Chuyện của những ông trùm giao đồ ăn: Thành tỷ phú nhờ đại dịch, hết dịch không còn là tỷ phú

LINH LAM (THEO BLOOMBERG) |

Tài sản của các nhà sáng lập trong ngành giao đồ ăn giảm mạnh sau khi người dân quay lại cuộc sống bình thường.

Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, nhiều người dân bị mắc kẹt tại nhà và phải chuyển sang đặt hàng trực tuyến, nhờ đó một thế hệ tỷ phú mới đã ra đời. Đó là những ông trùm giao đồ ăn.

Ba nhà đồng sáng lập của DoorDash – công ty có trụ sở tại San Francisco, mỗi người đều tích lũy được khối tài sản từ 2,5 tỷ USD. Jitse Groen, người sáng lập nền tảng Just Eat Takeaway.com cũng sở hữu khối tài sản 1,5 tỷ USD.

Thế nhưng, những khối tài sản tỷ USD kia chỉ như một giấc mơ khi các thực khách quay lại ăn uống tại các nhà hàng, thay vì chỉ gọi mang về. Bên cạnh đó, cổ phiếu công nghệ cũng không còn sức hấp dẫn với các nhà đầu tư trong bối cảnh môi trường vĩ mô thay đổi.

Số cổ phần Groen nắm giữ giảm xuống còn 350 triệu USD. Hai đồng sáng lập của DoorDash là Andy Fang và Stanley Tang không còn là tỷ phú, trong khi tài sản của CEO Tony Xu giảm xuống còn 1,1 tỷ USD.

Nhiều người khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trong đó bao gồm Will Shu của Deliveroo Plc. Tháng 8 năm ngoái, số cổ phần của Shu trị giá 620 triệu USD, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 150 triệu USD.

Mott Smith, CEO Amped Kitchens – công ty cho thuê không gian bếp, chia sẻ: “Sự kết thúc của các đợt phong tỏa đã cho chúng tôi thấy giới hạn của ngành giao đồ ăn”.

Chuyện của những ông trùm giao đồ ăn: Thành tỷ phú nhờ đại dịch, hết dịch không còn là tỷ phú - Ảnh 1.

Tony Xu, CEO DoorDash. Ảnh: Getty Images

Sau khi ghi nhận mức tăng “khủng” vào năm 2020 và phần lớn năm ngoái, cổ phiếu của các hãng giao đồ ăn hàng đầu liên tục lao dốc, “đánh bay” hơn 100 tỷ USD giá trị thị trường. Trong khi hầu hết đang cố gắng tăng doanh thu, mức tăng trưởng đã chững lại so với mức tăng đột biến năm 2020.

Sự suy thoái thị trường gần đây và lạm phát dai dẳng cũng đang bào mòn tiền tiết kiệm của người tiêu dùng, khiến họ phải cắt giảm chi tiêu. Cổ phiếu công nghệ đã giảm mạnh trên diện rộng trong bối cảnh lãi suất tăng và lo ngại về suy thoái kinh tế.

“Rất khó để xác định đâu là đáy. Lĩnh vực này chưa bao giờ trải qua tình huống kết hợp của cả lạm phát cao và sự không chắc chắn về nhu cầu ở trạng thái bình thường mới", nhà phân tích Diana Gomes tại Bloomberg Intelligence nhận định.

Một số hãng đã chuyển trọng tâm sang việc cắt giảm chi phí, khi nhà đầu tư thúc ép các công ty kiếm tiền thay vì chi tiêu để tăng thị phần. Cổ phiếu Just Eat đã tăng 12% sau thông tin nhà sáng lập Grubhub là Matt Maloney đang cân nhắc mua lại hoạt động của công ty ở Mỹ chỉ một năm sau khi bán cho Just Eat với giá 7,3 tỷ USD.

Sự giàu có của những nhà sáng lập đã được tích lũy trong nhiều năm và sau đó dường như bùng nổ chỉ sau một đêm. Xu và hai đồng sáng lập xây dựng DoorDash khi họ còn là sinh viên tại Đại học Stanford. Groen cũng là một sinh viên tại Đại học Twente ở Hà Lan khi sáng lập nên công ty tiền thân của Just Eat năm 2000. 

Will Shu đã hoàn thành chương trình học tại Trường kinh doanh Wharton trước khi thành lập Deliveroo ở London năm 2013.

Trước đại dịch, sự phát triển của các công ty giao đồ ăn dường như là vô hạn. Khi DoorDash niêm yết vào tháng 12/2020, mã này đã tăng 92% trong ngày đầu lên sàn. Những nhà đồng sáng lập đã bắt đầu chuyển một phần của cải của mình vào ngân hàng. Theo tính toán của Bloomberg, Xu, Fang và Tang đã bán tổng cộng hơn 356 triệu USD cổ phiếu trong 17 tháng qua.

Đáng chú ý, nhiều công ty giao đồ ăn từng có mức tăng trưởng lớn nhất – và sau đó sụp đổ - có trụ sở tại châu Âu. Đây vốn là nơi không phổ biến với văn hóa giao đồ ăn và bây giờ, những công ty này chịu rủi ro lớn khi mọi thứ đang dần trở lại bình thường.

Usha Haley, một giáo sư kinh doanh tại Đại học Bang Wichita, cho biết: "Đây là một hiện tượng của Mỹ và lan rộng ra toàn thế giới trong một thời điểm”. Những nhà sáng lập này hiện trải nghiệm một khía cạnh khác của cuộc sống Mỹ: Không phải tất cả các tỷ phú giàu lên nhanh chóng đều có thể bám vào vận may mãi mãi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại