Dự án đường hầm Yinjiangbuhan sẽ mất 10 năm để hoàn thành - Ảnh: AFP
Theo chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini, Mỹ đang đối mặt với một cuộc suy thoái sâu do lãi suất tăng và gánh nặng nợ nần ngày càng lớn. Ông gọi những người kỳ vọng Mỹ sẽ chỉ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ trong thời gian ngắn là "ảo tưởng".
"Có rất nhiều lý do khiến kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nghiêm trọng, thậm chí phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ và khủng hoảng tài chính", Chủ tịch kiêm CEO của quỹ Roubini Macro Associates phát biểu trên Bloomberg TV.
Trong số những lý do mà Roubini đưa ra, ông đặc biệt nhấn mạnh tỷ lệ nợ quá cao. Đây cũng là điểm khác biệt so với những năm 1970. Khi đó mặc dù kinh tế Mỹ khá giống với hiện nay, tức vừa tăng trưởng chậm vừa phải đối mặt với lạm phát cao, nhưng tỷ lệ nợ vẫn ở mức thấp. Kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008, nợ của Mỹ đã tăng rất nhanh.
"Lần này, chúng ta có các cú sốc nguồn cung và áp lực trì lạm trong khi tỷ lệ nợ ở mức cao kỷ lục. Trong 2 cuộc suy thoái gần nhất, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều nới lỏng. Lần này, chúng ta bước vào suy thoái đúng lúc thắt chặt chính sách tiền tệ, và trên mặt trận tài khóa không còn chút dư địa nào", ông nói.
Thời gian gần đây, nỗi lo lãi suất tăng sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái đang ngày càng lớn hơn trong bối cảnh Fed mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để hạ nhiệt mức lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ. Tuy nhiên Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định không thể bình ổn giá cả sẽ là sai lầm lớn hơn so với việc đẩy nền kinh tế vào suy thoái – thứ mà ông tự tin rằng Mỹ sẽ tránh được.
Tuần này ông Powell và các đồng nghiệp được dự báo sẽ một lần nữa tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Tháng 6 Fed đã có cú tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994.
"Lần này chúng ta phải đối mặt với 2 thứ tồi tệ: trì lạm và khủng hoảng nợ trầm trọng. Vì thế những ngày sắp tới sẽ tồi tệ hơn cả những năm 1970", Roubini nhận định.
Là giáo sư đang giảng dạy tại ĐH New York, Nouriel Roubini trở nên nổi tiếng sau khi dự báo chính xác cuộc khủng hoảng 2008. Ông được mệnh danh là "Ngài bi quan" (Dr Doom) vì thường xuyên đưa ra những dự báo bi quan về thị trường tài chính cũng như kinh tế thế giới.
Tham khảo Bloomberg