Giảm đóng BHXH cần tính toán thận trọng, tránh phản tác dụng
Ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, vì lợi ích trước mắt và lâu dài của người lao động, việc sửa đổi thời gian đóng BHXH là hợp lý. Lao động cao tuổi sẽ là người được hưởng lợi từ việc này, tuy nhiên bên cạnh những cái được, đề xuất này cũng đang nhận sự băn khoăn.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXh) thừa nhận, vấn đề giảm thời gian đóng BHXH không phải mới được đề xuất lần đầu. Trước đây trong nhiều lần soạn thảo Luật Lao động, Luật BHXH cũng đã đề xuất rút bớt thời gian đóng, nhưng đề xuất không được tán thành.
Điều này cũng phản ánh thực tế là bộ phận lớn người lao động chưa thấy được sự cần thiết phải tham gia BHXH. Vấn đề công nhân, lao động chưa mặn mà với việc đóng BHXH là có thực, vì thế nhiều người tham gia một thời gian thì rút khỏi hệ thống BHXH hưởng BHXH 1 lần.
Giảm thời gian đóng BHXH có thể sẽ khiến cho một bộ phận lao động đối mặt với việc nhận mức lương hưu thấp khi về hưu. Ảnh: Nguyệt Tạ (Chụp tại Bưu điện huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa)
Theo bà Hương, giảm số năm đóng có những tác dụng tốt song cũng nên cân nhắc thận trọng, vì hiện nay tuổi thọ của chúng ra đang dần cao lên, tuổi nghỉ hưu tăng và thời gian làm việc kéo dài hơn.
"Trước thực tế này mà lại giảm thời gian đóng thì phải cân nhắc. Một hệ thống BHXH linh hoạt hơn là cần thiết, còn thời gian đóng cần cẩn thận tính toán, vì khi đã hạ xuống thì muốn nâng lên rất khó trong khi xu thế bây giờ là thời gian làm việc dài hơn. Tôi nghĩ 20 năm đóng cũng không phải là quá dài, lao động hoàn toàn có thể thực hiện được", bà Lan Hương nói.
Bà Hương tư vấn nên giữ nguyên thời gian đóng, nhưng tăng quyền lợi để thuyết phục lao động tham gia nhiều hơn. "Rút ngắn số năm đóng có thể nhìn thấy lợi ngay trước mắt nhưng về lâu dài sẽ không bảo đảm chính sách hưu trí", bà Hương nói.
Một trong những điều trọng nhất của chính sách hưu trí là bảo đảm được mức sống tương đối cho người già khi về hưu, không còn khả năng lao động. Nếu thời gian đóng thấp quá kéo theo mức hưởng thấp thì thực tế mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của người về hưu sẽ không đạt được.
Bà Hương lo ngại, nếu điều đó xảy ra, 20-30 năm nữa chúng ta sẽ lại đau đầu nghĩ cách tăng lương hưu cho bộ phận có lương hưu thấp như hiện nay.
Không đồng tình giảm thời gian đóng BHXH vì nhiều lý do
Về phía bà Trần Thị Thúy Nga - Nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) thì cho rằng, việc thực hiện BHXH đa tầng, linh hoạt là đúng nhưng mọi sự cải cách cần phải được thực hiện thận trọng, có lộ trình.
Cá nhân bà Nga không đồng tình với việc rút bớt thời gian đóng BHXH để lao động hưởng lương hưu. Vì điều này có thể dẫn tới 2 khả năng đều không có lợi cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH.
Giảm đóng BHXH có thể sẽ phản tác dụng khi một bộ phận lao động có tâm lý dừng đóng BHXH ngay từ khi gia nhập thị trường lao động, chờ đợi khi gần đủ tuổi mới đóng BHXH để về hưu nhận lương hưu. Ảnh: N.T (Chụp tại Trung tâm dịch vụ Việc làm Hà Nội)
Khả năng thứ nhất lao động sẽ không hào hứng đóng BHXH ngay từ khi gia nhập thị trường lao động, vì đóng ngắn vẫn được hưởng lương hưu thì cần gì phải đóng luôn từ khi gia nhập thị trường lao động.
Lao động đang đóng BHXH có thể tạm dừng, chờ cho tới khi gần đủ tuổi về hưu thì mới đóng đủ 10 năm BHXH để nhận lương hưu.
Khả năng thứ hai là nếu đề xuất được thông qua, lao động đóng BHXH ngắn, lương hưu thấp, khiến lao động chán nản và không còn hào hứng khi tham gia BHXH.
Bà Nga cũng cho rằng, ý kiến chỉ cần tăng mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH hay đóng BHXH dựa trên tổng thu nhập trong khoảng 10 năm thì lao động cũng có thể yên tâm về mức lương hưu là không khả thi.
Lí do là bởi hiện nay chúng ta không quản lý được các khoản phụ cấp, các khoản thu nhập bổ sung ngoài lương của lao động.