Chị bạn tôi là dân nghiên cứu khoa học ở Liên Xô cũ. Những năm đầu thế kỷ mới, chị bất ngờ về nước chuyển sang kinh doanh nhà hàng khách sạn ở Vũng Tàu.
Ban đầu chị ưu tiên phục vụ khách Nga, những người đang sinh sống và làm việc tại Vũng Tàu cũng như du khách sang du lịch nơi thành phố biển này.
Vài năm gần đây, khách Nga thưa dần rồi vắng hẳn, chị lại nhanh nhảu bắt mối khách hàng lớn khác. Lần này là những người khách đến từ Trung Quốc.
Chẳng hiểu do duyên bán hàng hay do chất lượng dịch vụ tốt, giá cả phải chăng mà khách sạn của chị luôn đạt công suất phòng rất cao. Nhà hàng thì khỏi nói, ngày nào cũng vui như hội khi khách Trung Quốc đến ăn đông đảo.
Dần dần, chị chỉ chuyên phục vụ khách đoàn Trung Quốc chứ không phục vụ khách khác nữa.
Với số lượng đông đảo nên doanh thu từ thị trường khách du lịch Trung Quốc lại tốt hơn hẳn so với các thị trường khác.
Là chỗ thân quen, tôi hay thăm hỏi chị và được biết khách của chị là tầng lớp du khách trung bình thấp. Họ chủ yếu đến từ Vân Nam, Tứ Xuyên, Quảng Tây là những tỉnh nghèo của Trung Quốc. Chi tiêu cho một chuyến đi cho họ cũng không cao.
Tuy nhiên, với số lượng đông đảo, nên doanh thu lại tương đối lớn, tốt hơn hẳn so với khách Nga trước đây. So ra có khi còn gấp ba gấp tư.
Đây cũng là tình trạng chung của du lịch Vũng Tàu nói riêng và Việt Nam nói chung. Những năm gần đây do kinh tế xuống dốc nên người Nga hạn chế đi du lịch. Đúng lúc này, du khách Trung Quốc có hiện tượng bùng nổ tràn vào Việt Nam.
Đáng tiếc cho chúng ta, do cơ sở hạ tầng thấp kém, năng lực quản lý du lịch hạn chế, nhân lực cho ngành du lịch thiếu trầm trọng cả về số lượng và chuyên môn dẫn tới chúng ta không thể đón được những vị khách lắm tiền, mà chỉ vớt vát được những vị khách chi tiêu thấp.
Nhìn ra xung quanh, có thể thấy rằng người Thái, người Mã, người Indo thậm chí người hàng xóm Cambodia đã vượt xa chúng ta trong việc khai thác thị trường béo bở này.
Trong năm 2015, người Thái đã đón 8 triệu lượt du khách Trung Quốc, vươn lên đứng vị trí thứ 5 trong tốp những quốc gia có số lượng du khách Trung Quốc đến thăm nhiều nhất. Trong khi đó, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam chỉ vào quãng 1,7 triệu, dù chúng ta ở sát nách họ.
Tôi không phủ nhận rằng khách Trung Quốc ồn ào hơn những khách du lịch ở các quốc gia khác. Điều này xuất phát từ văn hóa và dân tộc tính của họ, vốn khá giống với ta. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn lại cung cách quản lý và năng lực của mình, chứ không thể đổ hết lỗi cho họ được.
Hàng ngày, chúng ta có thể bắt gặp những sự chỉ trích du khách Trung Quốc xả rác, chửi bới... nhưng du khách Việt Nam có tốt hơn họ không? Chúng ta luôn than phiền rằng họ ít xài dịch vụ của ta, vậy dịch vụ của ta có thực sự tốt không? Hay cứ thấy khách là lao vào chặt chém?
Có lần tôi hỏi bà chị tôi có gặp phiền hà gì với du khách Trung Quốc không, chị cười rất tươi và nói, mình làm dịch vụ thì khách than phiền là đương nhiên thôi em.
Nhưng không có trường hợp nào quá đáng cả, vì ngay từ đầu khi họ đặt vấn đề, chị đã yêu cầu họ tuân thủ luật pháp và nội quy của khách sạn nhà hàng, nên họ không dám làm gì quá đáng.
Có lần chị đã từng đuổi cả đoàn khách đi chỉ vì một ông say rượu, làm cho trưởng đoàn của họ phải năm lần bảy lượt xin lỗi. Chị nói không quên kèm nụ cười tự hào.
Hướng dẫn viên Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam khi dẫn đoàn khách nước này tham quan tại Đà Nẵng cuối tháng 6/2016. Ảnh: Hồng Lam.
Gần đây, vụ việc hướng dẫn viên Trung Quốc nói không chính xác khi dẫn đoàn khách làm dư luận lại một phen ồn ào về việc này. Có không ít tiếng nói kêu gọi tẩy chay du khách Trung Quốc, trong đó không ít người là bạn tôi.
Tác giả Lê Tư
Nói thật, tôi rất buồn khi đọc những dòng trạng thái kêu gọi như vậy. Họ đưa ra những lý do rất tầm thường để kêu gọi việc tẩy chay này, ví dụ như du khách Trung Quốc đi tiểu bậy, du khách Trung Quốc coi thường người Việt Nam.
Tất cả những lý do tôi nêu trên chỉ cho thấy một tâm lý có vấn đề của một bộ phận người. Chúng ta là quốc gia độc lập, có pháp luật, vậy thì chúng ta hãy đem luật ra để xử. Ai sai đến đâu thì xử đến đó.
Còn muốn họ không coi thường ta thì tự chúng ta phải có lòng tự trọng, chứ không phải vì một vài lý do cỏn con đó mà xóa bỏ cả một lượng du khách đông đảo vốn tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn người.
Có bạn còn nói rằng, nếu không có khách Trung Quốc thì khách Tây mới đến. Xin thưa rằng, với năng lực hiện tại của ta, chỉ có thể đón khách tây ba lô. Những người này còn chi tiêu kém hơn và độ xấu xí không thua gì những người khách Trung Quốc nêu trên.
Có thể tâm lý không ưa người Trung Quốc vẫn còn nhiều, nhưng tìm biện pháp để giải quyết tối ưu hòng đem lại lợi ích cho mình là việc cần làm, chứ không phải tẩy chay họ, điều đó chỉ thể hiện tinh thần nhược tiểu của ta mà thôi.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả