Abivin - startup Việt được xướng tên quán quân trong cuộc thi Startup World Cup 2019 - được công chúng biết đến lần đầu khi 2 co-founder, cũng là hai vợ chồng Nam Long và Hoàng Anh, có màn gọi vốn rất thuyết phục trên Shark Tank Việt Nam mùa 2 phát sóng vào cuối tháng 8/2018.
Mặc dù nhận được cam kết rót vốn 200.000 USD từ Shark Dzung Nguyen trong tập 8, theo cập nhật từ BTC Shark Tank Việt Nam , danh sách 11 startup nhận được vốn đầu tư thực từ các cá mập không có tên Abivin.
Startup theo mô hình B2B (cung cấp dịch vụ/sản phẩm tới doanh nghiệp chứ không phải người dùng cuối), cung cấp phần mềm quản lý vận tải với thuật toán tối ưu để giải quyết bài toán định tuyến đường đi đã gây ấn tượng và giành giải nhất trong cuộc thi TechFest 2018 sau đó.
Khát vọng Unicorn từ một slogan được gợi ý từ bạn trẻ Singapore
Ảnh minh họa. Nguồn: Fortune.
TechFest là Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, được triển khai trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.
Năm 2018, một bạn trẻ Singapore sang Việt Nam đã gợi ý rằng: Các startup Việt Nam phải nghĩ bước ra toàn cầu như các startup Singapore, nhưng phải đứng trên mảnh đất của mình, trên đôi chân của mình, trên điều kiện của Việt Nam, chứ đừng bay bổng quá.
Startup cũng như bóng đá, phải có nhà đầu tư - những người dám chấp nhận cách nghĩ, cách chơi, cách nuôi đội tuyển một cách khác biệt.
Slogan cho TechFest 2018 được đặt theo gợi ý đó - From here to Global.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ rằng, "From here" tức là đứng trên mảnh đất và điều kiện của Việt Nam, nhưng tầm nhìn ước mơ phải dám vươn toàn cầu ("to Global").
"Chúng tôi cũng thay đổi format cuộc thi. Ngôn ngữ pitching toàn bằng tiếng Anh, pitching trong 5ph, ban giám khảo là những người gai góc, những nhà đầu tư, các chuyên gia… Không có người nâng đỡ, khuyến khích, trao giải mang tính phong trào nữa", Cục trưởng Quất chia sẻ.
Trong năm đầu tiên thay đổi format, giương cao quyết tâm "ấp trứng" Unicorn ấy, đội giành giải vô địch TechFest là Abivin của cặp vợ chồng trẻ Nam Long và Hoàng Anh - những du học sinh từ Anh và Phần Lan trở về startup trên đất mẹ.
Không đủ vé cho 2 người sang Mỹ nên cô vợ Hoàng Anh phải pitching một mình, không ngờ ẵm luôn giải vô địch
Lựa chọn Abivin để tham dự Startup World Cup 2019, ông Quất thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ lúc ấy rằng "chắc cũng để đi cọ xát như đội bóng đá Việt Nam".
"Tài trợ cho họ vé mà không đủ vé cho 2 người, chỉ 1 người tham dự. Không ngờ ít ngày sau Việt Nam được xướng tên là đội đoạt giải vô địch World Cup về startup công nghệ", Cục trưởng Quất nhớ lại.
Trong bức ảnh ghi lại khoảnh khắc nhận giải thưởng ngày 18/5, Hoàng Anh đại diện cho Abivin lên nhận giải. Đại diện Abivin đã pitching tranh đấu với đại diện của hơn 40 quốc gia để giành được giải thưởng 1 triệu USD chung cuộc.
"Điều ấy vô cùng bất ngờ. Khi nhận được tin báo về, chúng tôi tràn đầy cảm hứng. Rõ ràng trí tuệ Việt Nam có thể giải bài toán được toàn cầu chấp nhận. Mặc dù bài toán logistics và các thuật toán của Việt Nam là chính, nhưng rõ ràng thị trường đầu tư cho việc này là vô cùng lớn, và chúng ta đã làm được điều rất thần kỳ", ông Quất chia sẻ.
Người theo sát Đề án 844 cho rằng, hệ sinh thái startup Việt Nam cũng giống như bóng đá, để đội tuyển Việt Nam có thể làm một điều thần kỳ thì phải cần một đội.
"Phải có nhà đầu tư - những người dám chấp nhận cách nghĩ, cách chơi, cách nuôi đội tuyển một cách khác biệt.
Đầu tiên là phải thế, để về lâu về dài mới có những đội tuyển thành công, mới có những doanh nhân tỷ USD. Tôi cho rằng cần chung tay xây dựng những đội tuyển như thế, và những "ông lớn", những người đi trước, kể cả HLV hay những ông bầu trong game này đều rất quan trọng", Cục trưởng Quất nhận định.