Dùng dao chặt phăng ngón tay mình để thề từ bỏ ma túy
Đôi mắt lì lợm và lạnh lùng, gương mặt sạm đen mang chút dữ dằn, thân hình xăm trổ chằng chịt cộng thêm một vài vết sẹo cứ khiến cho anh nhìn giống hệt một "giang hồ" thứ thiệt.
Thoạt nhìn qua, bề ngoài của Hà Quang Hiệp (SN 1978, số nhà 12/26, phố Hàng Kênh, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng) chẳng có chút liên quan nào tới nghề "bác sĩ", dù rằng số người từng được anh cứu sống phải lên tới con số hàng trăm.
Hiệp sinh ra ở một khu vực khá nổi tiếng của đất Hải Phòng - phố Hàng Kênh (Q.Lê Chân -Hải Phòng), khu vực nửa phố thị nửa chợ búa này một thời từng khét tiếng với đủ mọi loại tệ nạn, giang hồ và tội phạm.
Không chỉ là nơi xuất thân của hàng loạt những gã giang hồ khét tiếng đất Cảng như anh em nhà Giới "trâu", Thỏ "rít", khu Hàng Kênh còn một thời "rợp trời" bóng nghiện.
Những tụ điểm ma túy nổi danh ở Chợ Con, xóm Chùa, đình Hàng thời những năm 2000 - thời hoàng kim của cái chết trắng tại Hải Phòng - đã góp phần khiến rất nhiều thanh niên của khu phố này biến thành con nghiện. Hà Quang Hiệp cũng không ngoại lệ!
Lẩm nhẩm tính lại, Hiệp bảo: "Anh chơi ma túy chắc cũng độ... mười mấy năm rồi. Cũng như mọi con nghiện khác thôi, đầu tiên là bị bạn bè rủ rê, lôi kéo. Mà cái thời của anh thì thanh niên ở phố nghiện nhiều lắm, đi đâu cũng thấy.
Mười mấy tuổi đã bị bập vào heroin rồi, hút hít được ít lâu thì chuyển sang chích. Làm được đồng nào thì nướng hết vào ma túy đồng ấy cả. Rồi lại còn dính cả HIV...".
Anh Hiệp (áo trắng) đã gia nhập nhóm cộng đồng Vòng tay bè bạn - nơi anh và những người bạn trở thành những "Bác sĩ chuyên cứu người nghiện" ở Hải Phòng!
Nhắc tới căn bệnh thế kỷ đang mang trong người, giọng Hiệp như trầm xuống. Anh kể, mình phát hiện ra bị nhiễm HIV từ năm 2002, mà nguyên nhân là do chơi chung kim cùng bè bạn.
Kể từ khi biết mình nhiễm bệnh, anh lại càng chán nản và lún sâu hơn vào ma túy.
Trường trại đi không biết bao nhiêu lần cũng chẳng giúp anh từ bỏ nổi "nàng tiên trắng", thậm chí có lần phẫn uất anh rút dao chặt phăng ngón tay trỏ đi để thề "không đụng vào ma túy", nhưng rốt cuộc thì Hiệp vẫn... tái nghiện đều.
Cứ tưởng cái vòng luẩn quẩn nghiện - cai - tái - đi trường ấy sẽ còn tiếp diễn tới khi chết mới thôi, nhưng bất ngờ, một bước ngoặt lớn xảy ra đã khiến cuộc đời Hà Quang Hiệp rẽ sang hướng khác.
Anh Hà Quang Hiệp được gọi là "hiệp sĩ" cứu sốc cho những con nghiện ở đất Cảng
Bị trại cai nghiện trả về cho gia đình lo hậu sự
Thời điểm đó là năm 2008, lúc Hiệp đang cai nghiện tại trại Gia Minh, Hải Phòng. Căn bệnh HIV làm Hiệp sụt cân nghiêm trọng, khắp người nổi đầy hạch, bác sĩ của trại đến khám rồi vội vã ra quyết định trả về nhà để gia đình lo hậu sự.
Nhắc tới chuyện này, Hiệp chỉ cười cười: "Cái giống đi trại trả về này thì em biết rồi đấy, 100 ông thì chết đến 99. Thường thì chỉ sống được vài ngày nữa thì trại mới gọi gia đình lên lãnh về.
Lúc được trại thông báo chuẩn bị được về nhà, anh cũng biết mình "sắp đi" rồi. Thật lòng, khi ấy anh cũng chẳng hi vọng gì sống sót, cũng không sợ hay lo lắng mà chỉ thấy thanh thản như kiểu sắp được giải thoát. Mình chết đi cũng nhẹ gánh cho gia đình, xã hội và thoát khỏi cái kiếp khổ sở của thằng nghiện!".
Chuẩn bị sẵn sàng tâm lý như vậy, nhưng cuối cùng Hiệp lại... không hề chết. Chẳng hiểu tại sao nhưng khi về tới nhà, sức khỏe của anh lại hồi phục một cách thần kỳ. Bệnh tật rút lui, Hiệp tăng cân cả chục ký và chỉ hơn một tháng sau đã gần như có thể sinh hoạt bình thường trở lại.
Nhớ lại kỷ niệm để đời này, Hiệp bảo: "Có khi còn nợ cuộc đời này nhiều cái, nên chưa chết được!".
Nhưng một lần nữa được trở lại cuộc đời đã khiến cho những suy nghĩ của Hiệp thay đổi hoàn toàn. Đối diện với cái chết, anh mới hiểu được cái quý giá của việc được sống, nhận ra giá trị của những điều mình từng đánh mất và quyết tâm giành lại cho mình quyền được sống như một con người...
Hơn ai hết, anh thấu hiểu hoàn cảnh của những người lầm lỡ và sẵn sàng giúp họ mọi lúc, mọi nơi
Làm công việc "ít người dám dấn thân"
Hiệp bảo sau đợt ấy, anh cứ như một con người khác hẳn. Chưa bao giờ, khao khát được sống tử tế, sống như một người bình thường lại bùng cháy mãnh liệt trong anh như thế.
Từng ấy năm nghiện ngập, làm khổ gia đình và tự đọa đày bản thân mình như vậy cũng đã là quá đủ rồi.
Anh tự nguyện nộp đơn xin điều trị nghiện bằng Methadone và gia nhập nhóm cộng đồng Vòng tay bè bạn - nơi anh và những người bạn trở thành những "Bác sĩ chuyên cứu người nghiện" ở Hải Phòng!
Nói về lý do chọn công việc chữa sốc, cứu sốc cho người nghiện, Hiệp trầm ngâm bảo: "Anh nghĩ đơn giản lắm. Làm một việc tốt, cứu một mạng người, vậy là đủ rồi. Bất kể họ có là người nghiện hay người bình thường thì cũng có gia đình, có cha sinh mẹ đẻ cả. Anh và mọi người vẫn luôn tâm niệm rằng: Mình đang nỗ lực để cứu những con người!".
Anh Hiệp trong một lần cứu sốc cho người nghiện
Hiệp bảo, tới tận bây giờ anh vẫn chưa quên được cảnh tượng mình từng chứng kiến phương pháp chống sốc của dân nghiện đường tàu. Những chiếc kim tiêm cũ nằm rải rác khắp vệ đường được thu gom lại, súc sơ qua chút nước lã, rồi lại thản nhiên hút nước, bơm thẳng vào tĩnh mạch nạn nhân.
Phương pháp chống sốc của dân nghiện đường tàu chỉ có đơn sơ như vậy. Họ chỉ nghĩ đơn giản là tiêm càng nhiều nước vào mạch máu, nồng độ ma túy càng được pha loãng và nhờ vậy, người sốc ma túy sẽ... an toàn.
Hiệp lắc đầu: "Tới tận bây giờ anh vẫn còn rùng mình khi nhớ lại cái cảnh đó em ạ. Bao nhiêu cái kim tiêm bẩn cứ liên tục đâm vào ven nạn nhân, có cứu sống được thì cũng dính đủ thứ bệnh trên người.
Chưa kể tới cái thứ nước dùng để tiêm vào ven toàn là nước lã, may mắn ra thì còn có tí nước sạch, không thì cả nước máy cũng dùng luôn. Tính mạng người nghiện rẻ rúng lắm em ạ, chẳng ai chịu bỏ ra chục ngàn để mua kim tiêm sạch, chứ đừng nói tới nước cất vô trùng...".
Anh đã làm những việc mà "ít người dám dấn thân"...
Rồi Hiệp trầm ngâm nhớ lại: "Có nhiều đứa còn trẻ lắm, mới chỉ mười mấy tuổi đầu. Rồi thì có người ăn mặc tử tế, đàng hoàng, chắc bỏ lâu rồi nhưng buồn chán rồi chơi lại. Còn có nhiều trường hợp nữa nhìn mà thấy xót xa lắm em ơi.
Hồi đó, nếu vô tình gặp được cảnh như vậy thì anh bỏ tiền ra mua cho họ mấy cái kim tiêm mới, nhưng đâu phải lúc nào mình cũng có mặt được đâu. Rồi thì có lúc đến nơi thì người ta đã cứu sắp xong rồi. Cảm giác bất lực lắm em ạ, nhất là khi nhẩm tính ra thì mạng người có khi chưa tới hai chục nghìn đồng...".
Hiệp kể lại nguyên nhân đưa anh vào nghề cứu sốc một cách đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng tôi hiểu còn có rất nhiều điều chưa nói phía sau câu chuyện còn bỏ ngỏ của anh. Những thứ nỗi niềm mà chỉ có người từng sống trong cảnh khổ sở tận cùng của kiếp người trót nghiện ngập mới có thể thấu hiểu và thông cảm.
(Còn nữa)