Gạo là "mỏ neo" ở thời điểm hiện tại
Theo tờ Wall Street Journal, sau những vụ mùa bội thu liên tiếp, gạo đã nổi lên như một mặt hàng lương thực hiếm hoi mà giá của năm nay lại rẻ hơn so với năm ngoái. Đó là thông tin tuyệt vời đối với hàng tỷ người sống trên khắp châu Á, nơi gạo là lương thực phổ biến, từ Ấn Độ đến Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản.
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, các khu vực bao gồm Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á sản xuất và tiêu thụ hơn 80% lượng gạo trên thế giới.
Ngược lại, nguồn cung lúa mì, ngô và dầu thực vật đã bị gián đoạn do chiến sự ở Ukraine – quốc gia xuất khẩu chính những mặt hàng cơ bản này. Các nhóm dân cư có chế độ ăn uống dựa vào lúa mì, chẳng hạn như ở Ai Cập và Lebanon, đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Đồng thời, giá khí đốt, thức ăn gia súc và phân bón cao hơn đã làm cho các sản phẩm như đậu nành và thịt gà trở nên đắt đỏ, góp phần làm gia tăng nạn đói trên thế giới.
Josef Schmidhuber - Phó giám đốc Bộ phận Thương mại và Thị trường của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết: "Gạo chính là mỏ neo ở thời điểm hiện tại. Nó cung cấp sự ổn định cho an ninh lương thực toàn cầu."
Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), lạm phát ở châu Á trong tháng 5 chỉ ở mức hơn 4%, bằng 1/2 tỷ lệ ở Mỹ và khu vực đồng Euro, bằng 1/4 tỷ lệ ở châu Mỹ Latinh và châu Phi cận Sahara. ADB cho rằng, lạm phát tương đối thấp một phần là do giá gạo ổn định.
Theo Ngân hàng Thế giới, tính đến giữa tháng 6, giá ngô và lúa mì toàn cầu lần lượt cao hơn 27% và 37% so với tháng 1. Trong khi đó, giá gạo thấp hơn khoảng 17%.
Lý do chính khiến gạo vẫn ở mức phải chăng là sự dư thừa nguồn cung. Dữ liệu của FAO cho thấy, sản lượng thu hoạch cao ở những nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan...đã khiến sản lượng gạo toàn cầu đạt mức kỷ lục vào năm ngoái, ở mức 521 triệu tấn. Vụ mùa năm nay dự kiến đạt gần 520 triệu tấn.
Sản lượng gạo toàn cầu đạt mức kỷ lục vào năm 2021, ở mức 521 triệu tấn. Ảnh: WSJ
Bên cạnh đó, Ukraine không phải là nước xuất khẩu gạo đáng kể, vì vậy nguồn cung cấp gạo không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến sự.
Trong khi giá phân bón và nhiên liệu cao vẫn là một thách thức đối với nông dân, nhiều chính phủ tại châu Á đã cung cấp các khoản trợ cấp lớn cho người trồng lúa, giúp đảm bảo sản xuất ổn định.
Theo FAO, Iran và Iraq đã tăng tốc mua gạo từ nước ngoài. Tổ chức này cho biết, các nước châu Phi sẽ tăng lượng nhập khẩu gạo thêm 10% trong năm nay, lên mức cao nhất mọi thời đại là 19,4 triệu tấn.
Chỉ mỗi gạo không thể giải quyết nạn đói toàn cầu
Tuy nhiên, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, chỉ mỗi gạo không thể giải quyết nạn đói toàn cầu. Một số giống lúa dựa vào thâm canh vẫn đắt hơn lúa mì, khiến nhiều người nghèo trên thế giới ít tiếp cận được với loại ngũ cốc này.
Một thách thức khác là thuế nhập khẩu cao mà một số quốc gia áp dụng đối với các loại ngũ cốc, bao gồm cả gạo, để hỗ trợ sản xuất trong nước.
Có một yếu tố nữa hạn chế tiêu thụ gạo trên toàn cầu: Ngay cả khi giá cả tăng cao, rất nhiều người vẫn gắn bó với những loại ngũ cốc mà họ quen ăn, Shirley Mustafa - một nhà kinh tế về gạo của FAO cho biết.
Nhưng đó không phải là vấn đề ở châu Á. Ấn Độ - nhà sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc - đã bổ sung gạo vào chương trình trợ cấp ngũ cốc, thay cho lúa mì đắt đỏ. Các trường hợp ngoại lệ là các bang ở miền bắc Ấn Độ, nơi lúa mì là lương thực chính.
"Họ sẽ tiếp tục lấy lúa mì", Sudhanshu Pandey - Thư ký Bộ Thực phẩm và Phân phối Công cộng của Ấn Độ - cho biết vào tháng trước.
Vào tháng 5, Ấn Độ đã cùng với nhiều quốc gia khác đã hạn chế xuất khẩu lúa mì để tăng nguồn cung trong nước, trong khi gạo tiếp tục được xuất khẩu tự do do dư thừa lớn.
Thu hoạch lúa mì ở Bangladesh. Ảnh: World Bank
Tuy nhiên, giá gạo thấp có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dài hạn. Một cuộc khảo sát gần đây của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho thấy, nhiều nông dân trồng lúa đang có kế hoạch chuyển sang trồng lúa mì và đậu nành.
Trên đảo Java của Indonesia, Nur Hadi – một nông dân - nói rằng, do lợi nhuận từ gạo thấp, một số nông dân đang chuyển sang trồng đậu phộng và cà chua.
Ông Hadi nói: "Giá phân bón đang tăng, nhưng giá gạo sẽ không tăng, mà nó đang thực sự đi xuống."