> Kỳ trước: Con nghiện từng tự chặt ngón tay, bị trả về lo hậu sự bất ngờ thành "bác sĩ cứu sốc"
Dấn thân vào nghề "cứu sốc", anh Hà Quang Hiệp (SN 1978, số nhà 12/26 phố Hàng Kênh, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng) và các cộng sự đã xác định ngay từ đầu rằng công việc mình lựa chọn không hề đơn giản.
Thật vậy, vô vàn khó khăn, rắc rối và phiền toái đã đến với anh và tất cả các anh em trong nhóm kể từ những ngày đầu thành lập cho tới tận bây giờ. Bên cạnh con số khổng lồ hàng trăm mạng sống được "cướp về" từ tay tử thần còn là cả 1001 câu chuyện bi hài mà chỉ người trong cuộc mới phần nào hiểu thấu...
Anh Hiệp và các cộng sự
Những "thánh địa ma túy" ngay giữa lòng đất Cảng
Cho đến tận bây giờ, Hải Phòng vẫn là địa phương thuộc hàng "cộm cán" về các loại hình tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy. Những xóm liều, chợ heroin khét tiếng một thời của đất Cảng dù đã bị dẹp bỏ đi nhiều, nhưng những vòi bạch tuộc còn sót lại vẫn cứ len lỏi khắp các ngóc ngách của Hải Phòng.
Không ồn ào và phô trương, những tay bán lẻ heroin trở nên tinh quái hơn, cẩn thận hơn, những loại hình giao hàng bí mật hơn cũng lần lượt được xuất hiện trong thành phố. Để rồi theo như lời một con nghiện "cụ" thì: "Đã bao giờ dân nghiện Hải Phòng thiếu thuốc đâu?".
Nhức nhối nhất vẫn là những địa danh quen thuộc như đường tàu Trần Nguyên Hãn, đường tàu Cầu Đất, ngõ Muối...
Có thâm niên tồn tại cỡ gần 20 năm, những "thánh địa ma túy" dạng này có sức sống dai dẳng tới khó tin. Hết lượt chủ này xộ khám tới lượt chủ kia đi tù sau những đợt càn quét của lực lượng công an, nhưng đám thiêu thân vẫn cứ lao đầu vào con đường buôn bán siêu lợi nhuận này không chút ngại ngần.
Để rồi với những con nghiện của Hải Phòng, những địa danh đó vẫn là một "thiên đường sung sướng".
Anh Hiệp chẳng lạ lẫm với bất cứ nơi nào có bóng dáng ma túy. Từ thời còn là con nghiện cho tới thời kỳ làm "bác sĩ" cho người nghiện, cuộc sống của anh hầu như đều gắn bó với những địa danh "kinh hoàng" đó.
Chỉ có điều, sự xuất hiện của anh tại những tụ điểm ma túy lúc này lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Anh đến để cứu mạng những con người đang ở dưới đáy của cuộc đời...
Anh Hiệp đang cứu người...
Nhóm của anh làm việc bất kể giờ nào, miễn là khi biết có người cần giúp đỡ
Quanh năm hành nghề tại... vỉa hè, từng bị đấm rách mắt
Có lẽ, chẳng có vị "bác sĩ" nào lại có địa điểm hành nghề đa dạng và kì lạ như Hà Quang Hiệp.
Anh chia sẻ hầu hết những lần cứu sốc của mình đều được diễn ra tại đường tàu, vỉa hè hoặc gầm cầu. May mắn thì gặp ngày nắng ráo, mọi thứ khô ráo thì còn đỡ, còn xui xẻo gặp những ngày mưa gió bão bùng thì cứ xác định cả người bệnh lẫn "bác sĩ" đều ướt nhẹp.
Tuy nhiên, bẩn thỉu hay nắng gió chỉ là chuyện vặt, nếu so với những thứ trở ngại khó nói hơn mà anh từng gặp trong nghề...
Hiệp trầm giọng bảo: "Có lần đang hô hấp nhân tạo cứu một ông ở ngay trước cửa nhà dân, bà chủ nhà mở cửa ra chửi đổng, bắt lôi bằng được người nghiện ra chỗ khác để cứu sốc chứ không cho cứu ở trước cửa nhà bà ấy.
Xót xa lắm em ạ. Nhịn không nổi, mình quay ra nói: "Cô ơi, đây là mạng người chứ không phải mạng con chó, con mèo đâu!".
Ấy vậy mà người ta cũng chẳng động lòng, vẫn nhất định bắt mang đi bằng được. Có khi nhà ở sát tụ điểm bán ma túy, chứng kiến cái cảnh đó nhiều quá nên con người ta bị chai sạn rồi!".
Còn có lần chạy vào khu đường tàu cứu người, chàng "bác sĩ" bất đắc dĩ còn bị đấm rách mắt vì bị nghi là... con nghiện. Ngoại hình bặm trợn cùng với những vết xăm trổ dày đặc trên người khiến đồng chí công an trẻ tuổi ngỡ anh là tội phạm, chứ không phải là "hiệp sĩ" cứu người.
Tới khi hiểu chuyện, anh công an mới ân hận xin lỗi rối rít, nhưng Hiệp cũng chỉ mỉm cười, không để bụng. Anh tếu táo: "Ai bảo cái mặt anh nó hung dữ quá làm gì!".
Công việc này anh Hiệp đã gắn bó rất lâu...
Không chỉ gặp rắc rối với người dân hoặc lực lượng công an, mà ngay cả với những "bệnh nhân" mình từng cứu mạng, mọi thứ cũng chẳng suôn sẻ hơn là mấy.
Tai nạn phổ biến nhất mà Hiệp gặp phải là những lần cứu người xong bị đổ ngay cho tiếng "trộm đồ". Lúc bị sốc thuốc ngất xỉu, bao nhiêu đồ đạc tiền bạc trên người nạn nhân cũng đã được "dọn dẹp" cho bằng sạch nhờ những... con nghiện khác.
Tới khi Hiệp và đồng nghiệp tới nơi, cứu chữa tận tình xong, nạn nhân tỉnh lại không thèm cảm ơn mà chỉ chăm chăm hỏi "đứa nào lấy trộm tiền"? Thậm chí, có nhiều trường hợp vừa tỉnh dậy còn mơ mơ màng màng đã tung ngay một cú đấm trời giáng vào mặt "bác sĩ".
Gặp những "ca khó" đó, Hiệp chỉ biết cười trừ cho qua chuyện.
"Người ta vừa sốc xong nên còn lơ mơ, mình cũng nên thông cảm em ạ. Tới khi tỉnh táo hẳn thì hiểu ra và xin lỗi rối rít, nhìn cũng thấy thương", anh nói.
"Anh vui vì công việc của mình cũng có thể trao lại cho những người nghiện một cơ hội được sống, được làm lại cuộc đời", anh Hiệp tâm sự.
Có điều, đó cũng mới chỉ là... một phần nho nhỏ trong vô số câu chuyện bi hài của nghề cứu sốc. Người thân, gia đình của những đối tượng đặc biệt này cũng nhiều lúc mang lại vô số chuyện phải làm.
Hiệp tâm sự: "Cứu người ta xong không phải là hết chuyện đâu. Nhiều khi mình còn phải đợi gia đình người ta đến để nhận con cái về, lại phải lựa lời khuyên can để họ tránh bức xúc, nổi giận với người nghiện.
Có gia đình tử tế thì còn đỡ, gặp nhiều gia đình họ chán quá, nản quá rồi thì có khi thông báo vừa cứu người nhà họ, họ còn bảo: Sao không để nó chết luôn đi cho rảnh nợ? Còn những trường hợp gọi điện cho người thân đến đón nhưng mãi chẳng ai chịu đến, lại phải móc tiền túi ra cho nạn nhân đi xe về cũng chẳng phải là chuyện hiếm hoi...".
Có điều, bên cạnh những "sự cố" đặc biệt ấy vẫn còn là rất nhiều những câu chuyện cảm động và đáng nhớ khác mà Hiệp cùng các đồng nghiệp đã trải qua.
Chàng "bác sĩ" bất đắc dĩ mỉm cười hồi tưởng lại: "Đối với xã hội, người nghiện là một cái gì đó đáng ghê sợ lắm, ở tận cùng dưới đáy của cuộc sống rồi. Nhưng với những người thân của họ, họ vẫn là người chồng, người cha, người con.
Nhiều gia đình khi biết con mình vừa được cứu sống thì mừng rỡ, hạnh phúc lắm, cứ cảm ơn bọn anh rối rít. Cha mẹ mà, dù con cái mình có ra sao thì họ vẫn cứ yêu thương, lo lắng suốt thôi. Mẹ anh cũng vậy...".
Anh Hà Quang Hiệp
Nỗi niềm người "vác tù và hàng tổng"
Hỏi Hiệp về thu nhập của công việc này, anh chỉ cười trừ. "Chi phí bọn anh nhận được chỉ đủ đổ xăng xe, uống nước, còn về cơ bản thì vẫn phải... ăn bám gia đình hoặc kiếm thu nhập nhờ công việc khác. Nếu nói làm nghề này vì tiền thì chắc không ai theo được".
Ai cũng cần được trao cơ hội
"Có nhiều người bảo sao bọn anh không tìm việc gì khác có ích hơn để làm đi, tại sao phải cứu mấy người nghiện làm gì? Nhiều kẻ ác miệng hơn còn bảo sao không để kệ những thành phần ấy chết đi cho xã hội an toàn?
Anh chỉ nghe và cười. Họ chưa rơi vào hoàn cảnh có người thân, có con em trong nhà nghiện ngập nên họ không thể hiểu được cảm xúc của người khác em ạ.
Họ cũng chưa từng hiểu được người từng nghiện ngập, thậm chí bệnh tật vẫn hoàn toàn có thể làm lại cuộc đời và đóng góp cho xã hội. Hơn nữa, ai sống trên đời cũng cần được trao cơ hội em ạ.
Anh vui vì công việc của mình cũng có thể trao lại cho những người nghiện một cơ hội được sống, được làm lại cuộc đời. Có thể trong số họ chỉ có một số ít thành công, nhưng dù chỉ là một người thì xã hội này cũng sẽ có thêm một gia đình hạnh phúc, đúng không em?" - anh HÀ QUANG HIỆP
Chẳng cần anh nói, tôi cũng hiểu nếu không có lý tưởng, không có niềm tin, có lẽ chẳng ai chọn cho mình công việc vất vả và khó khăn này.
Không nói tới chuyện bôn ba "công tác" nơi xóm liều, đường tàu bẩn thỉu, chỉ riêng việc "trực chiến" 24/24, sẵn sàng lên đường ngay cả lúc giao thừa hay mùng Một Tết, nghề "cứu sốc" này đã không phải là công việc dành cho những người thường.
Hiệp hài hước bảo đợt này anh đang "thất nghiệp".
Tại Hải Phòng, lực lượng chức năng đang ra quân rầm rộ truy quét tệ nạn ma túy nên các ca sốc thuốc bỗng dưng ít hẳn. Nhưng Hiệp và các đồng nghiệp của mình vẫn chẳng nhàn hạ hơn là mấy.
Mỗi tuần, anh và các bạn vẫn rong ruổi tới các khu gầm cầu, xóm liều - nơi tụ tập đông các đối tượng nghiện ngập để giao lưu, tuyên truyền về HIV, động viên họ đi xét nghiệm để nắm rõ tình hình sức khỏe của mình.
Thậm chí những trường hợp người nghiện muốn từ bỏ ma túy, Hiệp và các bạn cũng sẵn sàng đóng vai "tư vấn viên" để hướng dẫn họ và gia đình tiếp cận những cơ sở điều trị nghiện bằng Methadone trong thành phố.
Bên cạnh hàng trăm con người được cứu sống, cũng có từng ấy những nạn nhân của ma túy tìm lại về được với cuộc đời nhờ những lần gặp gỡ cùng Hiệp và đồng nghiệp.