Túp lều rách nát, nơi bà Loan và ông Cốc từng chung sống
Buổi họp trọng đại thỏa thuận giá “bán” chồng
Người phụ nữ đem “gả” chồng nói trên là bà Trần Thị Loan (SN 1973), ngụ khóm Vĩnh Tiền, phường 3, TX. Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.
Rạng sáng 18/6 vừa qua, bà Loan đã bị người chồng thứ 4 là ông Nguyễn Văn Cốc (58 tuổi, thường trú huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đánh chết.
Nhưng câu chuyện về cuộc đời của người phụ nữ này đang là đề tài bàn tán xôn xao ở địa phương.
Và câu chuyện khó tin nhưng có thật đó là người chồng đầu tiên đã bị bà Loan đem nhượng lại cho người phụ nữ khác để đổi lấy một số tiền kha khá…
Đây là chuyện có thật 100%! Ông Đỗ Văn Bình (47 tuổi, người chồng đầu tiên của bà Loan) ngồi kể về người vợ cũ của mình với khuôn mặt đượm buồn.
Ông Bình cho biết, gần 30 năm về trước, lúc đó ông chỉ mới là thanh niên 18 tuổi thì cha mẹ đã giục cưới vợ.
Đối tượng được cha mẹ chọn lựa chính là Loan - cô gái nhà sát bên, tuổi mới tròn 16. 2 người nên duyên chồng vợ với tài sản để lập nghiệp là mấy công ruộng quanh năm nhiễm phèn, mặn.
“Ruộng hồi đó 1 công chỉ thu được 5, 7 giạ lúa, làm cực khổ mà không đủ ăn. Nghĩ đến 2 đứa con trai còn nhỏ xíu, tôi với vợ bàn nhau sắm ghe đi mua lúa.
Bao nhiêu vốn liếng vay mượn thêm bên ngoài, vợ chồng tôi cũng sắm được 1 chiếc ghe”, ông Bình nhớ lại.
Cuộc sống bình yên hạnh phúc cũng chỉ kéo dài thêm được vài năm. Đến năm 1997, đứa con trai lớn lên 7, đứa nhỏ lên 5 tuổi thì tình cảm vợ chồng ngày càng lạnh nhạt.
Nguyên nhân cũng từ chuyện làm ăn không được thuận lợi, thua lỗ triền miên. Càng sống chung với vợ, ông Bình càng nhận ra đây không phải là người phụ nữ của đời mình. 2 người gần như sống ly thân.
Sau đó, ông Bình gặp được người phụ nữ khác, đó là bà Trần Thị Thu (hiện 54 tuổi, quê ở Đồng Tháp). 2 người cảm mến nhau ngay từ lần gặp đầu tiên.
Ngặt nỗi, bà Thu cũng là phụ nữ đã có chồng và 5 đứa con nheo nhóc ở nhà.
Tình cảm của 2 người lớn dần mà không biết toan tính như thế nào để được ở bên nhau. Bà Thu vẫn còn chồng, con, còn ông Bình thì ngoài vợ và 2 đứa con trai, vợ chồng ông còn một khoản nợ chung chưa giải quyết được. Lấn cấn mãi rồi bà Thu cũng quyết định ly hôn chồng.
Sau đó, ông Bình, bà Thu và bà Loan gặp nhau, ba mặt một lời. Buổi gặp mặt “trọng đại” đó, còn có cha mẹ của ông Bình và cha mẹ của bà Loan.
Trước mặt tất cả mọi người, bà Thu yêu cầu bà Loan “ra giá” để nhượng chồng. Bà Loan không phải vừa, ngoài yêu cầu bà Thu trả nợ giùm mình, bà Loan còn đòi một số tiền hoặc vàng để làm vốn.
Chưa hết, bà Loan còn đặt điều kiện, nếu trong vòng nửa tháng bà Thu không nộp đủ tiền thì sẽ “bắt” chồng lại.
“Nghe bà Loan nói vậy, cha của anh Bình mới nghiêm giọng nói, nếu tôi đồng ý trả số nợ cho bà Loan, còn đưa thêm một số tiền nữa thì đừng nói tới nửa tháng mà 1 năm đưa cũng được.
Ông ấy bảo không sống được với nhau thì thôi”, bà Thu kể lại.
Cuối cùng, bà Thu đồng ý trong vòng 1 tháng sẽ đưa cho bà Loan 5 chỉ vàng 24k và trả giúp một nửa số nợ là 6 triệu đồng. Phân nửa còn lại, ông Bình vẫn phải có trách nhiệm chi trả.
20 năm trước, đó là một số tiền, vàng không phải nhỏ, nhất là đối với những người nông dân chân lấm tay bùn.
Nội dung 2 bên thống nhất những điều khoản gì, bà Thu đều ghi rõ, đầy đủ trong đơn, có sự chứng kiến của… chính quyền địa phương lúc bấy giờ.
Ngoài những điều khoản liên quan đến tiền bạc, 2 bên thống nhất tự do lấy chồng lấy vợ, không được khiếu nại về sau. 2 đứa con trai thì chia ra, người chồng nuôi đứa lớn, người vợ nuôi đứa nhỏ.
“Nhưng cuối cùng 2 đứa con tôi ở với ông bà ngoại của nó, nhà cũng chỉ cách mấy bước chân nên cha con cũng gặp luôn. Vợ chồng tôi không hợp nữa thì thôi nhau.
Nhưng tính vợ cũ của tôi khó chịu, số tiền kia chỉ để khỏi rầy rà về sau”, ông Bình kể.
Câu chuyện bà Loan đem “bán” chồng truyền đi khắp nơi. Nhiều “giai thoại” được kể lại theo những cách khác nhau.
Có người kể rằng, khi túng thiếu, bà Loan từng bơi xuồng chạy dọc những nhánh kênh nhiễm mặn, gặp đám phụ nữ tụm năm tụm bảy thì rao rằng: “Có ai mua chồng tui không”...
4 ông không làm vui lòng một bà
Nhớ lại những ngày tháng đó bà Thu xúc động nói: “Tôi không biết ở anh Bình có điểm gì mà thu hút tôi đến như thế. Tôi đã có chồng, con cái đề huề.
Tôi còn hơn anh ấy 6, 7 tuổi. Gia đình tôi yên ấm hạnh phúc, cuộc sống đang ổn định vậy mà khi gặp được anh Bình, tôi quyết định bỏ tất cả”.
Sau phi vụ “mua bán” chồng, cuộc đời mỗi người rẽ sang một hướng khác nhau. Bà Thu, ông Bình sống hạnh phúc bên nhau và ít lâu sau, họ đón đứa con gái nhỏ ra đời.
Cuộc sống của 2 vợ chồng vẫn quanh quẩn bên ruộng lúa, đàn vịt và nghề sửa máy của ông Bình.
Gần 20 năm sống chung, bà Thu chưa một lần hối hận về quyết định táo bạo của mình ngày xưa. Bà tâm sự: “Giờ có ai trả tui 10 cây vàng tui cũng không đổi ông chồng này của tui đâu, tui nói thiệt đó”.
Nói rồi, vợ chồng họ nhìn nhau cười âu yếm.
Tờ giấy lãnh nợ, cam kết “nhượng” chồng của bà Thu và bà Loan
Về phần bà Loan, sau khi kết thúc vụ “mua bán chồng”, cuộc đời bà gặp liên tiếp những sóng gió. Đến cuối cùng, bà bị chính người đàn ông mình coi là chồng thứ 4 đánh đến chết.
Dù vậy, nhiều người dân ở đây cho rằng, kết cục của bà Loan bi thảm như thế là do chính cuộc sống, con người của bà gây nên.
Tìm hiểu những người đàn ông đi qua đời bà Loan, chúng tôi được biết họ cũng chỉ như là những chiếc bóng, thoáng qua đời bà rồi biệt tích.
Sau khi chia tay ông Bình, bà Loan lấy một người đàn ông khác và có 2 con gái. Nhưng rồi không được bao lâu họ lại thấy bà Loan bỏ xứ mà đi. Lúc về, bà lại “sánh đôi” cùng 1 người đàn ông khác.
Cứ thế, cho đến người đàn ông thứ 4 là ông Nguyễn Văn Cốc, tự nguyện theo bà về xứ này sinh sống. Nhưng đó chỉ là những người đàn ông được bà Loan công khai, còn thực sự có bao nhiêu người đàn ông đi ngang đời bà thì không ai biết được…
Người dân ở khóm Vĩnh Tiền vẫn không thể quên được hình ảnh tiều tụy, tuyệt vọng của ông Cốc trước ngày bà Loan chết.
Vợ chồng ông Bình cũng chính là người đã chứng kiến những lời lẽ hằn học, đe dọa mà ông Cốc dành cho bà Loan.
Bà Thu kể: “Ông Cốc từ khi về ở với bà Loan thì một tay lo liệu hết mọi chuyện. Ông đi giăng lưới, mò tôm bắt ốc, cái gì miễn ra tiền thì ông làm. Còn bà Loan là đàn bà mà chỉ biết ăn nhậu, cặp kè với những người đàn ông khác. Ông Cốc tức lắm nhưng không làm gì được, ông ấy sợ bà ấy giận”.
Trước ngày bà Loan mất khoảng 2 ngày, người dân khóm Vĩnh Tiền thấy ông Cốc cầm chén đi xin cơm ăn. Hỏi thăm thì ông uất nghẹn mà rằng, ông đi làm vất vả về bà Loan không nấu cơm cho ăn mà còn hoạnh họe.
Nhưng điều làm ông Cốc điên tiết là những buổi nhậu bất tận của bà Loan và mối quan hệ lằng nhằng với những người đàn ông khác.
“Ông Cốc nói với nhiều người sẽ giết bà Loan. Ngay chính bà Loan, ông cũng nói thẳng luôn.
Bà Loan sợ nên bảo đứa con trai út sang ở cùng, nhưng đến tối nó (con trai bà Loan - PV) lại về nhà, vậy là ông Cốc ra tay”, bà Thu cho biết.
Sáng 18/6, một người dân khóm Vĩnh Tiền nhận được cuộc điện thoại của ông Cốc báo tin đã giết chết bà Loan và ông cũng đã uống thuốc tự tử. Hiện Công an tỉnh Sóc Trăng vẫn đang khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc.