Những người lạc quan về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc thời hậu COVID-19 hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ công bố một chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ, tạo ra sự bùng nổ cho thị trường hàng hóa, giống như những gì nước này từng làm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2009, theo Channel News Asia (CNA).
Sự trỗi dậy của Trung Quốc sau đại dịch đã diễn ra chậm hơn dự kiến, với một số biện pháp kiểm soát y tế cộng đồng được thể chế hóa, và các hiệu ứng kinh tế thứ cấp xuất phát từ số lượng đơn hàng xuất khẩu và số lượng việc làm bị suy giảm mạnh do dịch bệnh.
Cuộc sống đang trở lại bình thường ở hầu hết các tỉnh thành, nhưng tại các khu dân cư vẫn triển khai các hình thức giám sát thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Trung Quốc vẫn chưa thể nới lỏng hoàn toàn các biện pháp kiểm soát, trong khi dịch bệnh vẫn đang lan rộng ở nước ngoài.
Do Trung Quốc hàng ngày vẫn đang ghi nhận các trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong nước, nên việc mở cửa trường học đã bị hoãn lại, và các rạp chiếu phim lại phải đóng cửa sau khi mở lại một thời gian ngắn.
Nhà phân tích kinh doanh Trung Quốc Gavekal Dragonomics nói rằng 2/3 người dân Trung Quốc đã quay lại nơi làm việc, nhưng hầu hết dịch vụ giao hàng tận nhà vẫn chưa được phép hoạt động. Trong tháng 5 này, chỉ mới có 50% số người dân Trung Quốc đã đến trung tâm mua sắm. Nếu họ rời khỏi thành phố đang sinh sống thì họ đều phải cách ly khi quay trở lại.
Nợ công của Trung Quốc
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã giảm 6,8 % trong quý I vừa qua. IMF dự báo tăng trưởng GDP sẽ chỉ ở mức 1,2% trong cả năm nay. Xuất khẩu, lĩnh vực chiếm khoảng 18% GDP, dự kiến sẽ giảm tới 50% trong quý I và lợi nhuận công nghiệp giảm 25%.
Kể từ khi chương trình kích thích hậu khủng hoảng tài chính (GFC) được triển khai hồi năm ngoái, tỉ lệ nợ công đã tăng nhanh hơn trong một thập kỷ. Vào đầu năm 2019, tổng nợ công của Trung Quốc là khoảng 40 nghìn tỷ USD, tương đương 304% GDP và 15% tổng số nợ toàn cầu.
Trung Quốc đã bắt đầu tiến trình giảm nợ, nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã làm gián đoạn hoạt động này. Do vậy, giới hạn tín dụng đã lại được nới lỏng và chính quyền địa phương lại được phép phát hành trái phiếu có mục đích đặc biệt - chủ yếu dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, các biện pháp kích thích như vậy đang tạo ra lợi nhuận biên ngày càng giảm và việc đầu tư bừa bãi đang trở thành vấn nạn khi có đến 25% số căn hộ ở đô thị hiện đang không có người ở. Và các tổ chức tài chính Trung Quốc, dẫn đầu là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, đã cung cấp các khoản tín dụng khổng lồ cho các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Khả năng trả nợ đúng hạn chắc chắn là mối bận tâm của nhiều người, do vậy vai trò kích thích kinh tế của tổ chức tín dụng như trên khá hạn chế.
Hình ảnh minh họa
Động lực tăng trưởng mới của Bắc Kinh
Vậy Bắc Kinh sẽ dựa vào đâu để khôi phục tăng trưởng kinh tế?
Bản báo cáo chính phủ của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong phiên khai mạc của kỳ họp Quốc hội tuần trước đã tiết lộ đôi điều về kế hoạch của Trung Quốc. Nhiều điều sẽ trở nên rõ ràng hơn trong bản “Kế hoạch 5 năm” lần thứ 14, được công bố vào đầu năm 2021.
Trong khi các chương trình kích thích kinh tế bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng vẫn là giải pháp thường thấy của chính phủ Trung Quốc trong các tình huống khẩn cấp về kinh tế, thì đối với thời kỳ hậu COVID-19, Bắc Kinh khẳng định chiến lược của họ sẽ thay đổi.
Ông Dan Wang của tổ chức Gavekal nói rằng Bắc Kinh cam kết gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ bao gồm trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, nhưng mạng di động không dây 5G sẽ là ưu tiên chính.
“Vẫn thiếu lý do thuyết phục người tiêu dùng chuyển sang sử dụng mạng 5G. Cho đến nay, mạng 5G chỉ là 1 giải pháp có tốc độ nhanh hơn, lưu lượng dữ liệu cao hơn và có khả năng kết nối nhiều thiết bị hơn, nhưng mạng 4G hiện tại đã đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”, ông Wang nói.
Theo ông Wang, việc thúc đẩy sử dụng mạng 5G do vậy có khả năng không đạt hiệu quả như kỳ vọng là một chính sách kích thích ngắn hạn. Hơn nữa, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Một điều khoản trong hiệp định thương mại mới kí kết cho phép các bên có thể tiến hành các vòng đàm phán mới trong trường hợp xảy ra thảm họa tự nhiên hoặc sự kiện không lường trước được. Trung Quốc có thể viện dẫn điều khoản này khi phải mua 200 tỷ USD giá trị hàng hóa nông sản và năng lượng từ Mỹ. Đây là một nhiệm vụ đầy thách thức trong bối cảnh môi trường kinh tế trì trệ như hiện tại.
Mặt khác, các xu hướng kinh tế đáng chú ý đang diễn ra trước khi đại dịch có thể tạo ra làn sóng nhiễm bệnh thứ 2. Ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, các doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đang bắt đầu tái cấu trúc các chuỗi giá trị lớn của châu Á. Các nước này quyết định đầu tư nhiều hơn ở trong nước và ở các nước thứ ba như Việt Nam và Indonesia nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.
Minh họa cho xu hướng này chính là quyết định tập đoàn Lotte của Hàn Quốc rút khỏi thị trường Trung Quốc, nơi doanh nghiệp này đã đầu tư 6,5 tỷ USD, để trả đũa cho việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp cấm vận đối với Hàn Quốc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa mới.
Tự động hóa cũng là một xu hướng khác có thể được doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh sau đại dịch. Và các nhà phân tích thị trường tại hãng China Skinny nói rằng thị trường bán lẻ trực tuyến và trực tiếp tại Trung Quốc đang nằm dưới quyền kiểm soát của một nhóm nhỏ các tập đoàn công nghệ lớn.
Hình ảnh minh họa
Vẫn còn nhiều tiềm năng
Cho dù tình hình thế nào thì tầng lớp trung lưu Trung Quốc vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội định cư ở nước ngoài thông qua hoạt động mua tài sản, phát triển kinh doanh và du học.
Lấy ví dụ, giá trị đầu tư trực tiếp của Australia vào Trung Quốc chỉ là 13,5 tỷ USD, còn ít hơn 1 tỷ USD so với đầu tư của quốc gia này vào Papua New Guinea.
Nhưng có đến 25% hàng hóa nhập khẩu của xứ sở chuột túi đến từ Trung Quốc, và hơn 30% lượng hàng xuất khẩu có đích đến là Trung Quốc. Trong đó, đa phần hàng xuất khẩu tập trung ở 4 mặt hàng: quặng sắt, khí đốt, than đá và vàng.
Sản lượng xuất khẩu vẫn giữ ổn định qua các năm. Các khoản thu từ du học sinh Trung Quốc trong năm tài chính vừa qua là 12 tỷ USD và từ khách du lịch Trung Quốc là 4 tỷ USD.
Rõ ràng, những khoản thu này sẽ sụt giảm. Nhà bình luận kinh doanh Alan Kohler gần đây đã viết trên tờ The Australian rằng: “Đối với các doanh nghiệp Australia coi thị trường Trung Quốc là kế hoạch A thì họ nên bắt đầu nghĩ đến phương án dự phòng”.
Những căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ- Trung về nguồn gốc dịch COVID-19 sẽ tác động tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Các công ty có hoạt động kinh doanh quốc tế phụ thuộc chủ yếu vào một quốc gia như Trung Quốc sẽ cần phải tính toán lại chiến lược.
Nhưng điều đó không có nghĩa là vứt bỏ “kế hoạch A”. Thị trường Trung Quốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng và sẽ tiếp tục mang đến quả ngọt cho những doanh nghiệp biết cách xây dựng và gìn giữ các mối quan hệ, luôn theo sát các sự biến động trên thị trường, đặc biệt là nhạy cảm với các vấn đề chính trị phức tạp tại đây.