Bộ GTVT cho hay, Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, trong đó chuyển 8 đoạn kêu gọi đầu tư BOT sang đầu tư công.
Nếu chuyển sang đầu tư công, Bộ GTVT tính toán, tổng mức đầu tư sẽ giảm từ 118.716 tỷ đồng theo phương án đầu tư BOT xuống còn khoảng 99.493 tỷ đồng nếu đầu tư công, tức tương ứng giảm khoảng 19.223 tỷ đồng.
Điều này được lý giải do chuyển sang đầu tư công sẽ tiết kiệm được phần chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng (so với đầu tư BOT), giảm chi phí dự phòng trượt giá do đẩy nhanh tiến độ thực hiện…
Trong tổng vốn đầu tư 99.493 tỷ đồng (nếu chuyển sang đầu tư công), hiện ngân sách đã được duyệt 55.000 tỷ đồng trong kế hoạch trung hạn 2016-2020 (cho công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng nếu kêu gọi BOT). Như vậy, nếu chuyển sang đầu tư công, ngân sách chỉ còn phải bố trí thêm 44.493 tỷ đồng.
“Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với Bộ KH&ĐT, Tài chính để cân đối, bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ để báo cáo Quốc hội quyết định”, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.
Dù đầu tư ngân sách, trong tờ trình Quốc hội của Chính phủ cũng dự tính sẽ có phương án để thu hồi vốn nhà nước (có thể chuyển nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn ngân sách).
Bộ GTVT cho biết, đến nay, công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán cho 8 đoạn cao tốc đã cơ bản hoàn thành, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt trên 70% khối lượng. Do đó, nếu được chuyển sang đầu tư công, có thể khởi công ngay trong năm nay. Trong khi, nếu đầu tư BOT, trường hợp thuận lợi trong huy động vốn của nhà đầu tư, cũng phải giữa năm 2021 mới có thể thực hiện.
Phương án xin chuyển 8 đoạn dự án cao tốc Bắc – Nam từ đầu tư BOT sang đầu công được Chính phủ xác định như là 1 trong các giải pháp để hỗ trợ, kích thích nền kinh tế từ dòng vốn đầu tư công. Trong bốic ảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Góp ý cho đề xuất chuyển từ đầu tư BOT sang đầu tư công với các đoạn cao tốc Bắc - Nam, đại diện Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho hay, dư nợ tín dụng của các dự án BOT giao thông hiện nay khoảng 102.000 tỷ đồng. Trong đó, 59/116 dựa án có doanh thu không đảm bảo phương án tài chính, không đủ trả nợ ngân hàng; một số dự án phải cơ cấu lại nợ, chuyển nhóm nợ, nguy cơ nợ xấu… Cùng đó, đa số nhà đầu tư BOT là các nhà thầu, nên hạn chế về năng lực tài chính, khó có thể huy động được thêm vốn ngân hàng.
Các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam có tổng mức đầu tư lớn, nên nguồn vốn vay ngân hàng có thể vượt giới hạn cấp tín dụng, trong khi hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng. Nến khó có thêm ngân hàng nào có thể cho vay thêm các dự án BOT cao tốc. Do đó, phía Ngân hàng Nhà nước cũng ủng hộ phương án chuyển từ đầu tư BOT sang đầu tư công các đoạn cao tốc, để phù hợp với thực tế và khả thi.
Dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận về đề xuất chuyển đổi 8 đoạn dự án cao tốc Bắc - Nam từ đầu tư BOT sang đầu tư công tại kỳ họp cuối tháng 5 này.
Cùng với hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội xin chuyển đổi từ đầu tư BOT sang đầu tư công 8 đoạn cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT vẫn tiến hành các bước lựa chọn nhà đầu tư theo phương án kêu gọi đầu tư BOT đã được phê duyệt trước đó. Cùng với đó, các công tác để chuẩn bị cho bước đầu tư công nếu được phép chuyển đổi cũng được song song chuẩn bị, để có thể khởi công khi được chấp thuận.