LTS: Không phải ngẫu nhiên, các chuyên gia đưa ra con số cảnh báo là 3 năm. Trên thực tế, Trái Đất đã nóng lên thêm 1 độ C khiến cho mực nước biển dâng cao nhanh hơn, các rạn san hô có nguy cơ "sống mòn" vì nhiệt độ cao và những cơn bão thất thường đe dọa cuộc sống của những cư dân ven biển.
Mặc dù mới trải qua hơn nửa năm của 2017 nhưng nhân loại đã chứng kiến nhiều đợt nắng nóng khủng khiếp, vượt xa những năm nóng nhất trong lịch sử như 2014, 2015 và 2016.
Một nghiên cứu trên tạp chí Nature chỉ ra, hàm lượng CO2 ở mức ổn định nhưng nhiệt độ toàn cầu vẫn tiếp tục gia tăng trong suốt 3 năm qua. Điều này cho thấy những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu như hạn hán, sóng nhiệt, lũ lụt, mực nước biển gia tăng là "kịch bản" khó có thể thay đổi trong tương lai.
Biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, thời gian giải cứu Trái Đất chỉ còn 3 năm. Ảnh: Reuters
Ba năm – Thời gian vượt qua "sóng gió"
Tuy nhiên, việc tránh khỏi những tác động nguy hiểm của biến đổi khí hậu vẫn còn khả thi, nhưng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các chính phủ, doanh nghiệp, các nhà khoa học và người dân ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới trong 3 năm tới. Đây cũng là cảnh báo của hai vị chuyên gia nổi tiếng về khoa học khí hậu.
Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một vài thông tin nghiên cứu của Christiana Figueres và Hans Joachim Schellnhuber, hai vị chuyên gia thuộc Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC).
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, con người đang dần chuyển sang các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu có thể khiến con người phải hứng chịu nhiều thảm họa tàn khốc nếu không kịp thời hành động.
Christiana Figueres, người từng giữ cương vị chủ tọa hội nghị về biến đổi khí hậu tại Paris (COP 21) và Hans Joachim Schellnhuber, giáo sư vật lý lý thuyết, chuyên gia tại IPCC cho rằng, thời gian 3 năm tới sẽ rất quan trọng.
Thời gian 3 năm tới là rất quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Hình minh họa
Hai chuyên gia ước tính, nếu lượng khí thải không được giảm xuống triệt để vào năm 2020 thì sau khoảng thời gian này, biến đổi khí hậu chạm ngưỡng không thể phục hồi được.
Sau hàng thập kỷ, lượng khí thải CO2 do đốt nhiên liệu hóa thạch đã giảm xuống 41 tỷ tấn/năm trong 2 năm qua.
Cần phải giảm thải khí nhà kính và hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở các quốc gia. Ảnh: Pinterest
Tuy nhiên, ngay cả khi dừng lại ở mức này, dù tác động đến bầu khí quyển để nhiệt độ không vượt quá 2 độ C, thì lượng CO2 cũng sẽ được sử dụng hết trong vòng vài chục năm tới, thậm chí là vài năm tới.
Bỏ lỡ 3 năm = Đánh mất cơ hội giải cứu Trái Đất
Theo phân tích mới nhất của cựu trưởng ban khí hậu của Liên Hợp Quốc, Christiana Figueres cùng với các các chuyên gia khác cho rằng: "Chúng ta đang trên hành trình dài để phi carbon hóa nền kinh tế thế giới".
Các chuyên gia đều đi đến kết luận: "Khi nhắc đến khí hậu, thời gian là tất cả".
Bà Figueres cho biết: "Con người đang đứng trước cơ hội có thể uốn cong đường cong khí thải xuống dưới vào năm 2020 để bảo vệ được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo. Cơ hội trao cho chúng ta trong ba năm tiếp theo là duy nhất trong lịch sử".
Đây là cơ hội duy nhất để giải cứu Trái Đất. Ảnh: Daily Express
Ông Schellnhuber, chuyên gia về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cảnh báo: "Toán học rất rõ rằng, sự thực là thế giới có nguy cơ không thể phục hồi nếu gặp sơ suất trong giai đoạn trước năm 2020".
Nghiên cứu của Christiana Figueres và Hans Joachim Schellnhuber cũng chỉ ra rằng, cam kết giữ mức nhiệt gia tăng không vượt quá 1,5 độ C có thể trở thành nhiệm vụ "bất khả thi". Sự nóng lên toàn cầu đang diễn biến không ngừng và chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Nhiệt độ tăng cao và tình trạng thời tiết cực đoan là dấu hiệu cảnh báo con người cần phải hành động ngay lập tức. Ảnh: MGN
Do đó, việc kiểm soát nhiệt độ để ngăn chặn mực nước biển gia tăng có thể trở thành mục tiêu xa vời tầm tay.
Các nhà khoa học hy vọng thông điệp này sẽ được các nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại hội nghị G20 ở Hamburg, Đức chú ý, từ đó đặt ra định hướng rõ ràng cho năm 2020.
Hai chuyên gia cùng các nhà khoa học hy vọng thông điệp này sẽ được các nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại hội nghị G20 ở Hamburg (Đức) chú ý để từ đó có thể hoạch định mục tiêu cụ thể cho tiến trình 3 năm quan trọng sắp tới của nhân loại.
Mục tiêu nhiều nhưng thách thức cũng không nhỏ
Hai chuyên gia đưa ra nghiên cứu và cảnh báo.
Nhóm các chuyên gia cũng đặt ra nhiều mục tiêu cho năm 2020. Cụ thể, các nguồn năng lượng thay thế, trong đó chủ yếu là năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió cần phải chiếm tới 30% tổng lượng điện trên toàn thế giới.
Đặc biệt, các quốc gia trên thế giới không nên xây thêm nhà máy nhiệt điện đốt than sau năm 2020.
Về phương tiện giao thông, xe điện hiện mới chỉ chiếm 1% tổng số lượng phương tiện di chuyển mới bán ra. Các chuyên gia khuyến cáo, conn số này cần phải tăng lên 15% vào năm 2020.
Chính phủ các nước cũng nên sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả hơn. Cụ thể, cải thiện 20% việc sử dụng nhiên liệu đối với các loại xe hạng nặng và giảm 20% lượng khí thải trên mỗi km của ngành hàng không.
Các chuyên gia cho biết, các loại khí thải nhà kính từ các hoạt động phá rừng, nông nghiệp hiện chiếm khoảng 12% tổng lượng khí thải toàn cầu. Do đó, con số này cần phải giảm về mức 0% trong vòng một thập kỷ tới.
Giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống O% trong vòng một thập kỷ tới. Hình minh họa.
Các quốc gia trên thế giới cần phải có những biện pháp cụ thể và cứng rắn để hạn chế lượng khí thải từ các ngành công nghiệp nặng cũng như việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Cuối cùng, chính phủ các nước và các ngân hàng cần phải tăng gấp 10 lần số lượng trái phiếu xanh được sử dụng để tài trợ cho những biện pháp cắt giảm khí thải CO2, hiện nay khoảng 81 tỷ USD.
Khí thải nhà kính dù chỉ thực sự "tấn công" bầu khí quyển Trái Đất trong khoảng hai thập kỷ nhưng những thay đổi trong tương lai có thể nhanh hơn rất nhiều. Mặc dù mức độ khẩn cấp không tránh khỏi những thách thức cho chúng ta.
Nhưng các nhà khoa học nhận định, cách vượt qua những thách thức do bài toán biến đổi khí hậu mang lại sẽ trở nên dễ dàng hơn nêu có sự đồng lòng và chung tay của toàn nhân loại.
Ba năm tới là khoảng thời gian chúng ta phải vượt qua để bảo vệ Trái Đất.
Christiana Figueres (07/08/1956) là một nhà ngoại giao Costa Rica, cựu giám đốc của Cơ quan biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Bà đã làm việc trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, năng lượng,...
Bà Figueres từng là thư ký điều hành Công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu liên tục trong suốt sáu năm (kể từ 17/5/2010). Trong khoảng thời gian này, bà đã có nhiều cống hiến trong việc xây dựng lại quá trình đàm phán về biến đổi khí hậu toàn cầu dựa trên sự công bằng, minh bạch và hợp tác. Christiana Figueres được coi là người đứng đằng sau thành công của thỏa thuận lịch sử về khí hậu toàn cầu của gần 200 quốc gia trong Hội nghị lần thứ 21 tại Paris (COP 21) vào cuối 12/2015.
****
Hans Joachim Schellnhuber (07/06/1950) là giáo sư, chuyên gia vật lý và nghiên cứu khí hậu nổi tiếng thế giới. Ông là một trong những nhà khoa học khí hậu nổi tiếng người Đức. Sau khi làm việc ở Đức và Mỹ, Schellnhuber đứng ra thành lập Viện Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu Potsdam vào năm 1991 và nắm giữ vị trí giám đốc cho tới nay.
Bài viết tham khảo nguồn: Theguardian, Dailymail