Chuyến đi đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh trên biển

Thanh Hằng – Bảo tàng Hải quân |

Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông là tuyến chi viện chiến lược đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một trang sử vẻ vang mới cho dân tộc Việt Nam.

Chuyến đi đầu tiên mở ra con đường huyền thoại ấy bắt đầu từ chuyến hàng ngày 11/10/1962, khi chiếc tàu gỗ gắn máy không số đầu tiên mang tên Phương Đông 1 chở vũ khí dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng), đến ngày 19/10 tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, khai thông tuyến đường vận chuyển vũ khí trên biển nối liền hai miền Nam - Bắc.

Đầu những năm 1960, tuyến giao liên Trường Sơn - 559 làm nhiệm vụ vận chuyển, chi viện chiến trường miền Nam đã hoạt động nhưng chủ yếu mới đưa được người và vũ khí vào các tỉnh Khu 5, còn các tỉnh ven biển và Nam Bộ thì chưa tới được.

Thời kỳ này phong trào cách mạng miền Nam đang phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu về vũ khí cho chiến trường miền Nam đang là đòi hỏi cấp bách, có tính sống còn. Chi viện vũ khí cho cách mạng miền Nam vào thời điểm này, không còn con đường nào khác là đường biển.

Chấp hành Chỉ thị của Trung ương Đảng về việc vận chuyển vũ khí vào miền Nam bằng đường biển, từ cuối năm 1961 đến đầu 1962, lần lượt 6 thuyền gỗ của 4 tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Bà Rịa, Trà Vinh ra miền Bắc nhận vũ khí an toàn.

Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn vận tải thủy 759 [1] (còn gọi là Đoàn tàu "không số") có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam.

Phương thức vận chuyển là chủ động, bí mật, bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch để đưa hàng vào bến. Đồng thời phải có sẵn phương án thật linh hoạt, mưu trí, đối phó với địch, khi bị lộ thì kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng, nếu cần có thể cho huỷ tàu để giữ bí mật con đường.

Chuyến đi đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh trên biển - Ảnh 1.

Thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa của tàu 41 (Phương Đông 1) - Ảnh BTHQ

Mọi công tác chuẩn bị cho chuyến đi đầu tiên được tiến hành khẩn trương và chặt chẽ. Tàu 41 mang tên Phương Đông 1 được chọn do Chính trị viên Bông Văn Dĩa và Thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy cùng 11 thủy thủ: Ngô Văn Tần, Võ Tấn Thành, Nguyễn Văn Luông, Lê Nhung, Nguyễn Văn Khương, Thanh Đen, Huỳnh Văn Sao, Nguyễn Văn Bé, Nguyễn Long, Nguyễn Xuân Lai và Sáu Rô.

Thành công của chuyến đi này có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với đơn vị mà còn đối với sự sống còn của một con đường vận tải chiến lược chi viện miền Nam.

Vì vậy, những người được lựa chọn cho chuyến đi là những đảng viên đã qua thử thách gay go, phức tạp trong chiến đấu, có kinh nghiệm đi biển, tính tổ chức kỷ luật cao và tinh thần chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì nhiệm vụ, tuyệt đối phục tùng lãnh đạo, chỉ huy.

Công tác bảo đảm cho sinh hoạt của cán bộ, thủy thủ trên tàu được tính toán khá chi tiết. Lương thực, thực phẩm được cấp bảo đảm 12 ngày đi đường, nước uống mỗi người một ngày 3 lít.

Để giữ bí mật, đối phó với địch, mọi người đều được cấp nhiều loại quần áo thường phục, khác màu, sau khi trở về sẽ thu lại. Hơn một tháng làm công tác chuẩn bị, đến đầu tháng 10/1962, mọi công tác đảm bảo cho chuyến đi đã hoàn thành.

Chuyến đi đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh trên biển - Ảnh 2.

Tập thể cán bộ, chiến sĩ tàu 41 (Phương Đông 1) trước giờ xuất phát tại bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng) chở gần 30 tấn vũ khí đầu tiên vào Cà Mau thành công, ngày 19/10/1962 - Ảnh BTHQ.

Buổi tiễn đưa diễn ra rất trang nghiêm và xúc động. Phó Thủ tướng Phạm Hùng có mặt từ rất sớm, động viên các thủy thủ: "Liên Xô có Ga-ga-rin đưa con tàu vào vũ trụ.

Các đồng chí là những người "khai sơn, phá thạch" con đường biển này, đem tình cảm của miền Bắc tới miền Nam, đem ý chí quyết tâm đánh Mỹ, giải phóng miền Nam của Đảng vào việc mở đường chiến lược trên biển. Trung ương hy vọng các đồng chí sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang đó. Chúc các đồng chí đi thuận buồm xuôi gió".

Chính trị viên Bông Văn Dĩa thay mặt đội thuyền hứa rằng: "Dù khó khăn nguy hiểm như thế nào và dù phải hy sinh tính mạng, chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng và nhân dân Nam Bộ".

Đêm ngày 11/10/1962, Tàu 41 chở 28,213 tấn vũ khí xuất phát từ Bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng). Tàu nhỏ, đi trong thời tiết gió mùa với bao nguy hiểm rình rập, khi qua phao số không trên đường từ Long Châu đến Bạch Long Vĩ thì xảy ra sự cố hỏng máy.

Tàu phải neo lại khoảng 2 giờ để sửa chữa. Khắc phục xong, tàu tiếp tục hành trình. Đến mũi Dinh Cơ (đảo Hải Nam, Trung Quốc) tàu chuyển hướng xuống phía Nam. Lúc này tàu lại xảy ra sự cố điện đài không thể liên lạc được với Sở chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu.

Chuyến đi đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh trên biển - Ảnh 3.

Sơ đồ đường đi của tàu Phương Đông 1 (Nét đứt Phương án 1, nét liền Phương án 2) - Ảnh Vov.vn.

Sáng ngày 14/10, gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, sóng rất lớn. Xét thấy tàu nhỏ khó ra xa hơn nữa theo phương án một, chi ủy họp bàn quyết định đi theo phương án hai, cho tàu chạy khoảng giữa quần đảo Hoàng Sa và Đà Nẵng, cách bờ khoảng 60 hải lý.

Ngay sau đó, chi bộ họp nhất trí với đề xuất của chi ủy. Khoảng 8 giờ, tàu đi ngang vĩ tuyến 18 độ Bắc thì chuyển đi theo hướng 180 độ.

Đến 12 giờ ngày 16/10, phát hiện đảo Cù Lao Thu, anh em cho rằng đi như vậy là đúng, tàu tiếp tục hành trình về phía Nam. Tàu chạy đến ngang phía Tây Nam đảo Cù Lao Thu thì lại xảy ra sự cố máy hỏng khiến mọi người hết sức lo lắng.

Là người từng trải có nhiều kinh nghiệm, Máy trưởng Huỳnh Văn Sao bình tĩnh cùng các thủy thủ tìm cách khắc phục. Sau một đêm sửa chữa, máy hoạt động trở lại, con tàu tiếp tục đi theo hướng đã định nhưng tốc độ lúc này không còn được như trước.

Nửa đêm ngày 18/10, tàu chạy ngang qua cửa sông Bồ Đề (Cà Mau), khoảng một giờ sau thì thuyền trưởng cho neo lại để chờ bắt liên lạc.

Mấy giờ trôi qua trong âm thầm chờ đợi, đến 5 giờ sáng ngày 19/10, thấy mấy chiếc ghe chạy trong vàm, Chính trị viên Bông Văn Dĩa lấy lưới căng lên và cho đánh đèn tín hiệu, trong bờ có tín hiệu trả lời.

Tàu Phương Đông 1 nhanh chóng chạy vào phía cửa bến Vàm Lũng (ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) và gặp được xuồng của đồng chí Nguyễn Văn Phán, khu ủy Khu 9 cử ra đón đang chờ sẵn.

Chuyến đi đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh trên biển - Ảnh 5.

Bến Đồ Sơn (K15), nơi xuất phát của chuyến tàu 41 (Phương Đông 1) đầu tiên, ngày 11/10/1962 và nhiều chuyến khác của Đoàn tàu "không số" vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam - Ảnh BTHQ.

Tưởng chừng loại tàu chở hàng vào chỉ khoảng 5 đến 10 tấn không ngờ lại đưa được con tàu to đến thế. Những mong đợi được Trung ương cung cấp vũ khí để đánh giặc trong bao ngày tháng qua đã trở thành hiện thực.

Đó là cơ sở quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của phong trào đấu tranh cách mạng ở mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Khi đã lọt vào trong cửa sông và tiến hành ngày việc giao nhận hàng. Lần lượt các hòm vũ khí được chuyển sang các ghe, thuyền để chở đi nơi khác xa chỗ đậu của tàu Phương Đông 1. Toàn bộ số vũ khí được cất giấu an toàn.

Kết quả của chuyến đi được báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.

Tính theo đường biển, tàu chở được gần 30 tấn vũ khí, đủ trang bị cho một tiểu đoàn. Tàu chạy trong 9 ngày với 13 cán bộ, chiến sĩ có lợi hơn nhiều lần đường bộ, bằng 1.500 người gùi thồ đi liên tục trong 6 tháng không kể những khó khăn, trở ngại công tác bảo đảm trên đường Trường Sơn mà ta đã tiến hành xây dựng trong những năm qua.

Thắng lợi của chuyến đi đầu tiên đã chính thức mở ra một con đường hiện thực trên biển nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, làm tiền đề cho những chuyến đi tiếp sau đó thành công, mở đầu cho trang sử hào hùng với biết bao chiến công trên con đường huyền thoại mang tên "Đường Hồ Chí Minh trên biển".

[1] Ngày 24/1/1964, đổi tên thành Đoàn 125, nay là Lữ đoàn 125.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại