Ảnh: REUTERS/Hannibal Hanschke
"Nỗi sợ hãi lớn nhất"
Các quan chức Mỹ cho biết, chính quyền ông Biden đang nỗ lực hết sức để các đồng minh châu Âu tăng cường đoàn kết giữa bối cảnh Moscow tiếp tục cắt giảm nguồn cung cấp năng lượng cho Liên minh châu Âu, khiến cả hai bên bờ Đại Tây Dương lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng khi mùa đông sắp tới - các quan chức Mỹ cho biết.
Hôm 26/7, công ty khí đốt nhà nước Gazprom của Nga cho biết họ sẽ cắt giảm một nửa dòng chảy qua đường ống Nord Stream 1 đến Đức, xuống chỉ còn 20% công suất. Một quan chức Mỹ cho biết động thái này là để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây, và việc này cũng đặt phương Tây vào "vùng mù mờ" khi chưa ai biết liệu châu Âu có đủ khí đốt để vượt qua mùa đông năm nay hay không.
Để đối phó với tình hình, Nhà Trắng đã cử điều phối viên tổng thống về năng lượng toàn cầu Amos Hochstein đến châu Âu vào ngày 27/7, các quan chức cho biết. Ông Hochstein sẽ tới Paris và Brussels để thảo luận về kế hoạch dự phòng với lực lượng chuyên gia về năng lượng của Mỹ-EU.
Ảnh: AP Photo/Markus Schreiber
"Đây là nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng tôi", quan chức Mỹ nói. Quan chức này cho biết tác động đối với châu Âu có thể tạo thành "hiệu ứng boomerang" quay ngược trở lại Mỹ, làm tăng giá khí đốt tự nhiên và giá điện. Đây cũng sẽ là một bài kiểm tra về khả năng phục hồi và sự đồng lòng của châu Âu trước Nga, khi Điện Kremlin không có dấu hiệu kết thúc chiến dịch đặc biệt.
Mỹ và Uỷ ban Liên minh Châu Âu đã kêu gọi các thành viên EU tiết kiệm khí đốt và dự trữ cho mùa đông. Hôm 26/7, các bộ trưởng năng lượng đã đồng ý về nguyên tắc cắt giảm sử dụng khí đốt 15% từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau.
Sẽ có thêm các cuộc thảo luận trong những ngày tới về việc tăng sản lượng điện hạt nhân trên khắp châu Âu để bù đắp tình trạng thiếu khí đốt, các quan chức cho biết. Một quan chức nói Đức đang có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào cuối năm 2022, nhưng các quan chức Mỹ đang hy vọng sẽ thuyết phục được Berlin kéo dài tuổi thọ của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.
Các quan chức Mỹ, những người có mối quan hệ chặt chẽ với các quan chức Đức và Pháp về vấn đề này, cực kỳ lo ngại rằng châu Âu có thể đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng khi bước vào mùa đông. Đó là bởi vì các nước EU sẽ phải vật lộn để lấp đầy nguồn dự trữ trong vài tháng tới trong khi Nord Stream 1 chỉ cung cấp một phần nhỏ công suất của nó.
Ảnh: AP Photo/Markus Schreiber
Đức đã loại bỏ kế hoạch sử dụng đường ống Nord Stream 2 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự hồi tháng 2. Mỹ cũng đã phản đối đường ống này, cảnh báo rằng nó sẽ chỉ làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga.
Nhưng Đức lập luận rằng đường ống này là một dự án thương mại thuần túy và nó có thể đóng vai trò như một bước chuyển tiếp về năng lượng giúp loại bỏ dần điện hạt nhân và than đá. Cuối cùng, Mỹ đã ban hành các miễn trừ cho phép dự án đường ống được tiến hành mà không làm tê liệt các lệnh trừng phạt.
Hiện tại, các quan chức cho biết việc cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt của châu Âu, cùng với sự gia tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng toàn cầu sang châu Âu, bao gồm cả từ Mỹ, khó có thể đủ bù đắp sự thiếu hụt.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ gọi những động thái mới nhất của Nga là "sử dụng khí đốt tự nhiên như một vũ khí chính trị và kinh tế".
"Hành động giới hạn năng lượng của Nga đã gây áp lực lên thị trường năng lượng, tăng giá cho người tiêu dùng và đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu. Những hành động này càng làm rõ hơn tầm quan trọng của việc mà Mỹ và Ủy ban châu Âu đang làm để chấm dứt sự phụ thuộc của chúng ta vào năng lượng của Nga", người phát ngôn cho biết.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác châu Âu để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và hỗ trợ các nỗ lực của họ để chuẩn bị cho những động thái gây bất ổn thị trường năng lượng từ Nga."
Câu trả lời từ Nga
Khí đốt tự nhiên được sử dụng để duy trì hoạt động của ngành công nghiệp, tạo ra điện và sưởi ấm cho các căn hộ vào mùa đông. Theo Reuters, giá năng lượng đã tăng vọt trong nhiều tháng qua - tiếp tục tăng trở lại sau thông báo của Gazprom - qua đó làm trầm trọng hơn vấn đề lạm phát, siết chặt sức chi tiêu của người dân châu Âu.
Điện Kremlin hôm 26/7 cho biết một tuabin khí cho Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt lớn nhất của Nga tới châu Âu, vẫn chưa đến nơi sau khi bảo trì ở Canada còn tuabin thứ 2 thì đang có trục trặc.
Liên minh châu Âu đã nhiều lần cáo buộc Nga sử dụng năng lượng để "tống tiền" nhưng Điện Kremlin cho biết nguồn cung thiếu hụt là do các vấn đề bảo trì và tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ảnh: AP Photo/Markus Schreiber
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng các lệnh trừng phạt chống lại Nga đã làm phức tạp hoạt động của Nord Stream 1, vốn đang giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu xuống chỉ còn 20% công suất trong khi bảo trì.
"Đúng vậy, thực sự là có một số vấn đề với các tuabin. Tuabin vẫn chưa đến sau một đợt bảo dưỡng phức tạp, nó đang trên đường đi. Chúng tôi hy vọng rằng tua bin sẽ sớm tới nơi... sớm thì tốt hơn là muộn", ông Peskov nói.
Ông Peskov cho biết thêm: "Tình hình đang rất phức tạp do các hạn chế và lệnh trừng phạt đã được áp dụng đối với đất nước chúng tôi," ông Peskov nói và cho biết thêm rằng Nord Stream 1 sẽ hoạt động bình thường nếu không có các lệnh trừng phạt.
Ông Peskov nói thêm rằng tuabin thứ 2 cũng gặp một số trục trặc.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, phát biểu trong chuyến thăm Uganda, cũng cho biết hôm 26/7 rằng Gazprom sẽ phải tắt tuabin tại trạm nén Portovaya của Nord Stream 1 vì lý do an ninh.
"Cái lạnh sắp đến"
Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng các khách hàng châu Âu sẽ phải đối mặt với việc tăng giá nghiêm trọng nếu Liên minh châu Âu tiến hành các kế hoạch giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng khổng lồ của Nga.
Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Ả Rập Xê-út và là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và 30% dầu từ Nga, các quan chức Nga nhấn mạnh.
"Cái lạnh sắp đến rồi", cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết trên Telegram.
Ông Medvedev, người từng là chủ tịch hội đồng quản trị của Gazprom, cho biết: "Không ai có thể cản mùa đông. Việc dùng các nguồn cung cấp khí đốt, dầu và than thay thế sẽ đắt đỏ hơn hoặc đơn giản là không thực tế".
Ngoại trưởng Lavrov nói rằng Moscow vẫn chưa nhận được lời giải thích xác đáng về tình trạng của tuabin do Siemens Energy ở Canada bảo dưỡng.
Ông Lavrov cho biết: "Không ai có thể giải thích rõ ràng cho chúng tôi về tình trạng hiện tại của các bộ phận, trước mắt là tuabin này và sau đó là các tuabin khác phải bảo dưỡng định kỳ ở Canada".
Trong khi đó, các công ty Đức cho biết họ không thấy mối liên hệ nào giữa vấn đề tuabin và việc cắt giảm khí đốt do Gazprom thực hiện hoặc công bố.