Chuyện của những người lính bay

NGUYỄN ĐỨC TUẤN |

Từ lâu, tôi luôn tò mò muốn biết, để thực hiện một ban bay thì công tác tổ chức, chuẩn bị diễn ra như thế nào. Mới đây, tôi đã được đáp ứng. Nó khác xa so với những gì tôi mường tượng, nhưng cũng đầy hấp dẫn, thú vị.

Chuẩn bị bay

Tính đến thời điểm hiện nay của năm 2018, Trung đoàn Không quân trực thăng 917 (Sư đoàn Không quân 370, Quân chủng Phòng không-Không quân) đã thực hiện hơn 100 ban bay cả ngày và đêm, bảo đảm an toàn bay tuyệt đối.

Nhiệm vụ chính của trung đoàn là bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, thềm lục địa, hải đảo phía Nam của Tổ quốc. Ngoài ra, trung đoàn còn làm nhiệm vụ bay chuyên cơ, tìm kiếm cấp cứu, vận chuyển, cứu hộ, cứu nạn, diễn tập và nhiều nhiệm vụ đột xuất khác.

Đại tá Đỗ Thanh Hồng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân trực thăng 917, giải thích ngắn gọn: “Một ban bay gồm ba giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị bay, giai đoạn thực hành bay và giai đoạn giảng bình bay.

Khâu nào cũng quan trọng và yêu cầu phi công, thành viên tổ bay phải chuẩn bị tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Khi thực hiện phải đúng theo nội dung các bước, tham số, số liệu theo giáo trình huấn luyện chiến đấu và xử lý thành thạo các vấn đề bất trắc trên không”.

Vào thứ hai hằng tuần, trung đoàn trưởng chủ trì hội nghị ra chỉ thị bay với sự tham gia của chỉ huy trung đoàn, chỉ huy và chính trị viên các cơ quan, đơn vị cùng thành phần trực ban (trinh sát, khí tượng, quân y, thông tin, dẫn đường...).

Tại đây, sau khi nghe báo cáo công tác chuẩn bị của các cơ quan, đơn vị cho hoạt động bay, trung đoàn trưởng kết luận nhiệm vụ bay trong tuần; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị và phân công cá nhân phụ trách.

Căn cứ vào điều kiện khí tượng cụ thể trung đoàn trưởng sẽ quyết định tổ chức các ban bay trong tuần. Vì thế, sẽ có kế hoạch bay trong điều kiện khí tượng giản đơn và kế hoạch bay trong điều kiện phức tạp.

Cũng trong hội nghị này, tất cả phi công và thành viên tổ bay được kiểm tra về cách sử dụng trang thiết bị trên máy bay, lý thuyết bài bay, xử lý bất trắc… và có đánh giá, cho điểm. Chỉ những ai đạt từ khá, giỏi trở lên mới được phép tham gia bay, nếu không sẽ phải học tập và huấn luyện lại.

Thượng tá Lê Toàn Thắng, Phó phi đội trưởng Phi đội 2, Trung đoàn Không quân trực thăng 917, cho biết:

“Có 46 tình huống bất trắc và cách xử lý trên các loại máy bay trực thăng. Xử lý tốt những tình huống bất trắc là bảo đảm an toàn cho các thành viên của tổ bay. Vì thế, bất kỳ là phi công lão luyện hay học viên đều phải nhớ chi tiết, tuần tự từng thứ tự động tác, cái gì trước, cái gì sau”.

14 giờ cùng ngày, Đại tá Đỗ Thanh Hồng, Trung đoàn trưởng-Chỉ huy ban bay huấn luyện vào ngày hôm sau tiếp tục chủ trì buổi giao nhiệm vụ bay với sự tham gia của tất cả cơ quan, đơn vị và thành viên tổ bay tham gia ban bay.

Kế hoạch, nhiệm vụ, ý định tổ chức bay, yêu cầu và mọi vấn đề liên quan được người chỉ huy phổ biến, quán triệt đến các thành viên liên quan. Tiếp đến, trung đoàn trưởng phổ biến, quán triệt kế hoạch bay, bài bay, yêu cầu thực hiện tới từng tổ bay.

Buổi giao nhiệm vụ bay giống hệt một giờ học toán, trong đó trung đoàn trưởng vừa là chỉ huy bay, vừa là thầy giáo, còn sinh viên là thành viên các tổ bay. Với đề bài do “thầy giáo” đưa ra, các “sinh viên” nhanh chóng sử dụng ê-ke, thước kẻ và một số học cụ đặc thù để thể hiện bằng hình vẽ rồi tính toán.

“Thầy giáo” Hồng cũng lưu ý “sinh viên” tập trung ôn tập về tham số chế độ máy bay động cơ; hệ thống chống cháy trên máy bay; hệ thống thủy lực và đặt ra tình huống hỏng hệ thống dầu đỏ và cả hai hệ thống; xử lý hỏng động cơ khi bay treo dưới 10m; xử lý cháy trong khoang động cơ trái, phải.

Tất cả những nội dung trên đều được phi công và thành viên tổ bay ghi chép, thể hiện vào sổ chuẩn bị bay.

Thời gian chuẩn bị để kiểm tra diễn ra trong 1 giờ 30 phút. Khoảng thời gian này, không khí trong phòng như một buổi kiểm tra. Phi công và thành viên tổ bay chăm chú, nghiêm túc nghiên cứu, giải bài tập cho đề bài do trung đoàn trưởng-chỉ huy bay đưa ra.

Thượng sĩ, học viên phi công Nguyễn Minh Chiến, K44, Trường Sĩ quan Không quân đang được gửi về đơn vị đào tạo, chia sẻ:

“Việc chuẩn bị tốt bài bay giúp phi công nắm thành thạo về động tác, số liệu bay. Đây cũng là một hình thức để ôn tập. Tất cả phi công và thành viên tổ bay đều phải làm tốt công tác chuẩn bị này”.

16 giờ 30 phút, Đại tá Đỗ Thanh Hồng bắt đầu kiểm tra các phi công và thành viên tổ bay. Không khí diễn ra khá sôi nổi, các câu hỏi do trung đoàn trưởng đưa ra đều được trả lời lưu loát, chính xác.

Sau mỗi phần trả lời, với kinh nghiệm của một phi công cấp 1, bay chuyên cơ có 40 năm trong nghề và 3.000 giờ bay, Đại tá Đỗ Thanh Hồng đều góp ý thêm cho từng phi công và thành viên tổ bay. Kết quả kiểm tra công tác chuẩn bị, chuẩn bị hiệp đồng đạt chất lượng tốt nên tất cả phi công và thành viên tổ bay đều được trung đoàn trưởng phê chuẩn cho phép bay.

Trong cùng buổi chiều, công tác kiểm tra, bảo đảm kỹ thuật trước ngày bay cũng được cơ quan kỹ thuật của trung đoàn và các phi đội thực hiện theo đúng quy định.

Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Phi công cấp 1, Chính ủy Trung đoàn Không quân trực thăng 917, cho biết: “Trong nghề bay, mọi sai lầm, sai sót dù là nhỏ nhất đều phải trả giá bằng tính mạng của phi công, thành viên tổ bay và tài sản Nhà nước. Vì thế, mọi công tác chuẩn bị phải được tuân thủ chặt chẽ, đúng quy trình, quy định”.

Thực hành bay và giảng bình bay

Ngày bay, từ 4 giờ sáng, các thành phần tham gia ban bay đã thức dậy. Màn đêm và không gian tĩnh lặng vẫn bao trùm khắp miền Tây Nam Bộ. Có mặt sớm nhất tại sân bay là những nhân viên kỹ thuật làm công tác kiểm tra, kiểm soát máy bay trước khi thực hiện các chuyến bay trong ngày và tra nạp nguyên liệu, tra lắp vũ khí theo phương án của cấp trên.

Giai đoạn này gọi là chuẩn bị trước khi bay, nằm trong quy trình kỹ thuật 4 bước. Theo quy định, giai đoạn này phải được thực hiện trước khi bay chính thức 2 giờ đồng hồ.

Với chiếc đèn pin trên tay, nhân viên kỹ thuật tỉ mỉ, cẩn thận kiểm tra lại từng bộ phận, trang thiết bị trên máy bay. Mọi công việc cứ diễn ra một cách thầm lặng nhưng cũng rất khẩn trương. Chỉ với động tác lướt ngón tay trên bảng cầu chì, các anh đã có thể kiểm tra mọi công tắc trên bảng đã ở đúng vị trí theo quy định hay chưa.

Trong không gian tĩnh mịch buổi sáng sớm, tiếng lạch cạch tháo lắp các bộ phận, tiếng tắt bật đèn pin, tiếng máy nổ thông điện và ánh đèn pin nhảy múa tạo cho tôi một ấn tượng khó diễn tả.

Khi đã kiểm tra xong, nhân viên kỹ thuật ghi chép lại mọi thông số kỹ thuật vào từng cuốn sổ riêng. Mỗi máy bay đều có 5 cuốn sổ theo dõi, gồm: Sổ máy bay động cơ, sổ thiết bị hàng không, sổ vô tuyến điện tử, sổ vũ khí hàng không và sổ chuẩn bị bay.

Gần 30 năm làm công tác kỹ thuật, Thượng tá QNCN Hoàng Vương Thành, Phó phi đội trưởng Kỹ thuật Phi đội 2, nghiệm ra rằng: “Công việc này sẽ rèn giũa cho người ta đức tính tỉ mỉ, cẩn thận. Không tỉ mỉ, cẩn thận không được vì đó là trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp”.

5 giờ 20 phút, công việc chuẩn bị các máy bay trước khi bay đã hoàn thành. Cán bộ phụ trách kỹ thuật hai phi đội báo cáo trực ban kỹ thuật để báo cáo cấp trên. Từ báo cáo của các bộ phận liên quan, sở chỉ huy trung đoàn báo cáo cấp trên theo quy định và xin phép bay.

Sau khi được phép bay, trung đoàn trưởng chủ trì cuộc họp với các thành phần tham gia bảo đảm ban bay để nghe báo cáo từ các thành phần trực ban, như: Trực ban khí tượng, tham mưu, quân huấn, Phi đội 1, Phi đội 2, dẫn đường, thông tin radar, chính trị, quân y…

Từ báo cáo về tình hình của các thành phần liên quan, trung đoàn trưởng hạ lệnh bay trực tiếp và quyết định bài bay.

Tôi may mắn được tham gia chuyến bay đầu tiên cùng tổ bay trên chiếc Mi-171 cùng với Trung tá Phí Hoàn, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn Không quân trực thăng 917, phi công lái chính; Thượng tá Nguyễn Đăng Nam làm giáo viên bay; Thiếu tá Đồng Văn Vụ, phi công lái phụ kiêm dẫn đường; Thiếu tá QNCN Vũ Văn Huynh, cơ giới trên không và Đại úy QNCN Phạm Duy Anh, cơ giới trên không.

Lần đầu tiên được ngồi trên máy bay trực thăng nên cảm giác của tôi khá hồi hộp. Nhưng rồi cảm giác ấy nhanh chóng tan biến khi máy bay bắt đầu khởi động. Tiếng cánh quạt, tiếng động cơ rít lên trong gió...

Dưới sự điều khiển của Trung tá Phí Hoàn, chiếc máy bay nâng dần độ cao và tiến về phía trước một cách nhẹ nhàng. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã đạt tới độ cao 300m. Bình minh lúc này đã ló rạng nhưng cả vùng đất Tây Nam Bộ như còn ngái ngủ. Sương sớm vẫn bảng lảng trên những vườn dừa.

Dưới cánh bay Mi-171, vùng đất Tây Nam Bộ hiện ra như những tấm thảm với màu xanh ngút ngàn của cây trái, xen giữa là sông ngòi, kênh, rạch và được điểm xuyết bởi những mái nhà đa màu sắc.

Chuyện của những người  lính bay - Ảnh 2.

Nhân viên kỹ thuật kiểm tra các thông số trên khoang lái máy bay.

Chuyến bay trinh sát quan sát của chúng tôi kết thúc lúc 7 giờ 30 phút. Trong lúc chúng tôi bay, các máy bay khác cũng xuất phát theo lệnh của chỉ huy bay. Cứ thế, các chuyến bay nối tiếp nhau thực hiện các bài bay như đã định.

10 giờ 20 phút, sau chuyến bay kết thúc, tất cả thành phần nhanh chóng tập trung về phòng để nghe giảng bình bay sơ bộ và giảng bình toàn bộ ban bay dưới sự chủ trì của Đại tá Đỗ Thanh Hồng.

Ban bay ngày hôm nay tuy còn một số vấn đề cần khắc phục, song nhìn chung các phi công, học viên bay đã có nhiều cố gắng, tiến bộ; bảo đảm an toàn tuyệt đối; công tác tổ chức, chỉ huy bảo đảm chặt chẽ, sắp xếp kế hoạch bay khoa học, chấp hành nghiêm mệnh lệnh chỉ huy, quy chế sân bay, đường bay, khu vực bay…

Ban bay kết thúc cùng những trải nghiệm thú vị sau một ngày dọc ngang trên bầu trời cùng những người lính không quân mở ra cho tôi những suy nghĩ mới, khác lạ. Tự hào thay về họ, những người đang ngày đêm làm chủ bầu trời vùng cực Nam Tổ quốc...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại