí Breaking Defence của Mỹ.
Được biết, A-10 Thunderbolt II là loại máy bay tấn công mặt đất và chi viện hỏa lực trực tiếp cự ly gần của Không quân Mỹ, chiếc phi cơ này có 2 động cơ phản lực và buồng lái 1 chỗ ngồi. Với khả năng sử dụng nhiều loại bom, rocket, tên lửa không đối đất có độ chính xác cao, A-10 Thunderbolt II được xem như cơn ác mộng của bộ binh và xe tăng các loại.
Theo đó, tạp chí này cho rằng, kế hoạch của Không quân Mỹ sẽ rút ba phi đội A-10 Thunderbolt II để thay thế bằng loại máy bay F-35 Lightning II được hiện đại hóa.
“Trong điều kiện cận chiến, máy bay A-10 Thunderbolt II sẽ có lợi thế hơn F-35 Lightning II”, tác giả nhận định.
Ông Boeding cho biết, chỉ huy lực lượng quân Mỹ khi đối mặt ở châu Âu hoặc châu Á với đối thủ được trang bị tốt và vượt trội về số lượng sẽ cần sự hỗ trợ hỏa lực mạnh mẽ từ trên không, mà máy bay F-35 Lightning II không giống như A-10 Thunderbolt II sẽ không đảm bảo được trong điều kiện chiến đấu.
“Có lẽ điều tồi tệ hơn là việc thiếu sự hiện diện của F-35 trên chiến trường vì loại máy bay này không có khả năng hỗ trợ các cuộc chiến trên không ở cự ly gần, như chúng ta đã thấy, do không có khả năng cơ động, dễ bị hỏa lực đối phương tấn công từ mặt đất và không đủ khả năng sống sót trong điều kiện cận chiến”, ông Boeding nhấn mạnh.
Trong khi đó, Breaking Defence lưu ý rằng A-10 Thunderbolt II “có lẽ gần như đã trở thành một di tích tôn giáo trong kho vũ khí của quân đội Mỹ. Rất nhiều người tin vào hiệu quả của nó và điều này sẽ không bao giờ thay đổi.
Đây đơn giản là phương tiện phòng thủ trên không tốt nhất của quân đội Hoa Kỳ. Nhưng đây là loại vũ khí cũ, và không giống như các di tích tôn giáo, một vài loại vũ khí lại trở nên mạnh mẽ hơn khi chúng bắt đầu cũ đi”.
Bên cạnh các loại vũ khí tấn công mặt đất, “Thần sấm II” còn mang được tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 Siderwinder để tự vệ trước tiêm kích đối phương. Tại Chiến tranh Vùng Vịnh, A-10 Thunderbolt II đã bắn hạ hàng nghìn xe tăng, thiết giáp và xe tải của Quân đội Iraq. Đây cũng là chiến công lớn nhất của loại máy bay cường kích này.
Trước đó, vào tháng 3/2020, tập đoàn công nghiệp quân sự lớn nhất thế giới Lockheed Martin tuyên bố đã bàn giao máy bay chiến đấu F-35 Lightning II thứ 500 cho khách hàng.
Máy bay thứ 500 là phiên bản F-35A của không quân. Trong tổng số 500 chiếc F-35 được sản xuất và chuyển giao, 354 máy bay thuộc về biến thể F-35A, 108 máy bay là phiên bản F-35B và 38 chiếc còn lại là F-35C.
Máy bay cường kích hai động cơ một chỗ ngồi A-10 Thunderbolt II được sản xuất hàng loạt bởi công ty Fairchild Republic của Mỹ trong giai đoạn 1975-1984. Tổng cộng có hơn 700 chiếc máy bay loại này đã xuất xưởng.
Chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển dựa trên phiên bản máy bay X-35 trước đó. Đây là loại chiến đấu cơ tiêm kích đa năng tàng hình hiện đại và cơ động bậc nhất thế giới. Máy bay này được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không.
F-35 có chiều dài: 15,37 m; sải cánh: 10,6 m; cao: 4,33 m; trọng lượng không tải: 12.000 kg; trọng lượng có tải: 20.100 kg; trọng lượng cất cánh lớn nhất: 27.200 kg; tốc độ lớn nhất: 1,6 Mach (1.930 km/h); bán kính chiến đấu: 1.100 km.