Vào năm 2021, các nhà nghiên cứu thuộc University College London (UCL) đã phát triển thành công một ngón tay thứ 6 - thứ được đeo ở gần ngón tay út và đối diện với ngón cái.
Được điều khiển bằng cảm biến áp suất ở mặt dưới của 2 ngón chân cái, ngón tay thứ 6 này đã cùng với những ngón còn lại hoàn thành khéo léo các nhiệm vụ thử nghiệm. Chúng bao gồm việc xếp các khối gỗ thành tòa tháp bằng 1 tay.
Các nhà nghiên cứu của UCL nhấn mạnh rằng ngón tay thứ 6 này có thể cho phép mọi người mang nhiều đồ vật hơn bình thường, cầm và mở chai nước ngọt, xâu kim chỉ bằng một tay...
Hiện tại các chuyên gia tin rằng "ngón tay thứ 6" chỉ là bước đầu tiên hướng tới những "nâng cấp" lớn hơn, ấn tượng hơn với cơ thể con người.
Cụ thể Giáo sư Khoa học Thần kinh Nhận thức tại Đại học Cambridge ông Tamar Makin mới đây đã tiết lộ rằng khả năng thích ứng của bộ não con người với một bộ phận mới là "phi thường", tuy nhiên vẫn còn 1 rào cản đáng kể:
"Khi chúng tôi làm việc với công nghệ thay thế - như chân tay giả - mục tiêu khá đơn giản. Câu hỏi lớn là làm thế nào để bạn kiểm soát một bộ phận cơ thể mà bạn chưa từng có trước đây?
Đây là vấn đề tăng cường sức mạnh với một bộ phận mới mà vẫn tiếp tục sử dụng hết tiềm năng cơ thể. Chúng tôi lo lắng về cái được gọi là vấn đề phân bổ lại tài nguyên - điều gì sẽ xảy ra nếu tài nguyên từ chân bị chuyển tới tay?"
Khi được hỏi liệu có thể thiết kế cánh hoặc thậm chí là xúc tu cho con người hay không, Giáo sư Makin khẳng định:
"Từ góc độ kỹ thuật thì câu trả lời là có.
Chúng ta chỉ cần mở rộng các công nghệ hiện có và giải quyết các vấn đề về công nghệ ví dụ như khiến chúng có thể đeo được, thoải mái, không quá nặng...
Vấn đề thực sự là việc kiểm soát chúng. Đôi cánh đơn giản hơn vì nó chỉ hoạt động bằng cách đập cánh, nhưng khi nói đến thứ phức tạp hơn như các xúc tu, chúng ta cần kiểm soát nhiều thứ hơn".