Lần thứ nhất, những ông chủ đến từ Đài Loan cúi đầu xin lỗi, là khi giám đốc đối ngoại Formosa Vũng Áng Chu Xuân Phàm, răn dạy người Việt: Nếu chọn thép thì đừng nghĩ nhiều đến tôm cá.
Lần thứ hai, họ cúi đầu xin lỗi vì đã đầu độc biển. Nhưng trước đó, ông chủ tịch đã gửi thư cho toàn bộ nhân viên, khẳng định một cách đanh thép: “Trong bất kỳ tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động”.
Hàng trăm ngàn ngư dân và những người làm du lịch, dịch vụ ở miền Trung, không có được cái may mắn tiếp tục hoạt động trong bất kỳ tình huống nào, như khẳng định của ông chủ ở Formosa.
Hơn 3 tháng nay, hàng ngàn con thuyền đánh cá gần bờ đã phải cúi đầu cam chịu trước biển. Những chiếc neo thuyền rỉ sét nằm câm lặng trên bờ.
Ông Mai Xuân Liêm (Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), bảo rằng, từ khi cá chết hàng loạt, hôm nào ông cũng ra âu thuyền ngồi ngóng. Lão ngư có 50 năm bám biển chưa bao giờ chịu đầu hàng sóng gió ấy, giờ đây cũng chỉ biết cúi đầu bất lực.
Sau lưng người ngư dân già khắc khổ đó, còn có bao nhiêu ước mơ học hành, ước mơ no cơm, ấm áo.
Hơn 3 tháng nay, thay vì mang về bến những khoang thuyền đầy cá, thì nhiều ngư dân lực lưỡng, ngang tàng như Hồ Thanh Mọ (xã Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) , phải ngồi yên trong ngôi nhà nhỏ, chìa tay nhận những đợt sẻ chia, cứu trợ của đồng bào.
Hơn 3 tháng nay, những còn tàu vươn khơi - cột mốc chủ quyền sống trên biển Đông - đã vắng thưa đi ít nhiều. Thị trường ảm đạm không thể tiếp sức cho nhiều tàu cá vươn khơi.
Người thợ lặn sức vóc hơn người Lê Văn Ngày (quê Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã chết đột ngột sau khi lặn thi công đê chắn sóng KCN Vũng Áng. Những ngày ấy, cá chết dạt bờ nhiều vô kể.
Thế nhưng đến nay, sau hơn hai tháng mòn mỏi đợi chờ, thật kỳ lạ, gia đình khốn khổ của anh vẫn chưa nhận được kết quả khám nghiệm tử thi.
Vì vậy, nguyên nhân cái chết của anh, theo lý thuyết, vẫn còn là điều bí ẩn, kể cả khi Formosa đã thú nhận gây ra thảm họa môi trường.
Bà mẹ già và người vợ của anh Ngày đã khóc lặng đi rất lâu trong ngôi nhà tồi tàn như phòng trọ sinh viên ở quê nhà. Nước mắt họ lăn dài trên những gò má không thể nhăn nheo hơn vì lam lũ.
Nguồn sống chính của gia đình là đồng lương của anh Ngày, cũng đã tan theo nước mắt kể từ ngày biển miền Trung bị hủy hoại.
Những bậc cha mẹ của 155 học sinh thôn Đông Yên, Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chắc cũng phải nuốt nước mắt vào lòng, khi con họ bị thất học hai năm trước.
“Đại chiến dịch” giải phóng mặt bằng để lấy đất và biển cho Formosa thuê những 70 năm, nhưng lại diễn ra với tốc độ thần tốc.
Đích thân những lãnh đạo tỉnh như ông Võ Kim Cự, Chủ tịch tỉnh lúc bấy giờ, thường xuyên có mặt ở những điểm nóng để đốc thúc. Hình ảnh ấy khiến cho phía Formosa “vô cùng cảm kích”. Thế nhưng, việc ổn định cuộc sống của những người phải di dân, phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn, phải chuyển nghề, lại không thể nhanh như giải phóng mặt bằng.
Cha mẹ của 155 em học sinh, chưa chuyển đến nơi mới, nhưng chính quyền lại yêu cầu các em phải đi học ở trường tái định cư, cách nhà 25 km. Thế là thất học.
Không biết, trong thời gian đằng đẵng thất học ấy, có vị nào đến nơi ấy, gặp gia đình các em động viên tháo gỡ, như họ đã quyết liệt vì tiến độ của Formosa?
Sau vụ cá chết, nhiều con em ngư dân 4 tỉnh miền Trung cũng thất học. Gánh nặng kinh tế bỗng trở nên quá sức đối với những đôi vai đã rất quen gồng gánh, khi biển bị đầu độc.
Người miền Trung vốn kiên cường, quen đương đầu với sóng gió, gian khó, nên họ sẽ không rơi lệ khi con em bị thất học. Nhưng xét về lâu dài, sự mất mát tri thức, còn đau hơn nước mắt.
Những chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng và Chính phủ, các chính sách dồn sức ưu tiên hỗ trợ ngư dân, diêm dân 4 tỉnh bị thiệt hại, hy vọng sẽ làm giảm đi những giọt nước mắt mặn chát ấy.
Ngư dân Phan Thành An (khu phố An Đức 1, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị) tâm sự: “Tiền bạc ăn mấy cũng hết, ngư dân như tôi chỉ mong ngư trường được trở lại để ra khơi, chứ không trông mong vào các khoản đền bù, trợ cấp. Biển được an toàn, cá sạch là chúng tôi yên tâm ra khơi, không làm gánh nặng cho Nhà nước nữa”.
Anh Phan Thành An chưa biết mình sẽ được lợi gì khi giới chủ Formosa cúi đầu nhận lỗi. Điều những ngư dân như anh An cần là biển an toàn, cá sạch, tàu bè lại tấp nập vào lộng ra khơi. Anh An chắc chắn sẽ không để ý kỹ điều này: Giới chủ Formosa đã cúi đầu rất thấp khi nhận lỗi khi gây ra thảm họa môi trường.
Anh An cũng có thể không nghĩ đến công nghệ sa thải: Những người vạ miệng như Chu Xuân Phàm, sẽ bị Formosa hô biến rất nhanh sau một nốt nhạc.
Nhưng anh An biết rất rõ: Sự cúi đầu và sa thải quan chức ấy, không làm cho môi trường biển miền Trung trở lại bình thường như xưa, ít nhất là trong nhiều năm nữa.
Vì lợi nhuận, những người chủ tư bản như Formosa có thể sẽ cúi đầu nhiều lần nữa, như họ đã cúi đầu ở nhiều nước khi gây thảm họa, để rồi lại tái diễn ở nước khác.
Để vỗ yên dư luận, họ có thể sa thải thêm nhiều Chu Xuân Phàm khác.
Vì thế, điều người dân như anh An mong chờ không phải là thái độ của những nhà tư bản thay đổi thế nào, mà là Việt Nam phải làm gì để Formosa cũng như các cty phá hoại môi trường khác, không có cơ hội cúi đầu nhận lỗi lần thứ hai; không có cơ hội tái phạm tước đi sự an toàn của biển, của cá.
Như vậy, xét về mặt lý thuyết, cái cúi đầu đáng sợ nhất chính là cúi đầu chấp nhận hoặc làm ngơ cho những kẻ tội đồ trong việc hủy hoại môi trường, tiếp tục vi phạm.
Cái đáng sợ nhất là vì lợi ích trước mắt mà trải thảm đỏ cho những kẻ không đủ tiêu chuẩn phát triển bền vững, tràn vào đầu độc quê hương.
Nhưng chúng ta kiên quyết không cúi đầu và làm ngơ như vậy!
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một danh giới cuối cùng, không có đường lùi cho những kẻ vi phạm: “Nếu Formosa tái phạm, sẽ kiên quyết đóng cửa”; “Không vì kinh tế mà hy sinh môi trường”.
Cái ý chí mà Chính phủ cũng như tuyệt đại bộ phận nhân dân, thể hiện trong việc lôi Formosa ra ánh sáng, đã chứng tỏ: Việc cúi đầu cam chịu, vĩnh viễn không bao giờ là một thuộc tính của người Việt.
Ai cũng hiểu: Nếu cúi đầu, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, đi ngược lại sự phát triển bền vững đất nước, người đó sẽ bị phán xét lâu dài.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Vì thế, ứng xử đúng đắn với biển, là ứng xử với sự phát triển và trường tồn của đất nước.
Nhưng ứng xử đúng đắn không có nghĩa là chỉ đi phê phán người ngoài.
Đã bao giờ, chính chúng ta tự vấn lương tâm mình: Đã làm gì để bảo vệ môi trường biển? Những người Việt chúng ta đã làm gì để vơi đi nước mắt biển?
Tạp chí Science uy tín thế giới, đã đưa ra một con số rùng mình: Mỗi năm có hơn 8 triệu tấn rác nhựa được đổ xuống các đại dương, và Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia thải nhựa ra biển nhiều nhất.
Kết quả khảo sát và phân tích số liệu từ hơn 192 quốc gia cho thấy hơn 8 triệu tấn rác nhựa được đổ xuống các đại dương mỗi năm, tương đương 16 túi nhựa trên một mét đường bờ biển.
Science khẳng định: “Nếu 5 quốc gia trên quản lý được 50% lượng chất thải của họ, thì tổng lượng rác thải không được quản lý của toàn cầu sẽ giảm 1/4”.
Chương trình Hành động toàn cầu quản lý ô nhiễm biển, đất liền của thế giới, đã chọn Việt Nam để thử kiểm kê tổng thể tải lượng các chất gây ô nhiễm biển và vùng cửa sông ven bờ từ nguồn đất. Kết quả cho thấy khả năng gây ô nhiễm biển từ vùng biển ven bờ là 30% và 70% là do các nguồn thải từ đất liền.
Thống kê sơ bộ của Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng cho thấy, từ năm 1992 đến nay, xảy ra 130 vụ tràn dầu trên biển, sông Việt Nam gây thiệt hại rất lớn về cả kinh tế và môi trường. Chính người Việt cũng đang vô tình và cố ý đầu độc biển dần dần trên quy mô lớn! Tôi có nhiều người bạn đi khắp nơi thế giới. Họ đều có chung một cảm nhận: Chẳng nơi đâu biển đẹp bằng Việt Nam.
Nhưng rồi, những chuyến đi biển Việt Nam của họ thưa dần. Họ chuyển sang Maldives, Boracay, Bali, Hawaii…
Ban đầu, để tránh nỗi sợ hãi khi phải nhìn những bãi biển nổi tiếng trong đất liền, tràn ngập rác rưởi sau mỗi dịp Lễ, Tết, họ tìm ra các đảo xa.
Nhưng rồi, đứng trước những cầu tầu, bến cảng ngập rác ở Lý Sơn, Bình Ba, Nam Du, Cô Tô, Bãi Cháy…, họ đành cúi đầu thở dài, không hẹn ngày trở lại.
Quang Đẩu, một người có bằng thạc sĩ làm chủ bè cá ở Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) đã ngăn khi tôi có ý định ra Điệp Sơn – hòn đảo có con đường đi bộ giữa biển đẹp như trong cổ tích.
Đẩu bảo: Khi chưa có khách du lịch, Điệp Sơn sạch lắm. Cứ bắt đầu có khách du lịch là có hôm rác thải vô tội vạ.
Cách đây một tháng, tôi hỏi một thanh niên ở đảo Nam Du (Kiên Giang) rằng tại sao dân ở đây lại coi biển là một thùng rác khổng lồ.
Chàng thanh niên cúi đầu lẩm bẩm một câu không rõ tiếng, trong khi vẫn thản nhiên liệng tất cả đồ thừa của một cuộc nhậu xuống biển, kể cả vỏ chai bia, rượu.
Bao nhiêu người Việt đã quay đi, đã làm ngơ hoặc cúi đầu im lặng, khi thấy đồng loại làm bẩn biển; tận diệt nguồn lợi biển?