Chuyên gia Mỹ lý giải vì sao Triều Tiên muốn có vũ khí hạt nhân bằng mọi giá

Tất Đạt |

Triều Tiên cho rằng nước này có thể sẽ bị tàn phá, như Iraq trước kia, nếu không có bom hạt nhân hay sự bảo vệ từ Trung Quốc.

* Bài viết của tác giả B. Z. Khasru (cây viết của The Capital Express tại New York), tác giả 2 cuốn sách "Myths and Facts Bangladesh Liberation War" và "The Bangladesh Military Coup and the CIA Link" lý giải vì sao Triều Tiên khăng khăng muốn có vũ khí hạt nhân bằng mọi giá.

Bom hạt nhân được một số nước nhỏ xem là tấm bùa hộ mệnh trước các cường quốc có nền kinh tế và đội quân hùng mạnh. Điều này đặc biệt đúng với Triều Tiên, khi họ tham khảo lịch sử phát triển vũ khí hạt nhân của thế giới.

Trong 20 năm qua, có vẻ như vũ khí hạt nhân đã góp phần chặn được ít nhất 3 cuộc chiến lớn tiềm năng: chiến tranh Ấn Độ - Pakistan, Nga – Nato, và Mỹ – Triều Tiên (với ít nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc).

Bên trong nhà máy hạt nhân của Iran hồi năm 2006. Nguồn: CNN

"Sức nặng" của vũ khí hạt nhân

Pakistan cho rằng năng lực hạt nhân chính là thứ giúp nước này không bị thất thế trước sức mạnh và tiềm lực đáng gờm của Ấn Độ, tránh được cuộc chiến toàn diện với các nước láng giềng.

Nhưng Pakistan không phải là quốc gia duy nhất sử dụng hạt nhân như quân "át chủ bài". Nước Nga đã từng dọa tấn công Ukraine để cản bước NATO xâm chiếm sân sau của Moksva.

Nếu không phải vì sợ sức mạnh hạt nhân, liên minh quân sự của châu Âu do Mỹ dẫn đầu đã ép Nga rời khỏi Crimea. Tổng thống Vladimir Putin cũng từng nói rằng sức mạnh hạt nhân Nga đã cản bước tiến sai lầm của NATO.

Triều Tiên là ví dụ mới đây nhất cho việc sở hữu hạt nhân. Triều Tiên cho rằng nước này có thể sẽ bị tàn phá, như Iraq trước kia, nếu không có bom hạt nhân hay sự bảo vệ từ Trung Quốc.

Chuyên gia Mỹ lý giải vì sao Triều Tiên muốn có vũ khí hạt nhân bằng mọi giá - Ảnh 2.

Triều Tiên biết rằng nước này có thể sẽ bị tàn phá, như nước Iraq trước kia, nếu không có bom hạt nhân hay sự bảo vệ từ Trung Quốc. Ảnh: AP

Tuy nhiên, dù phản đối quyết liệt cuộc chiến bán đảo lần thứ hai, Trung Quốc ít có khả năng sẽ tham gia nếu Mỹ quyết định tấn công toàn diện Triều Tiên.

Lãnh đạo Triều Tiên cho rằng, khi Bình Nhưỡng có kho vũ khí hạt nhân trong tay, Mỹ sẽ có ít khả năng tấn công hơn. Vì mục đích tự vệ, Triều Tiên sẽ không ra đòn trước.

Trong khi ấy, Tổng thống Trump sẽ tìm cách kiểm soát rủi ro hơn là giải quyết tận gốc vấn đề bằng cách đem quân đánh Triều Tiên. Cả ông Trump và ông Kim đều đã to tiếng với nhau, nhưng chưa bên nào nhấn nút hạt nhân của nước mình.

Giải pháp hòa bình khả thi

Sau một năm gia tăng căng thẳng, các bên bắt đầu đi tới một giải pháp hòa bình. Bốn nước liên quan trực tiếp trên bàn đàm phán gồm: Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Cụ thể, Mỹ muốn Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân, Triều Tiên muốn trở thành một cường quốc hạt nhân và cai quản Hàn Quốc, Hàn Quốc lại muốn giữ nguyên tình trạng chính quyền trong khi Trung Quốc mong đợi một bán đảo thống nhất dưới quyền điều hành của ông Kim.

Các nước này có thể đi tới thỏa thuận chung nếu làm theo bài học thống nhất của nước Đức.

Đầu tiên, Mỹ phải thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, như đã từng với Đông Đức. Dù muốn hay không, chuyện phi hạt nhân hóa Triều Tiên là chuyện không thể. Vũ khí hạt nhân của ông Kim không còn là chuyện để đem ra đàn phán nữa mà là yếu tố sống còn cho hình ảnh và an ninh quốc gia.

Bị bủa vây bởi cấm vận, ông Kim cho rằng phát triển vũ khí hạt nhân là hình thức rẻ và triển vọng hơn so với chạy đua vũ trang thông thường.

Chuyên gia Mỹ lý giải vì sao Triều Tiên muốn có vũ khí hạt nhân bằng mọi giá - Ảnh 3.

Đại diện Hàn Quốc, ông Cho Myung-Gyun (trái), cùng đại diện Triều Tiên Ri Son Gwon trong cuộc đối thoại tại làng đình chiến Panmunjom. Ảnh: SPUTNIK

Hơn thế nữa, nếu Mỹ khăng khăng đòi Triều Tiên phải giải trừ hạt nhân, ông Kim có thể hỏi ngược lại tại sao Washington không làm điều tương tự với Israel.

Cuối cùng thì, câu hỏi khó trả lời nhất là liệu Trung Quốc có muốn sống cùng "người hàng xóm" hạt nhân hay không. Ít có khả năng Bình Nhưỡng sẽ rời bỏ Bắc Kinh để thoải mái hơn trong việc đưa ra các chính sách.

Nhưng suy cho cùng, Trung Quốc sẽ mạnh tay nếu ông Kim đe dọa tấn công tên lửa vào các thành phố của Mỹ. Hiện tại, ông Kim Jong un hẳn phải coi kho hạt nhân là tấm lá chắn an toàn nhất trước "lửa và thịnh nộ" của ông Trump.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại