Dự án "lên trời gọi mưa" gây sốc: "Không ai... đi tắt đón đầu"

Thành Công (TH) |

Ông Phan Đình Phương, Giám đốc Công ty Công nghệ An Sinh Xanh (trụ sở ở Đà Nẵng) là chủ nhân của dự án "lên trời gọi mưa" gây sốc này.

Bước đầu, theo ông Phương, kinh phí của dự án là 5.000 tỷ đồng.

Được biết, cùng với việc trình đề xuất dự án này lên Chính phủ và Bộ để xin ý kiến, công ty của ông Phương công ty này xin tạm ứng 5.000 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, hóa chất thử nghiệm đợt 1 vào tháng 10 tại Đà Nẵng, đồng thời có số vốn triển khai trong năm 2016, 2017.

"Lên trời gọi mưa" theo lời ông Phan Đình Phương là một dự án nhằm điều hòa mưa trên lãnh thổ Việt Nam để không còn cảnh nơi hạn hán, nơi bị ngập lụt.

"Việt Nam là nước nhiệt đới, có rất nhiều núi. Núi luôn có mây bao quanh, mây từ biển thổi vào rất nhiều. Tôi sẽ lập những trạm tạo mưa cả trên đất liền lẫn trên biển. Gió đưa mây vào đất liền thì nếu muốn chống ngập tôi sẽ đón ngay trên biển để tạo mưa. Như vậy sẽ giảm ngập lụt.

Ngược lại, những trạm ở vùng khô hạn có nhiệm vụ tạo mây, thu hút mây và gây mưa, đảm bảo sẽ không có khô hạn", ông nói về dự án của mình.

Về dự án của ông Phương, tiến sĩ Ngô Quang Toàn (Viện phó Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ biển thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) nhận định trên tờ Zing.vn rằng, nó có phần "hoang tưởng". Theo ông, việc phòng tránh biến đổi khí hậu là việc lâu dài, phải tìm ra nguyên nhân để khắc phục chứ "không ai làm theo kiểu đi tắt đón đầu".

Bởi theo TS Toàn, việc tác động vào thiên nhiên không phải nói là làm được. Ông dẫn chứng những trường hợp năm 2015 nước Nga có cuộc duyệt binh quan trọng nên đã dùng phương pháp bắn tên lửa lên trời. Tuy nhiên, cách làm này rất tốn kém.

Còn TS Châu Ngọc Điệp (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam) thì nhận định trên tờ Người đưa tin, đây là đề án "quá phiêu lưu và mạo hiểm".

"Nếu họ chứng minh được cho các nhà khoa học rằng họ có thể hô mưa gọi gió, và thông tin các thiết bị họ mua do nước nào sản xuất thì dự án mới có tính khả thi. Còn nếu không điều này là rất mông lung", ông Điệp nói theo nguồn trên.

Trên tờ Sài Gòn giải phóng, GS-TS Phan Văn Tân (Chủ nhiệm Bộ môn khí tượng, Khoa Khí tượng thủy văn và hải dương học thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội) cũng khẳng định dự án này bất khả thi.

Ông cho hay, thế giới hiện vẫn dùng phương pháp gây mưa nhân tạo là sử dụng Nitrat bạc tạo ra hiện tượng ngưng kết hơi nước trong không khí thành các đám mây. Thế nhưng với nước ta, do địa hình hẹp và dài nên điều này rất khó làm.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại