Dù đã 3 tháng trôi qua nhưng câu chuyện vợ chồng nhặt ve chai ở miền Tây trả lại tiền tỷ cho người phụ nữ đánh rơi vẫn được người dân rôm rả bàn tán. Người thì bất ngờ với hành động đẹp của cặp vợ chồng nghèo, người thì xem đó như nguồn cảm hứng bất tận về nghĩa cử sống cao đẹp, chẳng khác gì cổ tích giữa đời thường.
"Mình nghèo thật nhưng hổng có tham"
Căn nhà tôn cũ kỹ nằm lọt thỏm giữa trung tâm TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp hiện là nơi cư ngụ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Long (55 tuổi) và đứa cháu ngoại 6 tuổi.
Loay hoay nhóm bếp củi nấu nước, bà Đoàn Thị Tám Em nhìn về phía ngoài bờ sông, nơi ông Long đang chài lưới để kiếm dăm con cá về kho lạt, ăn kèm với mớ rau trồng trước nhà.
Căn nhà nhỏ tại phường 1, TP. Cao Lãnh hiện là nơi sinh sống của gia đình ông Long
Khoảng 3 tháng trước, cũng trong một lần đi rải mồi cá ven sông Đình Trung về nhà, ông Long nhặt được một túi xách màu nâu của người phụ nữ đánh rơi. Dù biết bên trong có số tiền lớn nhưng ông Long nhất định không mở túi xách ra xem, khư khư giữ túi để đợi người đánh rơi đến xin lại.
"Hôm đó, ổng đi chài cá về cầm theo cái túi xách, ổng kêu lượm được rồi treo ở cái cổng này nè, xong ngồi đó canh luôn. Ổng bảo lát nữa không có ai đến nhận thì đem lên phường, chừng một tiếng sau thì có người đến xin lại, người ta mừng dữ lắm", bà Tám Em nhớ lại.
Nụ cười hiền hậu của ông Long khi nhắc lại chuyện lượm tiền tỷ hôm trước Tết
Tiếp lời, ông Long cho biết lúc nhặt được cái túi xách của người phụ nữ đánh rơi, dù ông cố chạy theo gọi nhưng người này chạy nhanh quá, không hay biết gì. Đến khi người em trai đi tìm, thấy cái túi ông treo trước nhà có ý xin lại, ông bèn bảo phải gọi người phụ nữ chạy xe lúc nãy, nói đúng số tiền trong túi mới cho nhận dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương.
"Lúc cô ấy đến rồi điện thoại cho bà trưởng công an phường, kiểm tra tiền thì trong túi toàn giấy 500 ngàn không à, nghe đâu hơn cả tỷ lận. Tui nhặt về chứ hông dám mở ra, cũng nghĩ bụng có đồ giá trị trong đó, nhưng nó có phải của mình đâu, của người ta mà, quan tâm làm gì", ông Long vui vẻ nói.
Đến hôm UBND phường 1, rồi TP. Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp mời lên tặng giấy khen, nhiều người hỏi vợ chồng ông Long về việc nghĩa đã làm, 2 vợ chồng cười hiền khô. Bởi trong suy nghĩ của 2 vợ chồng, cái việc nghĩa này đâu có gì là to tát.
"Nếu người khác lượm được, họ cũng trả như tui thôi. Mình còn con cái, phải để đức cho con, tui không có dám lấy đâu, thà nghèo thì chịu, của ai phải trả lại cho người đó. Ở đây ai cũng biết tui, tui đi chài cá, 2 vợ chồng nhặt ve chai, làm mướn, khổ vậy đó nhưng mà vui, con cái ngoan ngoãn là được rồi", ông Long tâm sự.
Những tấm bảng tên kỷ niệm của ông khi còn làm DQTV
Cầm trên tay tấm bảng tên Dân quân tự vệ, ông Long nhớ lại một thời từng đi khắp nơi để hỗ trợ mọi người. Có lần lũ vô, ông không ngần ngại lên đầu nguồn để ứng cứu người dân, dù nguy hiểm nhưng ông chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Bởi ông nghĩ, làm phước sẽ được phước, sống nghĩa tình sẽ nhận lại sự quý mến, yêu thương.
Mỗi ngày, để có tiền trang trải cuộc sống, 2 vợ chồng ông Long đi nhặt ve chai, hôm nào rảnh thì ông Long đi chài cá, tối đến ông qua quán cà phê gần nhà để ngủ trông quán, mỗi tháng được thêm 2 triệu đồng. Tuy cuộc sống không dư dả gì nhưng căn nhà nhỏ lúc nào cũng vui vẻ, đầm ấm.
Ông Long thường hay ra con sông trước nhà để chài cá, còn bà Tám Em lo việc nội trợ trong nhà
"Người ta hỏi vợ chồng tui trả lại tiền có tiếc không?"
Mặc dù làm được việc tốt nhưng không ít lần, vợ chồng ông Long lại nhận về mình những lời bàn tán. Nhiều người tỏ ra bất ngờ khi 2 vợ chồng "vô tư" đem trả lại tiền, có người nặng lời còn nói 2 vợ chồng khờ khạo khi không chiếm làm của riêng.
"Người ta hỏi tui sao không lấy đi mà trả lại làm gì. Trời ơi, của mình rớt 50 ngàn đã tiếc hùi hụi, huống hồ gì người ta, mình đâu làm vậy được", bà Tám Em quả quyết.
Kể chuyện đời mình, dù mỗi ngày phải tất bật cho cuộc sống mưu sinh nhưng chỉ cần quay về tổ ấm nhỏ, ông Long lại tìm thấy sự thảnh thơi, yên bình trong đó.
Mấy chục năm nên duyên vợ chồng, ông Long chẳng có gì giá trị để tặng cho bà Tám Em, căn nhà xập xệ đang ở cũng nhờ phía nhà vợ. Bù lại, ông chẳng rượu chè, cờ bạc, cả đời chỉ biết làm lụng để lo cho vợ, cho con.
Hai vợ chồng lúc nào cũng vui vẻ, yêu thương lẫn nhau
"Hồi xưa tui cũng đẹp trai, nhiều người theo đuổi dữ à nhưng tui lại thương bả, do bả hiền", nói đoạn, ông Long nhìn về phía bà Tám Em, cười hạnh phúc.
Có lẽ với ông Long, dẫu khuôn mặt của bà Tám Em bị những vết sẹo do di chứng của căn bệnh lúc nhỏ, nhưng cái tính thật thà của bà khiến ông phải quý, phải thương. Lúc còn trẻ, hai vợ chồng làm thuê làm mướn, chạy vạy khắp nơi để nuôi 3 đứa con. Giờ đây, khi tóc đã ngả, sự hiếu thuận của con cái là điều ông bà cảm thấy an lòng nhất.
Chỉ lên cái ti vi màn hình phẳng, bà Tám Em tự hào khoe: "Đó là của đứa con gái lớn mua cho cha mẹ xem tin tức, còn cái tủ lạnh đằng kia, đồ đạc trong nhà đều do con sắm sửa".
Nhìn lên vách nhà, hàng chữ "Mừng lễ tân hôn ngày 30/3/2020" khiến vợ chồng ông Long trầm tư. Số là đứa con trai đã có gia đình từ năm trước, nhưng vì dịch Covid-19 bùng phát khiến đám cưới bị "hụt" những 2 lần. Đến giờ, nó vẫn chưa thể diễn ra.
"Đợt đầu tui đặt 15 bàn, thiệp cũng đã gửi đi hồi nhưng dịch bùng, chủ trương của địa phương nên phải đi hồi lại. Đợt sau tui tính làm hồi trước Tết, xong cũng y chang. Giờ đợi ổn ổn rồi, tui mới dám mần đám cưới cho thằng con, lần này chắc nó không hụt nữa đâu", ông Long cười hóm hỉnh.
Hiện tại, 2 người con của ông Long đang làm công nhân tại TP.HCM, riêng đứa cháu ngoại 6 tuổi (con của cô con gái đầu) được ông bà nuôi dưỡng.
Vườn rau trước nhà, ai tới xin, ông Long đều vui vẻ hái cho
Ngồi trong căn nhà chật hẹp, bữa cơm trưa chỉ đơn giản là ít cá vụn kho tiêu cùng mớ rau luộc hái đằng trước nhà, 2 vợ chồng ông Long vẫn vui vẻ gắp đồ ăn cho đứa cháu ngoại, cười hạnh phúc.
Có lẽ với ông Long, việc nhặt được tiền tỷ rồi trả lại cho người phụ nữ đánh rơi mãi là một kỷ niệm đẹp, nhắc nhớ ông về đạo nghĩa ở đời, "sống lương thiện sẽ gặp điều thiện lương". Cảm ơn ông đã viết nên cái kết đẹp cho câu chuyện cổ tích giữa cuộc đời!