Sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lần thứ hai trong một tháng, các nhà phân tích cho rằng Washington đang không có phương án rõ ràng nào để giải quyết một cách hòa bình vấn đề Triều Tiên. Sự bế tắc của Washington có thể làm tăng nguy cơ cho việc xuất hiện hành động quân sự mạo hiểm.
Những phát biểu gần đây của các quan chức Mỹ cho thấy sự thất vọng về các sáng kiến ngoại giao, từ đó có thể thấy khuynh hướng cho các quyết định hành động quân sự ngày càng gia tăng.
Trong một tuyên bố của mình, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho biết "thời gian để thương lượng [với Triều Tiên] đã kết thúc".
Bà Haley cho rằng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lần này sẽ không tổ chức một phiên họp khẩn cấp nào sau khi Triều Tiên thử tên lửa đây là một điều khác biệt so với những lần trước. Đầu tháng 7, bà Haley cảnh báo rằng phương án quân sự vẫn còn trên bàn.
Tướng Terrence J. O'Shaughnessy thì ra tuyên bố một ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa rằng Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã sẵn sàng phản ứng một cách "nhanh chóng, chết người và áp đảo".
Tuy có giới chức phát ngôn mạnh mẽ nhưng Washington đang bị đánh giá là lâm vào thế bế tắc trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Bruce Bennett, chuyên gia phân tích quốc phòng cao cấp tại tổ chức Rand, nói: "Tôi không chắc chắc Mỹ đang đi hướng nào trong việc làm giảm căng thẳng. Nếu Mỹ không đàm phán, mà đây dường như là những gì mà chính quyền của ông Trump đang nói, thì Mỹ sẽ phải có hành động - như phóng tên lửa, đánh bom bằng máy bay, vân vân - và điều đó sẽ thực sự làm căng thẳng gia tăng".
Nhà Trắng từ lâu đã thể hiện sự thất vọng với những biện pháp truyền thống (thương lượng đa phương, trừng phạt) trong việc ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng và đã từng nói về sự cần thiết của những biện pháp mạnh mẽ hơn.
Đầu năm nay, Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson còn phát biểu công khai rằng hai thập kỷ Mỹ cố gắng phi hạt nhân hóa Triều Tiên đã thất bại.
"Tôi không tin rằng sẽ có một giải pháp ngoại giao nào có thể khiến Triều Tiên từ bỏ những vũ khí của họ", Giáo sư khoa học chính trị Phillip Lipscy của Đại học Stanford cho biết.
Chiến lược gia David Roche, Chủ tịch của tổ chức Independent Strategy nhận định giải pháp quân sự hiện là một kịch bản chủ yếu để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Thậm chí, ông Roche cho biết ông tin rằng phương Tây có thể sẽ tấn công quân sự Triều Tiên trong vòng 6 tháng tới.
Tuy nhiên, những biện pháp mạnh đó lại gây ra những hậu quả lâu dài đáng lo ngại.
"Bất cứ cuộc tấn công với hình thức như thế nào cũng sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh lớn", chuyên gia Bennett cảnh báo.
"Phương án hành động quân sự sẽ rất nguy hiểm và tốn kém", giáo sư Lipscy cho biết, "Nếu Mỹ thực sự có hành động quận sự, rõ ràng đó sẽ là một thảm họa với con số thương vong có thể là hàng triệu người".
"Tôi không thực sự cho rằng ở đây có phương án nào tốt mà Mỹ có thể chọn. Mỹ không có giải pháp đáng tin cậy nào để phòng ngự trước những điều mà Triều Tiên có thể làm nếu họ trả đũa những hành động quân sự của Mỹ", Giáo sư Lipscy khẳng định.
Theo Lipscy, cuối cùng, có vẻ bất cứ hành động nào của Washington trong tình huống này cũng sẽ gây ra thêm căng thẳng.
Chuyên gia Bennett đưa ra ý kiến, thay vì sử dụng vũ lực, Washington có thể hành động với những điểm yếu của Bình Nhưỡng.
"Triều Tiên luôn nhạy cảm với việc Mỹ cố gắng can thiệp vào chính trị nội bộ của họ. Ông Kim Jong Un luôn lo lắng về vấn đề nội bộ, vì vậy, Mỹ có thể làm gì đó khiến ông ta lo lắng hơn, đến nỗi ông ấy bị thuyết phục rằng cần phải đáp ứng những mối quan tâm của Washington", Bennett gợi ý.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn của CNBC, các chuyên gia trên đều không đưa ra được "những việc Mỹ có thể làm" để khiến ông Kim Jong Un lo lắng là việc gì.