Đến ngày 30-5, văn bản kiến nghị gửi các đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh một số nội dung trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, việc cấm bán rượu bia theo giờ là thiếu khả thi và ảnh hưởng đến ngành du lịch.
Cấm bán theo giờ, khó khả thi
Một trong những điểm được VBA lo ngại là tính khả thi của việc cấm bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ sau 22 giờ đến 8 giờ sáng ngày hôm sau cũng như ảnh hưởng tiêu cực của quy định này đối với các chủ doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp.
Đơn vị này lý giải, việc cấm này sẽ gây ra thiệt hại cho sự phát triển du lịch và kinh tế, bao gồm nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hợp pháp sử dụng hàng ngàn người lao động (đang có việc làm) tại các cơ sở bán rượu bia sau 22 giờ hàng ngày.
Mặt khác, quy định cấm này cũng sẽ làm gia tăng tình trạng tiêu thụ rượu, bia trái phép, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
"Tất cả những hệ lụy cần phải được đánh giá đầy đủ và xem xét một cách toàn diện trước khi đưa ra Quốc hội biểu quyết về quy định của Điều Luật.
Quy định này sẽ ảnh hưởng hàng ngàn doanh nghiệp và hàng trăm ngàn lao động đang làm việc cho ngành dịch vụ ăn uống cũng như những tập quán văn hóa, xã hội về ẩm thực thưởng thức thức ăn cùng một ly bia.
Việc cấm bán rượu, bia sau 22 giờ sẽ dẫn dắt phát sinh những địa điểm kinh doanh trái phép (không đăng ký kinh doanh). Với những địa điểm này ai sẽ là người kiểm soát? Xử phạt như thế nào?", nội dung văn bản của VBA đề cập.
Theo VBA quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ còn nhiều điểm chưa hợp lý. Ảnh: Internet
Cùng với đó, VBA cũng cho rằng uống rượu, bia sau 22 giờ đặc biệt phần lớn là khách du lịch. Do đó, quy định này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nước khai thác từ du lịch và làm mất đi những cơ hội việc làm trong ngành du lịch, mất đi cơ hội quảng bá ẩm thực Việt Nam đến khách quốc tế.
Cơ sở kinh doanh lo ngại
Đón nhận thông tin về việc cấm bán rượu , bia tiêu dùng tại chỗ sau 22 giờ trong dự thảo, nhiều nhà hàng, quán bar trên phố Bùi Viện (TP.HCM) tỏ ra lo lắng.
Ông Trần Bảo Lộc, chủ quán MISS SAI GON khẳng định, đây là một quy định không phù hợp, nhất là đối với những nơi kinh doanh phố du lịch cho người nước ngoài hay những khu phố hoạt động về đêm.
“Du khách đến du lịch và vui chơi ở các phố đêm sử dụng bia nhiều, nếu điều cấm này được thực hiện, nguyên phố du lịch sẽ phải dẹp luôn. Điều này sẽ ảnh hưởng kinh tế, việc làm nặng nề”, ông Lộc nói.
Dự báo về hoạt động của quán nếu dự thảo luật được thông qua, ông Lộc khẳng định: Quán phải nghỉ kinh doanh luôn.
Cũng chung cảm xúc với ông Lộc, bà Trúc Hương (Quản lý Quốc Thanh Group – chuỗi bar lớn ở Bùi Viện) cũng cho rằng, quy định này nếu được áp dụng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của cơ sở mình.
“Thực chất bia, rượu là sản phẩm được kinh doanh hợp pháp, còn hệ lụy từ lạm dụng rượu bia là do hành vi của người uống quyết định. Văn hóa rượu, bia đã đi sâu vào văn hóa của người Việt Nam, không thể một sớm một chiều có thể thay đổi ngay được”, bà Hương bày tỏ.
Nhìn nhận ở góc độ này, ông Nguyễn Quang Dũng (chủ quán Saigon SpeakEasy) cũng lo ngại sẽ phải sa thải nhân viên nếu dự thảo luật được thông qua.
“Một quán phải sa thải khoảng 2-3 nhân viên, nhiều quán thì sẽ lên bao nhiêu người thất nghiệp. Hơn nữa, cũng có thể do thời gian cấm mà khách hàng sẽ tập trung uống dồn bia cho kịp thời gian, điều này còn gây ra nhiều nhức nhối hơn”, ông Dũng nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho rằng, nên hạn chế việc uống rượu, bia chứ không nên cấm hoặc nếu cấm thì nên cấm bán rượu, bia sau 12 giờ đêm sẽ hợp lý hơn.
Nguyên Thức (Chủ một nhà hàng ở Hà Nội): “Tôi băn khoăn ở việc ai sẽ quản lý và xử phạt nếu quy định này được áp dụng.
Hơn nữa, ví dụ như vào lúc kiểm tra sau 22 giờ vẫn có bia trên bàn nhậu của khách thì cơ sở nào để chứng minh việc mua bán. Ví dụ quán giải thích bia đang có trên bàn của khách được bán trước 22 giờ thì sao. Hoặc trước 22 giờ quán có thể bán hàng két bia cho khách, nếu khách không uống hết trả lại nhà hàng thì kiểm soát thế nào”.