Tàu ngầm USS Connecticut và tàu sân bay USS George Washington của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương. (Ảnh: Hải quân Mỹ).
Ông Wu Shicun, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông tại Trung Quốc, nhận định nguy cơ xảy ra va chạm giữa các tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông đang gia tăng, giữa lúc hải quân Mỹ và Trung Quốc tăng cường triển khai lực lượng ra vùng biển chiến lược.
Phát biểu tại diễn đàn các mối quan hệ quốc tế diễn ra ở Bắc Kinh hôm 3/11, ông Wu cho rằng thỏa thuận đóng tàu ngầm giữa Mỹ - Anh- Australia mang tên AUKUS có thể làm tăng thêm nguy cơ xảy ra va chạm ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông Wu cho rằng thỏa thuận AUKUS sẽ còn chặng đường dài để hiện thực hóa mà có thể là phải mất hàng thập niên.
Chiểu theo AUKUS, các quan chức hải quân và chuyên gia kỹ thuật của Mỹ, Anh và Australia sẽ làm việc cùng nhau trong vòng 18 tháng để chuyển giao công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân cho Australia “nhằm tăng cường năng lực răn đe ở dọc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Cho tới nay chỉ có 6 nước vận hành tàu ngầm hạt nhân trang bị vũ khí nguyên tử gồm Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nga, Mỹ và Anh. Nếu như dự án AUKUS thành công, Australia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân, nhưng không có vũ khí hạt nhân đi kèm.
Ông Wu nhấn mạnh, những cơ chế giải quyết khủng hoảng hiện thời “có thể không đạt hiệu quả trong những thời khắc quan trọng”.
Cụ thể, ông Wu gợi lại sự việc xảy ra vào năm 2018 khi tàu khu trục lớp Luyang của hải quân Trung Quốc di chuyển chỉ cách khu trục hạm lớp Arleigh Burke USS Decatur của hải quân Mỹ 41m. Hai còn tàu suýt va chạm nhau khi đang có mặt ở Biển Đông.
“Di chuyển cách nhau 41m là vô cùng nguy hiểm. Không phải là hai bên không có quy định, mà là những quy định đã không được thực hiện trong thời khắc quan trọng. Đó chính là lúc nguy cơ xảy ra. Nếu chuyện tương tự xảy ra giữa 2 tàu ngầm hạt nhân, hậu quả sẽ là thảm họa”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Wu.
Ông Wu nói thêm, nguy cơ đang hiện hữu khi mà cả Mỹ và Trung Quốc đều đẩy nhanh phát triển tàu ngầm hạt nhân và điều động lực lượng ra Biển Đông.
“Số lượng tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông và eo biển Đài Loan đang gia tăng. Liệu các tàu này có tuân thủ những quy định chung đã được đề ra?”, ông Wu đặt câu hỏi.
Theo báo cáo của Viện Sáng kiến Điều tra Biển Đông ở Bắc Kinh, trong năm nay, Mỹ đã 14 lần điều động các oanh tạc cơ B-52H và B-1B tới Biển Đông, cùng với 11 tàu ngầm hạt nhân bao gồm tàu USS Connecticut.
Đáng nói, tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của hải quân Mỹ đã bị hư hại nặng sau lần va chạm với một vật thể dưới nước ở Biển Đông vào ngày 2/10.
Trong thông báo hôm 1/11, hải quân Mỹ cho hay vật thể mà tàu ngầm USS Connecticut đâm phải là một núi ngầm chưa từng được vẽ trên bản đồ. Sự việc khiến 11 thủy thủ bị thương, nhưng không ai bị thương tích nghiêm trọng gây đe dọa tính mạng.
Nguy cơ va chạm hiện hữu
Theo bản báo cáo mới nhất được Lầu Năm Góc công bố hôm 4/11, hải quân Trung Quốc nắm trong tay 355 tàu chiến và tàu ngầm vào năm 2020. Cũng theo báo cáo, hải quân Trung Quốc đặt ưu tiên cao đối với chương trình hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm, khi đưa vào sử dụng 6 tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa đạn đạo (SSBN), 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) và 46 tàu ngầm tấn công chạy điện – diesel (SS).
Hải quân Trung Quốc được biết vận hành đồng thời SSBN Type 094 và Type 096 và có thể tăng số lượng SSBN lên 8 chiếc vào năm 2030.
“Việc thiết lập cơ chế kiểm soát rủi ro với Mỹ là vô cùng cấp thiết. Xung đột trong lĩnh vực quân sự và an ninh hoàn toàn khác so với lĩnh vực kinh tế và thương mại”, ông Wu nói thêm.
“Mỹ - Trung là 2 cường quốc hạt nhân. Hoạt động trên biển và trên không thường xuyên cùng với quá trình triển khai quân sự của Mỹ - Trung sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột, nếu như hai bên không có cơ chế kiểm soát”, ông Wu chia sẻ.
Ông Wu nhấn mạnh, quân đội Mỹ - Trung đã có sự hợp tác nhưng lại thiếu những biện pháp gây dựng lòng tin giữa hai bên.
“Chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm cách duy trì ưu thế chiến lược trên biển sau khi thỏa thuận AUKUS giữa Mỹ - Anh – Australia được công bố, sự bùng nổ của các cuộc chạy đua vũ trang là có thể”, ông Wu nói.
Tàu ngầm Type 094 của hải quân Trung Quốc. (Ảnh: Global Defense Corp) |
Mỹ cần tăng tốc để bắt kịp Trung Quốc
Hôm 4/11, hải quân Mỹ thông báo sa thải 2 nhân viên cấp cao sau vụ việc tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Seawolf USS Connecticut va chạm với núi ngầm trên Biển Đông.
Phó Đô đốc Karl Thomas, chỉ huy Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, cho biết một sĩ quan chỉ huy và một kỹ thuật viên sonar đã bị sa thải do “thiếu độ tin cậy” trong năng lực.
Hải quân Mỹ cũng thông báo, tàu USS Connecticut “hiện vẫn ở Guam trong quá trình đánh giá hư hại và sẽ trở về thành phố Bremerton thuộc tiểu bang Washington để sửa chữa”.
Tàu ngầm lớp Seawolf thuộc loại tàu ngầm tấn công tiên tiến nhất và đắt tiền nhất trong kho vũ khí của hải quân Mỹ. Chỉ có 3 tàu ngầm lớp Seawolf từng được sản xuất, trong khi đơn đặt hàng 26 chiếc khác đã bị hủy bỏ vào những năm 1990 sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Tàu USS Connecticut dài hơn 100 m, chở theo thủy thủ đoàn khoảng 15 sĩ quan và 100 thủy thủ. Vũ khí trang bị trên tàu gồm ngư lôi Mark 48, tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa hành trình tấn công đất liền.
Trước đó, khi Mỹ công bố nguyên nhân dẫn tới vụ va chạm của tàu USS Connecticut, giới chức và truyền thông Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích lời giải thích của Mỹ là không thỏa đáng và chưa thật lòng cung cấp thông tin đầy đủ liên quan tới vụ việc.
Cụ thể, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 2/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng Mỹ cố ý lẩn tránh cung cấp thông tin.
Ông Uông còn yêu cầu Mỹ phải giải thích mục đích chuyến đi của tàu ngầm USS Connecticut, địa điểm xảy ra tai nạn, cũng như mối lo ngại về khả năng xảy ra rò rỉ phóng xạ và nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Washington hôm 4/11, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro nhấn mạnh vụ va chạm với núi ngầm của tàu USS Connecticut càng làm khiến mối quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng hơn, giữa lúc Bắc Kinh mở rộng tham vọng quân sự.
Bộ trưởng Del Toro còn nhắc lại tốc độ mở rộng nhanh chóng của lực lượng hải quân Trung Quốc, khi mà Bắc Kinh cho đóng 20 tàu chiến mới vào năm 2020 và khả năng trong năm nay sẽ có thêm 20 chiếc nữa.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ là Tướng Mark Milley cũng đã bày tỏ mối quan ngại tại hội nghị Aspen rằng, Mỹ cần đẩy nhanh tiến độ đóng tàu để bắt kịp tốc độ phát triển của Trung Quốc.
“Khi nhìn vào năng lực đóng tàu của chúng ta, tôi cho rằng cần có thêm sự đầu tư và đẩy nhanh tốc độ đóng tàu để có thể sánh ngang hàng với Trung Quốc”, ông Milley nhấn mạnh.