Chuyện gì xảy ra nếu Triều Tiên đưa quân ra tiền tuyến sát Hàn Quốc?

Đăng Nguyễn |

Tuyên bố của quân đội Triều Tiên ngày 16.6 mở đường để Bình Nhưỡng chấm dứt thỏa thuận quân sự liên Triều ký năm 2018. Thỏa thuận vốn được xem như là hiệp ước không xâm lược giữa hai nước.

Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) ngày 16.6 cho biết giới lãnh đạo nước này đang xem xét đưa quân trở lại một số khu vực ở Khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên.

Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên được đặt trong tình trạng báo động cao, theo KCNA. Triều Tiên cảm thấy bị đe dọa khi Hàn Quốc bất lực để những người đào tẩu liên tục dùng bóng bay gửi thông điệp chống chính quyền qua biên giới.

“Quân đội Triều Tiên đang xem xét kỹ lưỡng tình hình, trong bối cảnh quan hệ hai miền Triều Tiên ngày càng tồi tệ hơn. Quân đội chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng”, KCNA dẫn nguồn tin từ Bộ Tổng tham mưu, cho biết.

Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) sẵn sàng đưa quân trở lại tiền tuyến ở cả trên đất liền và trên biển, theo Bộ Tổng tham mưu. Mệnh lệnh đã được chuyển tới Quân ủy Trung ương (CMC) do nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un làm Chủ tịch.

“Chúng tôi đang nghiên cứu các biện pháp đưa quân đội vào các khu vực phi quân sự vốn đã được giải giáp, biến tiền tuyến thành pháo đài và không ngừng cảnh giác trước mối đe dọa từ Hàn Quốc”, tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu cho biết thêm.

Chuyện gì xảy ra nếu Triều Tiên đưa quân ra tiền tuyến sát Hàn Quốc? - Ảnh 1.

Vị trí khu công nghiệp chung Kaesong và khu nghỉ dưỡng chung Mount Kumgang.

Bộ Tổng tham mưu Triều Tiên không cho biết kế hoạch cụ thể, nhưng nhiều khả năng các binh sĩ nước này sẽ tiến vào hai khu vực giải giáp gần khu công nghiệp chung Kaesong ở phía tây và khu nghỉ dưỡng chung Mount Kumgang ở phía đông, theo Yonhap.

Theo NK News, tuyên bố của quân đội Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng đã sẵn sàng hủy bỏ thỏa thuận quân sự liên Triều ký năm 2018.

Thỏa thuận vốn được xem như là “hiệp ước không xâm lược”, nhằm giảm tối đa nguy cơ xảy ra xung đột quân sự từ những sự cố không đáng có.

Theo thỏa thuận, mỗi bên phá hủy 10 trạm gác ở tiền tuyến, ngừng tập trận ở khu phi quân sự và biến đường ranh giới (MDL) thành vùng cấm bay.

Theo NK News, quan hệ hai miền Triều Tiên đang đảo ngược theo chiều hướng tiêu cực, có thể quay trở lại mức cao trào như sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Tuyên bố mới của Triều Tiên chưa đề cập đến khả năng hủy bỏ Hiệp định Đình chiến ký năm 1953 – thỏa thuận xây dựng nên khu phi quân sự có chiều rộng 4km chia cắt Triều Tiên và Hàn Quốc.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc kêu gọi Bình Nhưỡng tôn trọng thỏa thuận năm 2018 và không leo thang căng thẳng thành các hoạt động quân sự.

“Hàn Quốc vẫn sẽ tuân thủ thỏa thuận ký tháng 9.2018 và tiếp tục thúc đẩy duy trì hòa bình trên bán đảo”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại