Chuyên gia Mỹ: Thổ đối diện thất bại chiến lược ở Idlib, nên hy vọng được rút lui, bảo toàn danh dự

Lâm Vy |

Theo ông Ritter, bằng việc đánh đồng lợi ích của mình với lợi ích của HTS, và vi phạm Thỏa thuận Sochi 2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến mình rơi vào thế không thể chống đỡ được tại Idlib.

Trong bài viết đăng trên RT, nhà phân tích Scott Ritter – cựu sĩ quan tình báo Thủy quân lục chiến Mỹ đã nhận định rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với thất bại chiến lược tại Idlib sau khi không thực hiện các cam kết của họ đối với tình hình Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phá vỡ cam kết trong thỏa thuận Sochi

Cụ thể, ông Ritter cho biết, theo thỏa thuận Sochi 2018, Thổ Nhĩ Kỳ phải giải trừ vũ khí và tách mình ra khỏi tổ chức khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS, một chi nhánh của al-Qaeda). Việc họ không tuân thủ thỏa thuận này đã gieo mầm cho sự thất bại không thể tránh khỏi của Thổ ở Syria.

Khi sử dụng sức ảnh hưởng của mình để hậu thuẫn các nhóm nổi dậy chống chính phủ Syria năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn đã tin rằng họ sẽ có thể định đoạt kết quả cuộc chiến trên bộ bằng cách kiểm soát lực lượng đối kháng chủ lực có tổ chức ở Syria – đó là Quân đội Syria Tự do (FSA).

Thành viên của FSA tương đối "đa chủng loại", từ những binh lính quân chính phủ đào ngũ cho tới những băng đảng gồm các phần tử Hồi giáo liên kết với tổ chức Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood).

Tuy nhiên, nhóm nổi dậy này trở nên khó kiểm soát, và tới năm 2012, một phần tử Hồi giáo Syria, từng chiến đấu cho al-Qaeda ở Iraq, đã trở về Syria và thành lập một tổ chức đối lập mới trung thành với al-Qaeda, gọi là Mặt trận Al Nursa.

Chuyên gia Mỹ: Thổ đối diện thất bại chiến lược ở Idlib, nên hy vọng được rút lui, bảo toàn danh dự - Ảnh 1.

Liên minh phiến quân do HTS dẫn đầu, đã giành quyền kiểm soát thành trì lớn cuối cùng của phiến quân ở Idlib sau thỏa thuận ngừng bắn đạt được với các nhóm nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Ảnh: AFP

Theo thời gian, Mặt trận Al Nusra của Abu Mohammad đã nổi lên thành tổ chức chiến đấu chống chính phủ hiệu quả nhất ở Syria, vượt mặt tổ chức FSA do Thổ kiểm soát trên chiến trường.

Tuy nhiên, Mặt trận Al Nursa lại thiếu khả năng tìm kiếm nguồn đầu tư tài chính, vũ khí và trang bị từ bên ngoài. Do đó, từ năm 2015, Mặt trận Al Nursa đã trải qua nhiều lần tái định danh, trước khi lựa chọn cái tên hiện tại – là Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - vào đầu năm 2017.

Song, nỗ lực tái định danh này không thể xóa bỏ được sự thật rằng HTS vẫn là một nhóm khủng bố trong mắt của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện nay, HTS gồm khoảng 30.000 phần tử chống chính phủ hoạt động ở tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng trong vùng lãnh thổ do quân nổi dậy kiểm soát tại Syria.

Quân chính phủ Syria (SAA), với sự hậu thuẫn của Không quân Nga và các lực lượng phiến quân ủng hộ Iran, đã tấn công vào các vị trí của cả FSA và HTS tại Idlib từ năm 2015 để khôi phục quyền kiểm soát của chính phủ Syria đối với khu vực này.

Tháng 9/2018, trong cuộc gặp thượng đỉnh tổ chức tại Sochi, các nhà lãnh đạo Nga, Thổ và Iran đã nhất trí đi đến thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib.

Theo Thỏa thuận Sochi, Nga và Syria sẽ ngừng các chiến dịch tấn công quân sự tại Idlib để đổi lại việc Thổ thiết lập các "vùng đoạn chiến", tại đây các lực lượng chống chính phủ sẽ giao nộp vũ khí hạng nặng và các phần tử thuộc những nhóm được định danh khủng bố, như HTS, sẽ bị tước vũ khí và di tản.

Để hỗ trợ việc này, Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập một loạt các "trạm quan sát" được vũ trang hạng nặng trên khắp các vùng đoạn chiến. Tuy nhiên, thay vì tước vũ khí của FSA và đuổi cổ HTS, Thổ Nhĩ Kỳ lại sử dụng các tiền đồn của họ như phương thức răn đe bất cứ động thái nối lại hành động quân sự nào của quân đội Nga-Syria.

Nói tóm lại, Thổ Nhĩ Kỳ đã không thực hiện được gần như toàn bộ các cam kết của mình theo Thỏa thuận Sochi. Trước tình hình đó, vào mùa hè năm 2019, Nga và Syria đã quyết định rằng thỏa thuận ngừng bắn không còn hiệu lực nữa, và họ đã nối lại các chiến dịch tấn công nhằm vào lực lượng HTS đang lẩn trốn bên trong và xung quanh các vùng đoạn chiến.

Ankara đối diện thất bại chiến lược ở Idlib

Chiến dịch tấn công của Nga-Syria đã tiêu diệt và đánh đuổi hàng chục nghìn phần tử HTS, giúp quân đội Syria tái chiếm được nhiều thị trấn chiến lược, cùng với nhiều tuyến đường lớn trên lãnh thổ.

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại các trạm quan sát đã không thể ngăn chặn được chiến dịch tấn công của Nga-Syria. Tới tháng 2/2020, 10 trong tổng số 12 trạm quan sát của Thổ đã bị quân đội Syria phong tỏa.

Sự bất lực của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trước chiến dịch tấn công kết hợp của Nga-Syria đã khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan bẽ mặt và giận dữ. Ông Erdogan đã ngay lập tức điều động khoảng 5.000 binh lính, cùng hàng trăm thiết bị quân sự, trong đó có xe tăng, xe chiến đấu bọc thép và các hệ thống pháo tới Idlib.

Một phần lực lượng này đã bị đánh bại dưới hỏa lực của quân đội Syria, với ít nhất 13 lính Thổ thiệt mạng. Song, Ankara tuyên bố đã đáp trả bằng cách tiêu diệt hàng loạt binh lính Syria.

Chuyên gia Mỹ: Thổ đối diện thất bại chiến lược ở Idlib, nên hy vọng được rút lui, bảo toàn danh dự - Ảnh 2.

Đặc nhiệm cùng xe bọc thép chở quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Reyhanli, quận Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/2/2020. Ảnh: Getty/Anadolu

Cái chết của những người lính Thổ càng khiến ông Erdogan giận dữ, dẫn tới việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa tấn công quân đội Nga và Syria đang hoạt động tại Idlib nếu họ không rút về các vị trí đã phân định theo Thỏa thuận Sochi.

Phản ứng trước lời đe dọa của ông Erdogan, quân đội Nga-Syria vẫn tiếp tục chiến dịch tấn công và đã giành thêm được nhiều thị trấn, cũng như vùng lãnh thổ về dưới quyền kiểm soát của chính phủ Syria.

Do không làm đúng bổn phận của mình đã được đề cập trong Thỏa thuận Sochi – tước vũ khí và giải tán các đơn vị HTS đang hoạt động trong tỉnh Idlib – Thổ Nhĩ Kỳ đã tự mình mở cánh cửa cho hành động quân sự hiện nay của Nga-Syria.

Bằng cách triển khai hàng nghìn lính Thổ vào Idlib, ông Erdogan hy vọng rằng cả Nga và Syria sẽ không tìm cách làm theo thang cuộc chiến ở Idlib để phải rơi vào cuộc đối đầu vũ trang với thành viên NATO.

Khi phái đoàn quân sự Nga, được cử tới thủ đô Ankara trong tuần trước, không thể thuyết phục những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ lùi bước, ông Erdogan đã tiếp tục triển khai thêm nhiều binh lính và trang bị tới Idlib, đồng thời đe dọa sẽ dùng vũ lực khiến quân đội Syria phải rút khỏi Idlib vào cuối tháng này nếu họ không dừng ngay các cuộc tấn công.

SAA đáp trả bằng cách bao vây thêm nhiều trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ, tái chiếm toàn bộ Aleppo từ tay HTS và FSA, đồng thời tiến sâu vào lãnh thổ do HTS kiểm soát. Người Thổ giờ đây đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan.

Trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm tách mình khỏi HTS, phía Thổ đã ra lệnh cho toàn bộ lực lượng FSA, vốn trước đó được điều động tới củng cố vùng lãnh thổ do HTS chiếm đóng, quay trở lại vùng lãnh thổ do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát nhằm cô lập tổ chức khủng bố này trên chiến trường.

Điều này dẫn tới việc HTS sau đó bị tiêu diệt hoặc buộc phải rút sâu hơn vào những khu vực còn lại trong thành trì của chúng ở Idlib.

Đối với những binh lính Thổ vẫn đang được triển khai bên trong Idlib, tình thế ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.

Quân số và đội hình của họ hiện nay không cho phép phía Thổ có bất cứ cơ hội nào để phòng thủ Idlib, ngay cả nếu nhận được quyết định tấn công Không quân Nga và quân đội Syria.

Ông Ritter nhận định, điều tốt đẹp nhất mà phía Thổ có thể mong chờ trong tình hình hiện nay là một thỏa thuận ngừng bắn mới cho phép lực lượng quân sự của họ tại Idlib rút lui an toàn với danh dự được bảo toàn.

Trong bất kỳ trường hợp nào, bằng việc đánh đồng lợi ích của mình với lợi ích của HTS, và vi phạm Thỏa thuận Sochi 2018, Thổ Nhĩ Kỳ đều khiến mình rơi vào thế không thể chống đỡ được, trên cả phương diện quân sự và chính trị, tại Idlib.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Scott Ritter.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại